ThienNhien.Net – Toàn xã 1.169 hộ nhưng đã có trên 900 hộ nghèo, đó là hoàn cảnh xã Thanh Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), khu tái định cư của nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Hỏi bao giờ mới giúp dân thoát được nghèo, câu trả lời của cán bộ là “chưa rõ”.
Bản Kim Lâm (xã Thanh Sơn), 83 hộ có đến 54 hộ nghèo, còn lại hầu hết là cận nghèo. “Nói là cận nghèo nhưng cũng nghèo cả”, ông Lô Hải Thanh, dân quân tự vệ bản nói.
Dọc đường vào trung tâm xã Thanh Sơn, chúng tôi gặp ông Lô Minh Thăn (dân tộc Thái) đang đốt rẫy để trồng sắn. Rẫy của ông rộng khoảng 1 hec ta, nếu sắn tốt thu được khoảng 7 – 8 tấn củ, giá 1 triệu/tấn. “Nhưng có khi họ thấy mình đã nhổ về, họ ép giá, được khoảng vài trăm nghìn/tấn”, ông Thăn nói.
Công đốt, phát rẫy 1 ha của ông Thăn đã hết 5 triệu đồng, tính ra trồng sắn với mức giá đó là “lỗ chỏng vó”. “Biết là lỗ nhưng cũng phải làm, vì không có việc gì khác”, ông Thăn nói. Ông Thăn cho hay trong dân nhiều hộ hiện không đủ gạo ăn, phải vay mượn để ăn.
Ông Lô Hải Thanh nói: “Gia đình tôi về đây từ tháng 3/2006, khi đó chủ trương cấp đất của nhà nước là 2.500m2/khẩu nhưng đến nay hầu hết mới nhận được 1.200m2/khẩu. Nhiều hộ không có ruộng để cấy, gạo không đủ ăn”.
Ông Lò Trung Thông – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, hiện nay mới cấp được khoảng 800 sổ đỏ nhà ở, còn đất sản xuất chưa cấp được. Nguyên nhân: “Việc di dời dân diễn ra hai lần: Lần thứ nhất vào năm 2006, lần thứ hai vào năm 2009. Vì thế, khi giao đất tuy đã cắm mốc nhưng hộ đến trước lấn chiếm của hộ đến sau nên gặp khó khăn trong việc cấp sổ đỏ”.
Ông Thông cũng cho biết tình trạng nhà tái định cư do Ban quản lý dự án thủy điện 2 xây dựng hầu hết xuống cấp, có vài chục hộ dân vẫn đi về Tương Dương sản xuất. Tình trạng ma túy giảm nhưng chưa chấm dứt.
Xã Thanh Sơn được tách từ xã Hạnh Lâm, dùng để tái định cư cho toàn xã Kim Đa, huyện Tương Dương vì ảnh hưởng của dự án thủy điện Bản Vẽ. Sau 10 năm về nơi ở mới, cuộc sống của người dân vẫn chồng chất khó khăn.