Nhìn sâu vào tình trạng xâm nhập mặn ĐBSCL

ThienNhien.Net – Là một phần của Lưu vực Mê Kông và có vị trí tiếp giáp biển, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu ảnh hưởng của cả điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn tại chỗ từ phía thượng nguồn sông Mê Kông và từ phía biển. Điều này đồng nghĩa là khi dòng Mê Kông yếu đi vào mùa khô thì nước biển dâng dần dần sẽ đẩy mặn vào sâu trong đất liền.

 Hạn mặn khiến nhiều đồng lúa chết khô ở ĐBSCL (Ảnh: VietNamNet)

Hạn mặn khiến nhiều đồng lúa chết khô ở ĐBSCL (Ảnh: VietNamNet)

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng mặn trầm trọng năm nay?

Lưu vực sông Mê Kông có thể chia làm 2 phần: Thượng lưu vực nằm trong lãnh thổ Trung Quốc và phần Hạ lưu vực tính từ biên giới Lào-Trung Quốc trở xuống tới bờ biển Việt Nam. Tổng dòng chảy trung bình cả năm của dòng Mê Kông là 475 tỉ m khối, trong đó 16% đến từ Trung Quốc, 2% từ Myanmar và 82% là nước mưa ở Hạ lưu vực tức là tính từ Lào, Thái Lan, Campuchia, tới bờ biển Việt Nam. Sang mùa khô, lượng nước từ Trung Quốc có thể đóng góp đến 30% dòng chảy đo ở Kratie. Vì vậy, lượng nước ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng chủ yếu của lượng mưa ở vùng Hạ lưu vực. Vai trò của lượng nước từ Trung Quốc tăng lên vào mùa khô.

Hiện nay 11 đập ở vùng Hạ lưu vực chưa xây, chỉ có đập Xayaburi đang xây dở và đập Don Sahong mới khởi công cho nên chưa phải là tác nhân đóng góp cho tình hình hạn mặn năm nay. Còn các đập ở Trung Quốc là loại đập có hồ chứa lớn, có khả năng trữ nước trong mùa mưa, xả ra trong mùa khô để phát điện. Trong mùa khô, trên lý thuyết, các đập Trung Quốc làm tăng dòng chảy.

Hiện tượng El Nino xuất hiện gần như theo chu kỳ 4-5 năm một lần và gây khô hạn, nhưng El Nino năm nay diễn biến cực đoan gây hạn trên toàn lưu vực Mekong, không chỉ ở ĐBSCL. Phần Thượng lưu vực ở Trung Quốc cũng bị hạn trầm trọng. Vì vậy lượng nước đổ về ĐBSCL thấp kỷ lục và gây hạn gay gắt nhất trong 90 năm qua (thật ra con số 90 là do chúng ta chỉ có số liệu đến 1926 do Pháp để lại).

Như đã phân tích ở trên, phần lớn nước (82%) mà ĐBSCL nhận được là từ phần Hạ Lưu Vực tính từ biên giới Lào-Trung Quốc trở xuống, cho nên tình trạng khô hạn, ít mưa mới là yếu tố quyết định đến xâm nhập mặn ĐBSCL năm nay. Tác động lớn của các đập thủy điện của Trung Quốc đến ĐBSCL không phải là về lượng nước mà là việc làm giảm đến 50% lượng phù sa về ĐSBCL ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất, ảnh hưởng tới nông nghiệp và làm cắt đứt quá trình bồi tụ phù sa, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển.

Tuy nhiên, vào năm khô hạn như năm nay, một mặt là do ít mưa, sự trữ nước trong mùa lũ của các đập Trung Quốc cũng góp phần làm giảm đỉnh lũ về hạ lưu và giảm lượng nước vào Hồ Tonle Sap ở Campuchia, khiến trong mùa khô hồ Tonle Sap không đủ nước để bổ sung cho dòng chính đẩy mặn. Có thể thấy mùa lũ 2015 nước lũ đã không về ĐBSCL. Bình thường vào mùa khô, hồ Tonle Sap có thể đóng góp 30% lượng nước về hạ lưu, nhưng mùa khô năm nay, hồ Tonle Sap cũng cạn, không đóng góp được gì cho dòng chảy về hạ lưu.

