ThienNhien.Net – Liên hợp quốc ngày 24/3 công bố báo cáo “Xu hướng toàn cầu về Đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2016”, cho thấy việc đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2015 đã đạt mức cao kỷ lục 286 tỷ USD và đặc biệt lần đầu tiên hơn một nửa trong số đó là từ các nước đang phát triển.
Theo báo cáo trên, nguồn vốn đầu tư mới dành cho năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học và các nguồn năng lượng sạch khác đã vượt trên 2.300 tỷ USD kể từ năm 2004, trong khi tổng vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng truyền thống chỉ chưa đầy 50 tỷ USD.
Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Achim Steiner, đồng tác giả của bản báo cáo, cho biết các nguồn năng lượng tái tạo đang trở thành hướng tập trung chủ đạo đối với lối sống ít phát thải khí carbon của nhân loại hiện nay.
Ông Steiner cũng nhấn mạnh điều quan trọng là vào năm 2015, lần đầu tiên việc đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo tại các quốc gia đang phát triển cao hơn so với các quốc gia phát triển.
Dẫn đầu xu thế thay đổi này phải kể tới Trung Quốc và Ấn Độ – cả hai quốc gia trong thời gian gần đây đã đầu tư mạnh mẽ cho nguồn năng lượng sạch, bên cạnh việc vẫn tiếp tục duy trì đà lớn mạnh của nền kinh tế nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch chứa nhiều carbon.
Trong năm 2015, năng lượng tái tạo đóng góp vào quá trình sản xuất năng lượng toàn cầu nhiều hơn so với các nguồn năng lượng khác cộng lại, trong đó có năng lượng hạt nhân, than đá, khí đốt và các dự án nhiệt điện. Tốc độ phát triển nguồn năng lượng sạch năm ngoái cũng đã vượt trội hơn hẳn nhờ tận dụng nguồn quang điện mặt trời và năng lượng gió – hai nguồn này cộng lại giúp tạo thêm 118 gigawatt điện, nhiều hơn gần 1/4 lần so với các năm trước đây.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng mặc dù giá nhiên liệu hóa thạch giảm mạnh, nhưng nguồn năng lượng sạch mới được sử dụng vẫn vượt trên 100 lần so với than đá và khí đốt.
Michael Liebreich, Giám đốc Hội đồng tư vấn thuộc Tập đoàn Tài chính năng lượng mới Bloomberg, đồng tác giả của bản báo cáo, nhấn mạnh sự chuyển đổi nhanh chóng sang các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, là nhờ giá của các nguồn năng lượng này giảm mạnh và nhờ những lợi ích từ việc sản xuất điện ở chính quốc gia sở tại thay vì dựa vào các nguồn nhập khẩu.