ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đăng trên Conservation Biology đã đưa ra những dự báo không mấy khả quan cho REDD+ và những cơ chế bảo tồn dựa vào thị trường khác.
“Questioning REDD+ and the future of market-based conservation” (Tạm dịch: Nghi vấn REDD+ và tương lai của công tác bảo tồn dựa trên thị trường”) – Báo cáo nghiên cứu do Robert Fletcher (Đại học Wageningen), Wolfram Dressler (Đại học Melbourne), Bram Buscher (Đại học Wageningen) và Zachary R. Anderson (Đại học Toronto) thực hiện.
Báo cáo này nhằm giải quyết hai vấn đề: (1) đánh giá về tương lai của sáng kiến REDD+ và đưa ra các phương án chuẩn bị nếu quá trình thực hiện không thành công như dự kiến và (2) bài học từ việc thực hiện REDD+ và triển vọng của xu hướng bảo tồn sử dụng các “công cụ dựa vào thị trường” (MBIs) đang ngày càng thịnh hành trong thời gian gần đây.
REDD+ không thu được tiền từ thị trường carbon
Hiện có rất nhiều dự án REDD+ thí điểm trên toàn cầu, tuy nhiên, chỉ rất ít trong số này thu được tiền từ thị trường carbon tự nguyện. Hầu hết ngân sách để duy trì dự án REDD+ tại các địa phương đều đến từ viện trợ song phương và đa phương, nổi bật là nguồn tài chính từ Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình REDD+ của Liên hợp quốc (UN-REDD) và Chính phủ Na Uy.
Giống như nhiều sáng kiến bảo tồn dựa vào thị trường khác, REDD+ hướng tới nâng cao giá trị của rừng để hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Các tác giả của nghiên cứu nói trên cho rằng, về lý thuyết, REDD+ sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tuy nhiên khi triển khai trong thực tế, sáng kiến này đã vấp phải khá nhiều vấn đề. Một nghiên cứu mới đây của CIFOR về hiệu quả thực hiện REDD+ cũng cho thấy phần lớn các dự án REDD+ đang trong tình trạng trì trệ hoặc bỏ dở do thiếu kinh phí.
Trạng thái căng thẳng ở vùng dự án thực hiện REDD
Việc không trao đổi thương mại được tín chỉ carbon khiến các vùng dự án thực hiện REDD luôn trong trạng thái căng thẳng. Người dân địa phương ấp ủ hy vọng có được lợi nhuận từ bảo vệ rừng, trong khi quản lý dự án liên tục phải tìm nguồn tài trợ để bù đắp sự thiếu hụt tài chính do những lời hứa trước đó.
Dẫn chứng được đưa ra trong báo cáo là tình hình thực hiện REDD ở Palawan, Philippines. Sau nhiều thập kỷ thực hiện các hoạt động bảo tồn tích hợp các dự án phát triển (ICDPs), tiến trình thực hiện Chương trình REDD+ toàn diện, dựa vào cộng đồng ở đây đã chậm lại đáng kể vì cả các tổ chức phi chính phủ và người dân địa phương đều phải đợi nguồn kinh phí.
Trong khi đó tại Kalimantan, Indonesia, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (Nature Conservancy) đang thực hiện dự án bảo tồn rừng tại Berau đã phải lảng tránh thảo luận về các vấn đề chi trả carbon với các cộng đồng địa phương để có thể “kiểm soát những kỳ vọng”.
Ở cả hai khu vực trên, cộng đồng địa phương được thuyết phục từ bỏ lợi ích ngắn hạn từ trồng cây dầu cọ và khai thác khoáng sản bằng những hứa hẹn về lợi ích lâu dài của REDD+.
Theo nhóm tác giả, sự thất bại của REDD sẽ là mồ chôn niềm tin và kỳ vọng của người dân, đồng thời làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng. Do đó, nhóm nghiên cứu kêu gọi các chuyên gia bảo tồn nghiêm túc lưu ý tới khả năng xấu này và xây dựng những chiến lược thích hợp nhằm ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi người dân vỡ mộng về những lợi ích của REDD+ và các sáng kiến mà họ tham gia.
Cân nhắc lại các biện pháp bảo tồn dựa vào thị trường
Các tác giả đề xuất cân nhắc lại việc áp dụng các sáng kiến bảo tồn dựa vào thị trường, tránh việc chạy theo các xu hướng thịnh hành.
Theo nhóm nghiên cứu, những vấn đề REDD đang đối mặt không thể hiện sự thất bại ở cấp Liên hợp quốc khi tạo ra cơ chế thị trường carbon toàn cầu. Vấn đề ở đây nằm ở sự thiếu hụt vốn để thực hiện REDD, cũng chính là mấu chốt của những mâu thuẫn trong cách thức bảo tồn dựa vào thị trường.
Đối với các cơ chế bảo tồn dựa vào thị trường như REDD+ (tự tìm nguồn thu từ bán tín chỉ carbon để bù đắp trực tiếp cho bảo tồn rừng), doanh thu tối thiếu phải bù đắp được chi phí. Do đó, thiếu hụt vốn là điều không thể chấp nhận. Các sáng kiến bảo tồn dựa vào thị trường đang trở lên ít thị trường hơn theo thời gian và buộc phải kết hợp với hình thức trợ cấp hoặc áp dụng các biện pháp, quy định trái với mục đích ban đầu để đạt được hiệu quả bảo tồn. Đó chính là những gì diễn ra với REDD trong thời gian qua.
Theo các tác giả, về lâu dài chúng ta phải tách bảo tồn ra khỏi cơ chế thị trường, hướng tới phân bổ lại quyền kiểm soát tài nguyên, quản lý việc mở rộng khai khoáng và đưa đất đai trở lại dưới quyền kiểm soát của địa phương để quản lý một cách tổng thể.
Báo cáo trên được xây dựng dựa trên bài viết đăng trên Conservation Biology năm 2013 cho rằng REDD chỉ là “mốt thời thượng” của bảo tồn. Cùng với REDD, nhóm tác giả của bài viết, bao gồm Kent Radford (nguyên là Phó chủ tịch về Chiến lược bảo tồn của Tổ chức bảo tồn Động vật hoang dã – WCS), Christine Padoch (CIFOR) và Terry Sunderland (CIFOR), cũng dự báo một loạt các biện pháp bảo tồn khác chỉ thịnh hành nhất thời và sẽ bị bỏ rơi trong tương lai gồm: thương mại các sản phẩm từ rừng tự nhiên; các dự án bảo tồn tích hợp phát triển (ICDPs); du lịch sinh thái; chứng nhận sinh thái; bảo tồn dựa vào cộng đồng; chi trả dịch vụ hệ sinh thái và dịch vụ môi trường (PES); nhượng quyền bảo tồn; canh tác nông nghiệp kết hợp bảo tồn… |