ThienNhien.Net – Những ngày này, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đang phải gồng mình chống chọi với hạn, mặn. Con số thống kê mỗi ngày một dày lên về diện tích cây trồng bị hạn, mặn không thể cứu chữa, số hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
Có nhiều nguyên nhân, như tình trạng El Nino kéo dài, nguồn nước thượng nguồn sông Mê Kông sụt giảm, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều tháng không mưa… Nhưng có nguyên nhân ít được đề cập, đó là tình trạng phá rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, diễn ra hết sức nghiêm trọng ở nhiều địa phương cả nước.
Đã có những đánh giá về tác động tiêu cực của nạn phá rừng ở nước ta. Đáng báo động là nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, để trồng cao su, cà phê; làm thủy điện… Còn tại các tỉnh ven biển, người ta phá rừng ngăn mặn để nuôi trồng thủy sản, khiến diện tích rừng tự nhiên ngày một thu hẹp, thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm, dẫn đến khả năng giữ nước hạn chế, làm tăng khả năng lũ quét, tác động tiêu cực đến môi trường sống của con người.
Phải thấy rằng, thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi. Nhưng mức độ thiệt hại sẽ giảm, nếu rừng không bị tàn phá. Thảm họa từ thiên tai đang là sự cảnh báo đối với những tác động tiêu cực của con người đối với thiên nhiên, môi trường. Tình trạng hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên trong những ngày qua cho thấy, thiên tai luôn rình rập và sẽ trở thành thảm họa nếu con người đối xử thô bạo với rừng. Khi rừng đầu nguồn tiếp tục bị đốn hạ, thì những lo ngại của con người về thiên tai là hoàn toàn có thể hiểu được.
Nạn phá rừng cũng chính là nguyên nhân khiến con người phải hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina với tần suất ngày càng nhiều và khốc liệt, dẫn đến bão lụt, lũ quét, lở đất… Đáng chú ý, tại khu vực Tây Nguyên, nơi có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước (khoảng 2,6 triệu ha), thì trung bình mỗi năm có khoảng 26.000 ha rừng bị mất. Rừng mất vào tay “lâm tặc”; rồi cả người dân cũng tham gia phá rừng để làm nương rẫy… Rừng ở Tây Nguyên tiếp tục bị thu hẹp qua mỗi mùa khô và mỗi mùa rẫy. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho 700 dự án trên đất lâm nghiệp với diện tích gần 216.000 ha, trong đó có khoảng 100.000 ha chuyển sang trồng cao su.
Tại khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, những vạt rừng xanh đầu nguồn bị tàn phá thành đồi trọc, đất lâm nghiệp bị xẻ thịt. Hậu quả, chính con người đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai. Theo đánh giá, thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta thuộc loại lớn trên thế giới, mỗi năm có hàng trăm người chết. Riêng năm 2013, thiên tai làm gần 300 người chết và mất tích, 1.150 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Nhưng đáng tiếc, tình trạng phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Thực tế, tại nhiều địa phương, việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng không nghiêm, dẫn đến rừng vẫn bị tàn phá, đất rừng vẫn bị xâm hại.
Đáng nói hơn, những dự án thủy điện được cho là mang lại lợi ích kinh tế, nhưng lại đang trực tiếp hủy hoại rừng. Thật nguy hại, có không ít dự án thủy điện chỉ mượn cớ để hợp pháp phá những cánh rừng nguyên sinh. Các thống kê cho thấy, để sản xuất ra 1MW điện phải hy sinh từ 6 đến 10 ha rừng (có thể nhiều hơn, tùy từng địa bàn). Theo quy định, các chủ dự án thủy điện phải có trách nhiệm trồng rừng bồi hoàn, tuy nhiên nhiều chủ dự án chỉ trồng rừng bồi hoàn theo kiểu đối phó, chiếu lệ. Đây cũng là nguyên nhân rừng ở khu vực Tây Nguyên những năm gần đây bị giảm sút nghiêm trọng cả về diện tích và tính đa dạng sinh học của rừng.
Tình trạng hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Nguyên một lần nữa cho thấy, thiên tai luôn rình rập và sẽ trở thành thảm họa nếu con người tiếp tục đối xử thô bạo với rừng, tiếp tục lơ là, không có phương án chủ động phòng chống.