ThienNhien.Net – Đây là con số đáng chú ý tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 diễn ra sáng 31/3/2016 tại Hà Nội do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức.
2015 là năm thứ 11 liên tiếp VCCI công bố chỉ số PCI và là năm có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia PCI tăng kỷ lục. Báo cáo PCI năm nay dựa trên thông tin phản hồi từ 11.700 doanh nghiệp, trong đó có 10.200 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành và gần 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 43 quốc gia đang hoạt động tại 14 tỉnh, thành tại Việt Nam.
Báo cáo cho hay phần nhiều doanh nghiệp nhận thấy các cơ quan chính quyền đã đơn giản thủ tục nên không phải đi lại nhiều lần để xin dấu, chữ kí; thời gian thanh thuế năm 2015 cũng thấp nhất trong 3 năm qua. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức vẫn chiếm 66%, cao hơn cùng kỳ 2014 (64%) và 2013 (50%). Đặc biệt, có tới 65% doanh nghiệp phản ánh tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp xảy ra là phổ biến. Tóm lại, chi phí không chính thức và cạnh tranh không bình đẳng tại địa phương khi một số tỉnh ưu tiên các tập đoàn hay công ty lớn là hai vấn đề nổi cộm nhất của khối doanh nghiệp trong nước.
Với khối doanh nghiệp FDI, trên 70% doanh nghiệp tham gia PCI cho biết họ phải dành ra hơn 5% thời gian để nghiên cứu các thủ tục hành chính của Việt Nam. Khối doanh nghiệp này cũng phản ánh trở ngại về tình trạng khó tiếp cận thông tin ngân sách của tỉnh. Việt Nam bị đánh giá có môi trường kinh doanh kém hấp dẫn hơn so với các quốc gia cạnh tranh trong 4 lĩnh vực: Tình trạng tham nhũng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ công và gánh nặng quy định.
Điều tra PCI 2015 cũng cho thấy mức độ nhận biết và ủng hộ của doanh nghiệp dành cho Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tăng lên so với điều tra năm 2014, từ 62% lên 72%.
Về chỉ số xếp hạng địa phương, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI với 68,34 điểm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nằng dẫn đầu bảng xếp hạng trong tổng số 6 lần dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Kế sau Đà Nẵng là tỉnh Đồng Tháp với 66,39 điểm, đứng thứ 3 là Quảng Ninh với 65,75 điểm. Riêng Hà Nội đã tăng từ vị trí 26 năm 2014 lên vị trí 24 năm 2015, tuy nhiên Hà Nội lại đứng cuối bảng về chỉ số Gia nhập thị trường và Tiếp cận đất đai, trong khi Đà Nẵng dẫn đầu về chỉ số Tính minh bạch.
Trong bài phát biểu tại Lễ công bố, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: hy vọng trong những năm sau, ngoài việc phản ánh về chất lượng điều hành quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước một cách thường niên, PCI sẽ có thêm mục Hiến kế để các doanh nghiệp đóng góp ý tưởng nhằm cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo hướng tiến bộ, tích cực hơn.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. PCI được tiến hành dựa trên 10 chỉ số thành phần bao gồm: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý. |