Các đập thủy điện sẽ đe dọa an ninh lương thực khu vực sông Mê Kông (Ảnh: stimson.org)
Các đập thủy điện sẽ đe dọa an ninh lương thực khu vực sông Mê Kông (Ảnh: stimson.org)

Điều gì sẽ xảy ra khi chuỗi đập hạ nguồn được xây dựng?

Tình hình xâm nhập mặn năm nay là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cả cho nông dân trồng lúa, nông dân nuôi tôm, thủy sản mặn và gây ra tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cho người dân ven biển. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, mặn năm nay là một sự kiện cực đoan không phải thường xuyên, ít nhất là 90 năm nay chưa từng có. Mặc dù vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan như vậy được dự đoán sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ví dụ từ tần suất 90 năm một lần có thể xảy ra 20 năm một lần.

Điều đáng lo ngại là, trong tương lai khi 11 đập thủy điện ở dòng chính hạ nguồn trên lãnh thổ Lào và Campuchia được xây dựng thì tình hình sẽ phức tạp hơn. Các con đập này không có hồ chứa lớn, tích nước và xả nước phát điện theo ngày trong mùa nước, nhưng sang mùa khô từng đập này có khả năng lưu nước từ ba ngày đến ba tuần, như vậy chuỗi 11 đập hoàn toàn có khả năng làm đảo lộn thời gian nước về hạ lưu khi phải đi qua tất cả các đập này.

Hơn nữa, mười một đập này do các nhà đầu tư, vận hành riêng rẻ và khác nhau  vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận phát điện chứ không phải vì lợi ích cộng đồng. Vì vậy, trong những năm khô hạn cực đoan như năm nay, các đập này sẽ gây sự xáo trộn lớn hơn. Trong mùa khô các đập sẽ tăng cường tích cho đủ nước trong một giai đoạn, đến khi đủ thì xả ra. Khi đó ở Campuchia và Việt Nam lưu lượng nước sẽ dao động lớn, và theo đó ranh giới mặn ngọt ở Việt Nam cũng sẽ dao động bất thường theo sự tích xả của các đập.

Hệ thống điều hòa của thiên nhiên ở ĐBSCL đã bị can thiệp như thế nào?

ĐBSCL được thiên nhiên “thiết kế” rất tài tình với ba “túi điều hòa nước” có thể ví như  ba trái tim điều hòa mạch máu Mê Kông. Phía Campuchia có Biển Hồ (Tonle Sap) và phía Việt Nam có hai vùng trũng tự nhiên là Đồng Tháp Mười rộng 700.000 ha phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và vùng Tứ Giác Long Xuyên rộng khoảng 590.000 ha phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang. Hằng nằm khi nước lũ sông Mê Kông từ thượng nguồn đổ về, đến Campuchia, nước chảy vào Biển Hồ làm hồ này rộng ra tới 5-6 lần, từ 300.000 ha trong mùa khô lên 1.500.000 ha trong mùa nước và chảy vào vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu 3-4 m. Chính ba túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL: mùa lũ thì cất giữ bớt nước lũ làm cho lũ hiền hòa hơn, để rồi sẽ từ từ nhả nước ra, bổ sung do dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô.

Ngày nay, do biến đổi khí hậu và do tác động của con người trong lưu vực, “bộ máy” mà thiên nhiên thiết kế trước đây không còn hoạt động nhịp nhàng nữa: mùa nước nổi bị biến thành mùa lũ hung hãn hơn, mùa khô bị khô hạn hơn và xâm nhập mặn sâu hơn.

Riêng ở ĐBSCL, trong khoảng 20 trở lại đây, rất nhiều diện tích trong hai túi nước Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đã được bao đê khép kín để canh tác lúa ba vụ mỗi năm. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài đê bao nước ngập 3-4 m. Các ô đê bao này chiếm không gian rất lớn. Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và tăng ngập ở các làng mạc, thành phố phía bên dưới và thoát ra biển nhanh hơn. Ngoài ra, khoảng hai thập niên trước, chúng ta nhìn thấy mặt tiêu cực của nước lũ nhiều hơn là mặt tích cực nên đã nỗ lực tháo bớt lũ ra biển.

