ThienNhien.Net – Hơn 100 hecta rừng, trong đó chủ yếu là rừng lau, sậy và hơn 10 hecta diện tích có rừng đã bị thiêu rụi sau đám cháy suốt 4 ngày liền.
Ngày 21/3, thông tin mới nhất từ chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại với sự nỗ lực của gần 1000 người bao gồm lực lượng công an, kiểm lâm, Bộ đội biên phòng… cùng người dân, chính quyền địa phương đã khống chế được ngọn lửa lớn sau 4 ngày cháy liên tục tại địa bàn huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An.
Theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng trên bản đồ thực địa, đã có 104 hecta rừng bị thiêu rụi sau đám cháy kinh hoàng vừa qua. Trong đó chủ yếu là rừng lau, sậy và hơn 10 hecta diện tích có rừng bị tàn phá trong ngọn lửa lớn.
Như VOV.VN đã đưa tin trước đó, vào sáng ngày 16/3, một ngọn lửa lớn bất ngờ bùng cháy tại khu vực núi Pu Mô, bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Phát hiện sự việc, ngay lập tức người dân địa phương đã dùng mọi phương tiện tại chỗ chữa cháy đồng thời báo sự việc đến cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, do vị trí cháy nằm sâu trong khu vực biên giới, lực lượng chức năng ít nhất phải mất 5h đi đường rừng mới tiếp cận được đám cháy. Bên cạnh đó, sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần như toàn bộ diện tích rừng đã bị chết, khô lâu ngày nên việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn cùng chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng tiến hành dập lửa. Gần 1000 người gồm lực lượng công an, kiểm lâm, Bộ đội biên phòng … cùng người dân, chính quyền địa phương đã chia làm 3 mũi để tiến hành dập lửa khống chế đám cháy.
Ông Nguyễn Quốc Minh – Hạt trường hạt kiểm lâm Kỳ Sơn cho biết: “Hiện tại, ngọn lửa cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên vẫn còn một số điển cháy âm ỉ phía dưới. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai lực lượng để dập tắt hoàn toàn đám cháy, ngăn chặn mọi nguy cơ bùng phát trở lại. Theo kiểm đếm giữa trên bản đồ, đã có 104 hecta rừng bị cháy. Trong đó đa phần là rừng lau, sậy và hơn 10 hecta diện tích có rừng bị cháy”.
Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân dẫn đến đám cháy cực lớn này là do người dân lên rừng đốt nương làm rẫy, chăn nuôi. Trong khi thảm thực vật tại đây vốn đã chết, khô héo lâu ngày sau đợt rét đậm, rét hại kỷ lục nên rất dễ bén lửa và khó khống chế khi xảy ra cháy rừng.