ThienNhien.Net – Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và các tỉnh Trung Nam bộ đang đối mặt với đợt hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Tình trạng thiếu nước được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, sau cơn “đại hạn” này, mưa lũ có thể sẽ xảy ra bất thường với mức độ kỷ lục.
Đây là một trong những cảnh báo vừa được ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới (23/3) diễn ra sáng nay, tại Hà Nội.
Theo ông Hải, El Nino là hiện tượng nóng kỷ lục mà đỉnh của nó lên tới 3,1 độ C, cao hơn so với hiện tượng này trong năm 1997-1998. Đợt hạn hán vừa qua tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là kỷ lục trong vòng 100 năm trở lại đây, nhưng đã được dự báo và cảnh báo từ rất sớm.
Theo những dự báo mới nhất, mặc dù El Nino đã qua mốc đỉnh nóng (từ tháng 11/2015) song nắng nóng vẫn còn kéo dài đến tận nửa năm đầu 2016 (vào khoảng tháng Sáu), mùa mưa đến muộn, nên hạn hán sẽ khốc liệt hơn năm trước. Riêng các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ kéo dài đến tháng Tám.
“Bước sang nửa cuối năm 2016, ngay sau khi El Nino suy yếu, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn, và nếu thời tiết chuyển ngay sang La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi dị thường), chúng ta sẽ phải đối diện với đợt mưa lũ kỷ lục như kịch bản đã từng xảy ra ở khu vực Miền Trung vào năm 1997-1998,” ông Hải cảnh báo.
Phân tích rõ hơn khả năng xảy ra mưa lũ kỷ lục ngay sau “cơn đại hạn,” ông Hải cho biết, theo diễn biến khí tượng hiện nay, ngay sau đợt hạn hán lịch sử, thời tiết sẽ chuyển ngay sang pha lụt lội, tức là ẩm ướt và mưa lũ nhiều hơn. Kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan càng ngày sẽ xuất hiện trái khoáy nhiều hơn.
“Đơn cử như đợt mưa lũ lịch sử diễn ra ở Quảng Ninh vào cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám năm 2015 vừa qua, mưa lên đến 1.600mm, trong khi ở tỉnh Ninh Thuận cả 9 tháng trời không có một giọt nước mưa nào. Đây là những biểu hiện trái khoáy rất rõ của biến đổi khí hậu,” ông Hải nhấn mạnh.
Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cũng nhận định, biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa sự phát triển và tồn vong của toàn nhân loại. Tại Việt Nam, do tác động của hiện tượng El Nino, năm 2015 đã trở thành năm nóng nhất kể từ khi bắt đầu có quan trắc khí tượng thủy văn từ thế kỷ 19.
“Cho đến nay, biến đổi khí hậu đã phá vỡ quy luật tự nhiên của các mùa, gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán và mưa lũ. Các thay đổi đang hiện hữu này đang báo trước cho một tương lai mà nhân loại phải đối mặt: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn,” Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhìn nhận.
Nhân Ngày Khí tượng thế giới, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cũng đề nghị ngành khí tượng thủy văn lồng ghép các nội dung liên quan tới khí tượng thuỷ văn vào Kế hoạch triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu như củng cố kiến thức khoa học về khí hậu; tăng cường hợp tác và hỗ trợ cho hệ thống dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, thời tiết, sẵn sàng ứng phó khẩn cấp với thiên tai…
Ngoài ra, ngành khí tượng thủy văn cũng phải thường xuyên tổ chức các diễn đàn nhận định xu thế thời tiết thủy văn Việt Nam để mở rộng phạm vi nghiên cứu, nâng cao năng lực cảnh báo. Từ đó góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra và ứng phó chủ động hơn đối với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan.