ThienNhien.Net – Hàng chục hộ dân ở khu tái định cư (TĐC) Hà Tân (thôn Tân Thủy, xã Sơn Tây, Hương Sơn, Hà Tĩnh) hơn 5 năm nay phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Nghịch lý thiếu nước sạch, thừa nước bẩn chưa biết đến bao giờ xử lý được.
Tất cả đồ dùng đều bị “vàng hóa”
Khu TĐC Hà Tân được khởi công xây dựng từ năm 2008 với vốn xây dựng cơ bản là 25 tỷ đồng, được bàn giao từ năm 2011. Công trình nhằm phục vụ cho việc mở rộng xây dựng hạ tầng kỹ thuật cổng B thuộc Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu Cầu Treo theo Quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch, khu TĐC Hà Tân phục vụ cho 120 hộ dân, nhưng đến nay chỉ có 20 hộ dân di dời lên vùng này. Những tưởng khi sinh sống ở khu TĐC thì cuộc sống của người dân sẽ khấm khá hơn, nhưng thực tế lại hết sức trớ trêu.
Khi PV Đại Đoàn Kết tiếp cận với người dân tại khu TĐC Hà Tân để tìm hiểu thì nhận được những cái lắc đầu ngán ngẩm. “Nước thì cả làng này đều bị ô nhiễm nhưng kêu mãi không giải quyết được gì nên chúng tôi ngán lắm rồi, đã có hàng trăm đoàn về đây rồi nhưng có làm được gì đâu”- chị Trần Thị Xuyến nói trong bức xúc.
Vừa nói chị Xuyến vừa chỉ cho chúng tôi xem giếng của nhà chị, một màu vàng đục bám cả lên thành, miệng giếng, tất cả đồ dùng như thau, chậu, quần áo cũng đều bị “vàng hóa”.
Trong khu tái định cư Hà Tân, gia đình nào cũng phải đào ít nhất 3 cái giếng, nhà nhiều thì 7-8 cái, cả giếng đào lẫn giếng khoan nhưng nước đều không sử dụng được. Chị Xuyến cho biết, cách đây gần hai năm, Ban quản lý dự án (Chủ đầu tư) có đầu tư cho mỗi nhà một cái máy lọc nước, một số nhà chuyển đến sau thì không có.
Năm đầu tiên thì máy có sử dụng được, người dân phần nào an tâm. Nhưng đến nay hầu như không còn máy nào hoạt động được. “Gọi cho họ đến sửa nhưng có ai thèm đến mô, giờ chúng tôi vứt bên xó nhà hết”, chị Xuyến nói.
Cũng với tâm trạng bức xúc vì nguồn nước ô nhiễm, chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Vợ chồng tôi chuyển về khu TĐC vào năm 2013, tuy nhiên cũng từng ấy năm gia đình tôi phải sống chung với nguồn nước bị nhiễm phèn, rất khó sử dụng. Nước bơm lên để 1 tuần rồi sử dụng nhưng cũng chỉ để giặt quần áo, tưới rau chứ nước uống và nấu ăn gia đình phải ra tận khu vực bên cạnh để xin nước”.
Chính vì nguồn nước không đảm bảo, nên một số hộ dân khi chuyển lên vùng TĐC này đã chuyển đi, để lại nhà cửa, vườn tược cho…cỏ mọc, điển hình như nhà bác Khuê, bác Hà…Nghiêm trọng hơn là cụm trường mầm non số 3 của xã Sơn Tây lại nằm trên khu vực TĐC, hiện có 140 cháu đang học tập, sinh hoạt tại đây.
Qua khảo sát, trong khuôn viên nhà trường đã có 2 giếng đào nhưng cũng không thể dùng được vì nhiễm phèn nặng. Để có nước phục vụ học sinh bán trú, nhà trường phải mua của một hộ dân có nguồn nước giếng ít phèn nhất trong khu TĐC để sử dụng.
Cô Lê Thị Bình, cụm trưởng cụm 3 Trường mầm non Sơn Tây cho biết: “Trước đây phụ huynh đưa con đến học phải đưa theo nước để cho con uống vì nước ở đây ô nhiễm. Giờ thì chúng tôi phải hợp đồng với người dân bơm nước về dùng nhưng hết sức vất vả. Hai cái máy lọc nước mà ban quản lý lắp đặt cho nhà trường đã bị hỏng rồi không thể sử dụng được nữa”.
Chính quyền, chủ đầu tư thờ ơ?
Để làm rõ phản ánh của người dân, PV báo Đại Đoàn Kết đã có buổi làm việc với ông Phan Tiến Hùng – Chủ tịch UBND xã Sơn Tây. Ông Hùng cho biết: “Tại khu TĐC đến thời điểm hiện tại có 20 hộ chuyển đến sinh sống. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm nguồn nước mà người dân phản ánh thì địa phương chưa nhận được”.
Đại diện Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh (đơn vị chủ đầu tư) ông Ngô Đình Vân – Phó Ban QLKKT Hà Tĩnh cũng cho rằng, hiện Ban chưa nhận được phản ánh của người dân tại khu TĐC về nguồn nước bị ô nhiễm, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và sẽ có hướng xử lý.