ThienNhien.Net – Nhân Ngày Nước thế giới, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ trong bối cảnh các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán và nước biển xâm thực ở mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Nước, nhất là nước ngọt có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống của cả hành tinh nói chung và con người nói riêng. Chính vì vậy, năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển ở Rio de Janeiro, Brazil, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 22/3 hằng năm là Ngày Nước thế giới.
Mỗi năm, Ngày Nước thế giới nhấn mạnh một khía cạnh cụ thể của nước ngọt. Trải qua 24 năm, Ngày Nước thế giới có rất nhiều chủ đề, như “Nước và phát triển bền vững” (2015), “Nước và Năng lượng” (2014), “Hợp tác vì nước” (2013)…
Chủ đề của Ngày nước Thế giới 2016 là “Nước và Việc làm”, xin bà cho biết ý nghĩa của chủ đề này cũng như các hoạt động của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam liên quan đến chủ đề này?
Bà Pratibha Mehta: Hiện nay, gần một nửa số người lao động trên thế giới (khoảng 1,5 tỷ người) đang làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến nước và hầu hết công việc của chúng ta đều phụ thuộc vào nước. Thế nhưng, có hàng triệu người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến nước vẫn chưa được công nhận và không được bảo vệ bởi những quyền lao động cơ bản. Chủ đề “Nước và Việc làm” của Ngày Nước thế giới năm nay chính là để tập trung vào vai trò của nước sạch đối với đời sống và sinh kế của người lao động, trong đó có vai trò chuyển đổi xã hội và kinh tế.
Như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã lưu ý trong thông điệp Ngày Nước thế giới, việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ nước, vệ sinh tại nhà, trường học và nơi làm việc sẽ tạo ra một đội ngũ lao động và dân số mạnh khoẻ, năng suất, thúc đẩy nền kinh tế phát triển năng động. Thông điệp này vô cùng phù hợp với Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên Niên kỷ (MDGs) nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu thứ 7, nhất là về lĩnh vực nước và nước sạch.
Từ năm 2000, tỉ lệ dân số được tiếp cận nước sạch tại Việt Nam tăng từ 78% lên 92%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 3 triệu trẻ em thiếu nước sạch. Nhiều nơi, nhất là các vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu vùng xa- thường là các cộng đồng người nghèo nhất- vẫn bị tụt lại phía sau.
Ở Việt Nam, có hơn 3,7 triệu người vẫn đi vệ sinh ngoài trời. Mất vệ sinh là một trong những tác nhân lớn nhất gây ô nhiễm nguồn nước. Việc thiếu nhà vệ sinh và các phương tiện rửa tay ở nhà lẫn trường học, nhất là ở vùng nông thôn, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, kể cả sinh mạng của trẻ em.
Ngày Nước Thế giới 2016 diễn ra đúng vào thời điểm các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán và nước biển xâm thực ở mức độ chưa từng có trong lịch sử. Thậm chí, các nhà chức trách cho biết đỉnh điểm của tình trạng này sẽ diễn ra vào tháng sau. Liên Hợp Quốc có kế hoạch gì hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức này?
Bà Pratibha Mehta: Hiện tượng El Nino, bắt đầu từ năm 2014, đang diễn biến cực đoan nhất trong vòng 60 năm qua và là nguyên nhân chính gây hạn hán ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. El Nino đã khiến mùa khô trở thành mùa hạn hán ở hơn 39 tỉnh, thành phố và làm trầm trọng hơn tình trạng ngập mặn ở nhiều vùng ven biển và lưu vực sông.
Sau cuộc họp cấp cao tuần trước do tôi và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì, chúng tôi đã khởi động việc đánh giá nhanh và toàn diện tình hình ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhóm chuyên gia đến từ Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang làm việc với chính quyền và người dân địa phương để xác định nơi nào cần hỗ trợ nhất.
Việc đánh giá tình hình sẽ giúp Liên Hợp Quốc và các đối tác khác thực hiện hỗ trợ khẩn cấp được tốt hơn. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ kỹ thuật về phần tạo bản đồ rủi ro và lập kế hoạch cho các giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Theo bà, Việt Nam cần làm gì để quản lý nguồn nước hiệu quả?
Bà Pratibha Mehta: Về trung đến dài hạn, Việt Nam cần phải tăng cường phối hợp giữa các tỉnh và các bộ, để giảm tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan thì điều này là vô cùng cần thiết.
Chúng ta cũng cần lồng ghép công tác bảo vệ tài nguyên nước để ngăn chặn ngập mặn, bảo vệ các nguồn nước ngầm, tăng dự trữ nước ngọt và đẩy mạnh chống lũ lụt, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và vùng Nam Trung bộ.
Ở miền núi, cần cải thiện quản lý lưu vực nước đầu nguồn và bảo vệ rừng để giảm xói mòn. Muốn làm được việc này phải đổi mới công tác quản trị, điều phối lập kế hoạch và ra quyết định đầu tư hiệu quả.
Vậy văn phòng Liên Hợp Quốc ở các quốc gia trên thê giới đã có những hoạt động gì để thúc đẩy người dân trên thế giới quan tâm đến việc bảo vệ nguồn nước trong tương lai?
Bà Pratibha Mehta: Ở phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu đang trầm trọng hoá tác động của El Nino và La Nina, gia tăng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tương lai.
Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới bằng chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm về xây dựng hệ thống giúp quản lý lưu vực nước đầu nguồn tốt hơn; xác định bản đồ rủi ro và hỗ trợ cho những nơi chịu thiệt hại. Ở cấp địa phương, Liên Hợp Quốc hỗ trợ cộng đồng quản lý và duy trì nguồn nước, tổ chức các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiết kiệm nước.
Nước là cuộc sống. Nhận thấy tầm quan trọng không thể thiếu của nước với sự phát triển của cá nhân cũng như quốc gia, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã dành riêng mục số 6 trong Mục tiêu Phát triển bền vững cho việc bảo đảm và quản lý nước. Chúng ta cần có hành động kiên quyết để mọi người đều có nước sạch. Nước là tài nguyên vô hạn, mọi người đều cần chung tay để duy trì bền vững nguồn nước cho các thế hệ sau.