Trong hệ thống do con người “tái thiết kế” này, đến mùa khô, ngoài chuyện biến đổi khí hậu, thì hai vùng trũng ở ĐBSCL không còn nước tích trữ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy mặn nữa, làm cho vấn đề trầm trọng hơn khi có hạn hán xảy ra ở phần lưu vực phía trên.

Lấy ví dụ riêng đối với TP. Cần Thơ, nếu so sánh giữa năm 2000 và năm 2011, theo Trung tâm quản lý môi trường quốc tế (ICEM) tính toán, mực nước tăng 0,39m từ 1,79m năm 2000 lên 2,15m năm 2011. Có 3 yếu tố gây ra sự tăng ngập ở Cần Thơ gồm: tăng động thái dòng chảy lũ từ trên xuống (gây tăng ngập 0-0,5cm), nước dội do triều từ biển vào (gây tăng ngập 27-32cm), và mất không gian chứa lũ ở Tứ Giác Long Xuyên (4cm). Nói cách khác, giả định tình huống tháo dỡ hết các đê bao ở Tứ Giác Long Xuyên thì đỉnh lũ tại Cần Thơ có thể giảm 4cm. Tuy không phải là con số lớn, nhưng từ ngưỡng mực nước từ 2,0m trở lên, từng cm tăng ngập đều gây thiệt hại lớn (ví dụ đến ngưỡng làm tắc giao thông).

Cụ thể, từ năm 2000 đến 2011, khả năng trữ lũ của Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ m khối xuống còn khoảng 4,5 tỉ m khối, tức giảm khoảng 4,7 tỉ do diện tích khoảng 1.100 km2 ô đê bao khép kín ở vùng này. Khối nước 4,7 tỉ m khối này do không vào được trong đồng, đã gây tăng ngập ở phía hạ lưu trong mùa lũ và cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỉ m khối này để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Ở trên mới chỉ lấy ví dụ trường hợp Tứ Giác Long Xuyên, chưa tính đến Đồng Tháp Mười.

Cần thích ứng ra sao?

Không nên lấy năm nay làm chuẩn cho chiến lược lâu dài

Do thiệt hại do hạn mặn năm nay gây ra cho vùng ven biển là rất lớn, một điều rất dễ hiểu là khi người dân bị mất sinh kế thì không yên, chính quyền địa phương do vậy cũng không thể ngồi yên, báo chí, truyền thông theo đó cũng không thể ngồi yên, và vì vậy Chính phủ sẽ phải hành động cấp bách. Cả xã hội bị rơi vào vòng xoáy phải “làm cái gì đó” trước tình hình này. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải bình tĩnh, không nên lấy một sự kiện cực đoan làm chuẩn cho chiến lược lâu dài. Một chiến lược lâu dài cần phải dựa vào xu thế diễn biến nhiều năm chứ không nên dựa trên một thực trạng chưa được khẳng định là xu hướng. Mặt khác, chiến lược lâu dài cũng phải có dự trù cho tình huống cực đoan để giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Đối với sản xuất, trong tình huống cực đoan cách tốt nhất là dựa vào dự báo để tránh thiệt hại, có thể bằng cách thay đổi lịch thời vụ, thay đổi phương thức canh tác, hoặc tránh xuống giống hẳn cho năm đó. Đối với nước sinh hoạt, nếu biết trước sẽ có hạn hán, các biện pháp tích cực trích trữ nước trong kênh mương, ao hồ địa phương có thể được tiến hành sớm.

Thay đổi để thích ứng với xu hướng

Hành động thích ứng không nên theo kiểu “giật gân” vì “dục tốc bất đạt”. Về lâu dài, khi đã biết một xu hướng là không thể cưỡng lại được thì thay đổi theo cho phù hợp cũng là một cách thích ứng tốt. Thích ứng không phải chỉ là cố giữ tình trạng hiện tại. Thích ứng cần phải có nguyên tắc và mục tiêu rõ ràng, chứ không nên chỉ thấy hiện tượng gì ảnh hưởng là vội đi chống cái đó, như cách chữa triệu chứng chứ không phải chữa bệnh và phục hồi sức khỏe vậy.

