ThienNhien.Net – Theo Sở Công Thương Hà Nội, Sở đang phối hợp với cơ quan liên ngành tăng cường kiểm soát các dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Công Thương cùng với các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã liên quan thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây mới; xem xét bổ sung những sản phẩm công nghiệp và công nghệ sản xuất lạc hậu cần phải loại bỏ, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nay, Hà Nội có đến hơn 400 cơ sở công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 147 cơ sở có tiềm năng thải các chất gây ô nhiễm môi trường không khí. Các khí độc hại sinh ra từ các nhà máy, xí nghiệp chủ yếu do quá trình chuyển hóa năng lượng (tiêu thụ than và xăng dầu các loại trong khi nhiên liệu chứa nhiều tạp chất không tốt đối với môi trường).
Cụ thể là hàm lượng Benzen trong xăng quá cao (5% so với tiêu chuẩn cho phép là 1%), hàm lượng lưu huỳnh trong Diezen rất cao từ 0,5 -1% so với tiêu chuẩn cho phép là 0,005%, lượng than tiêu thụ hàng năm trung bình là 250.000 tấn, xăng dầu là 230.000 tấn đã thải ra môi trường một lượng lớn bụi, khí CO, SO2 và NO2 gây tác động xấu đến chất lượng không khí.
Bên cạnh đó, sở cũng tiến hành kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc ngành công nghiệp đã có quy định về quy mô công suất, công nghệ và tiêu chuẩn môi trường thuộc chức năng quản lý của Sở Công Thương; xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đề xuất nâng cao mức xử lý vi phạm (nếu cần thiết). Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc dán nhãn đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị thuộc danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng.
Ngoài ra, Sở còn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương triển khai chương trình khuyến khích chuyển đổi các trang thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng hiệu suất cao.
Để tiết kiệm và bảo vệ môi trường, Hà Nội sẽ quản lý chặt chẽ việc đầu tư phát triển vật liệu xây dựng, rà soát Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Lực lượng chức năng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng mới và cải tạo lại các tòa nhà có quy mô lớn, chiếu sáng công cộng; triển khai áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.