ThienNhien.Net – Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Minh Quang tại buổi lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày nước thế giới 2016.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập kỷ qua dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, đồng thời nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các ngành sử dụng nước.
Hiện Việt Nam còn đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc thực hiện cơ chế chia sẻ nguồn nước theo Công ước Liên hợp quốc về sử dụng nước cho mục đích phi giao thông thủy chưa được các quốc gia trong khu vực quan tâm, tham gia và chia sẻ. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn ở nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán và xâm nhập mặn được xem là đợt thiên tai nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Tính đến thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long có gần 139.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng đến năng suất do thiếu nước và nhiễm mặn và khoảng 340.000 ha diện tích có khả năng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Hơn nửa triệu dân ở các tỉnh ven biển trong vùng đang bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Ở những huyện ven biển, một số vùng người dân đang phải mua nước ngọt với giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/m3 nước
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường cho biết, nguồn nước ở các lưu vực sông Nhuệ- Đáy, Đồng Nai… đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong những năm qua, vấn đề quản lý nguồn nước lưu vực sông được quan tâm rất nhiều nhưng vẫn nước trên các sông vẫn tiếp tục gia tăng ô nhiễm nguyên nhân chính do phát triển công nghiệp, kinh tế đô thị hóa, vấn đề xử lý chất thải nước thải ở các đô thị ven sông chưa được triệt để, khai thác khoáng sản trái phép… đã tác động đến nguồn nước lưu vực sông.
“Hiện Việt Nam đã có quy định xử lý rác thải ở khu công nghiệp như các khu công nghiệp phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động, các doang nghiệp trước khi xả thải ra môi trường phải xử lý nguồn nước thải… Tuy nhiên những giải pháp này vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, do đó vẫn còn tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định. Ngoài ra, người dân chưa có ý thức trong việc xả nước thải ra các sông, các làng nghề vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường dẫn đến tình trạng nguồn nước tại các lưu vực sông ngày càng ô nhiễm”, ông Nhân cho biết.
Chia sẻ về công tác quản lý nguồn nước lưu vực sông, đại diện sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết: Sông Cầu giáp ranh với hai tỉnh Thái nguyên và Bắc Ninh, tại khu vực sông giáp ranh thường xảy ra hoạt động động khai thác cát sỏi làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Ngoài ra, lưu vực sông giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh còn diễn ra hoạt động xả thải từ các làng nghề ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực ven sông và vùng lưu vực sông.
Theo đại diện sở Tài nguyên- Môi trường TP.HCM nguồn nước lưu vực sông giáp ranh giữa TP. HCM và tỉnh Long An cũng đã bị ô nhiễm nặng nên không thể cung cấp nguồn nước cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân thành phố.