Hành động thích ứng cũng phải tính thiệt hơn

Ngoài ra, hành động thích ứng không nên bằng mọi giá mà phải cân nhắc được mất. Nguyên tắc đơn giản nên có trong thích ứng là lợi ích mang lại phải lớn hơn chi phí bỏ ra, tính cả về kinh tế, môi trường và xã hội, ở hiện tại và lâu dài, ở tại chỗ và trên toàn đồng bằng. Thông thường các biện pháp công trình cỡ lớn có chi phí rất đắt đỏ và có khả năng làm đảo lộn hệ thống tự nhiên rất lớn, bên cạnh tiềm ẩn nguy cơ tác dụng ngược, nên cần phải cân nhắc cẩn trọng, tránh quyết định “dục tốc” để tránh hệ quả “bất đạt” về sau.

Nhìn lại chiến lược an ninh lương thực và hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất

Trừ trường hợp cực đoan như năm nay, sự xâm nhập mặn dần dần cũng có thể thích ứng được bằng cách chuyển đổi sang hệ thống canh tác mặn, có thể mang lại lợi nhuận cho người dân cao hơn canh tác lúa. Khư khư giữ cây lúa dưới danh nghĩa an ninh lương thực là không phù hợp vì chúng ta đang xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Canh tác lúa vùng ven biển trong điều kiện khắc nghiệt mùa khô là không hợp lý. Ở ven biển, vẫn có thể canh tác lúa nhưng canh tác luân canh lúa-tôm, một vụ lúa trong mùa mưa có nước ngọt, và vụ tôm trong mùa mặn. Thay vì đầu tư vào những công trình vĩ đại để kiểm soát mặn triệt để với những hệ quả chưa lường hết được, thì chúng ta chỉ nên làm những công trình vừa phải, ở cấp địa phương, để kiểm soát mặn theo mùa và đầu tư giúp người dân chuyển đổi.

Người dân, nhất là người dân nghèo không đủ nguồn lực để tự chuyển đổi để thích ứng mà cần có sự giúp đỡ của nhà nước trong quy hoạch sử dụng đất và hệ thống thủy lợi. Điều này cũng giúp tránh gây ô nhiễm môi trường và tránh chuyện nước thải chảy lòng vòng, người này lấy nước thải của người khác, “quân ta đánh quân mình” như tình hình nuôi thủy sản ven biển hiện nay.

Nâng cao công tác dự báo để hạn chế thiệt hại 

Như đã bàn ở trên, nếu biết trước rằng mùa khô tới sẽ hạn, mặn gay gắt, thì có thể né tránh thiệt hại. Chuyện xâm nhập mặn ven biển ta có thể đoán trước được vài tháng mà không cần phải có hệ thống cảnh báo gì cao siêu.

Mùa lũ 2015 vừa qua, người dân cũng có thể quan sát được là mùa lũ, hay là “mùa nước nổi” không về ĐBSCL. Ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên thay vì hàng năm lũ ngập 2-3m, nhưng mùa lũ 2015 chỉ ngập tới đầu gối, điều này cho thấy rõ ràng là trong mùa khô tiếp theo tức mùa khô 2016 vùng ven biển sẽ bị xâm nhập mặn sâu và vì vậy hoàn toàn có thể chủ động khuyến cáo người dân các tỉnh ven biển tránh thiệt hại bằng cách không xuống giống vụ Đông Xuân và tăng cường tích trữ nước cho sinh hoạt. Ngoài ra, chúng ta cũng phải dè chừng rằng tiếp sau El Nino có thể là La Nina gây mưa lũ lớn, vỡ đê lúa vụ ba ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên trong những mùa lũ sau.

Xây dựng hệ thống cảnh báo hiện đại là điều hoàn toàn nên làm, nhưng phải là cảnh báo sớm. Còn nếu đợi chờ tới mùa khô mới dùng phương tiện hiện đại để đo thì dù chính xác đến từng phần ngàn và từng phút cũng ít tác dụng hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL

 

Nguồn: