ThienNhien.Net – Người dân thôn Xà Cầu (Ứng Hòa – Hà Nội) đang từng ngày sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ những núi phế liệu, rác thải khổng lồ.
Được và mất ở “làng rác”
Nghề thu mua phế liệu ở thôn Xà Cầu đã có từ lâu đời. Trước đây chỉ có vài hộ làm nhỏ lẻ, nhưng 5 năm trở lại đây số hộ dân làm nghề này đã tăng lên nhanh chóng, chiếm 70% số dân ở trong thôn. Khiến nơi đây được nhiều người gắn với cái tên “làng rác”. Nhờ có nghề này, cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi và tạo việc làm cho nhiều người.
Phế liệu cũng như rác có mặt ở khắp mọi nơi, khiến đường đi trong làng đâu đâu cũng chỉ thấy rác, làm ô nhiễm bầu không khí một cách nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà sức khỏe người dân nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng.
“Chúng tôi ở đây hàng ngày phải ăn chung, uống chung với nguồn nước ô nhiễm, hôi thối. Người già, trẻ nhỏ ở đây thì bị bệnh về đường hô hấp và rất nhiều người từ 40 tuổi đã bị bệnh ung thư” – bà Lê Thị Tâm (thôn Xà Cầu) chia sẻ.
Ô nhiễm từ nghề tái chế phế liệu, đã làm cho những cánh đồng của người ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước đây năng suất thu hoạch từ lúa rất cao nhưng hiện nay nhiều ruộng đã phải bỏ hoang do hóa chất tẩy nhựa, dung dịch thừa trong các chai nhựa, được xả thẳng ra con kênh Bắc Quảng Hoa, nguồn nước phục vụ hoa màu trên địa bàn.
Cần những biện pháp xử lý
Trước tình hình trên, chính quyền xã Quảng Phú Cầu đã đưa kiến nghị lên huyện Ứng Hòa. “Đề nghị cấp trên mở một khu tái chế rác riêng, cách xa khu dân cư. Và có những biện pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí để cuộc sống người dân ở đây không phải chịu cảnh hàng ngày phải sống chung với rác. Đây cũng là những nguyện vọng của người dân thôn Xà Cầu nói chung, thế nhưng cho đến nay những phương án này vẫn chưa được giải quyết” – ông Nguyễn Bá Huê (trưởng thôn Xà Cầu) cho hay.
Việc thu mua, tái chế rác thành nguyên liệu sản xuất là sinh kế của cả một vùng quê nên rất khó để họ từ bỏ. Để khắc phục tình trạng trên cần sự chung tay của chính quyền các cấp, cũng như sự quan tâm của nhà nước. Và quan trọng hơn hết cũng là ý thức của chính người dân.