ThienNhien.Net – Báo Đại Đoàn Kết ngày 15/1/2016 có bài “Rừng không yên lặng“, phản ánh tình trạng rừng của xã A Vao (Đakrông, Quảng Trị) bị cày xới, núi bị khoét thành địa đạo hun hút, suối vàng đục, khê nồng hóa chất, dân mắc bệnh do đất đai, nguồn nước ô nhiễm từ khai thác vàng trái phép. Những ngày qua, chúng tôi quay lại A Vao và chứng kiến cảnh làm vàng trái phép vẫn diễn ra khốc liệt hơn với nhiều lán trại, máy móc cùng nhân lực.
Bãi vàng hoành tráng
Trao đổi với chúng tôi trong ngày 21/3, một lãnh đạo xã A Vao thừa nhận khai thác vàng trái phép đang diễn ra nhức nhối nhưng vàng tặc như “ con ma”, không có cách gì đẩy đuổi!
Rời đường Hồ Chí Minh qua Đakrông, chúng tôi cải trang thành những nậu vàng từ nơi khác đến, cắt rừng tiếp cận bãi vàng đang hoạt động rầm rộ tại bãi vàng Pa Ka. Bãi này nằm cạnh thôn Tân Đi 3 và cách trung tâm hành chính của xã A Vao khoảng 30 phút đi xe máy cộng thêm gần 2 giờ đi bộ. Người lạ nếu di chuyển trên con đường này sẽ ngay lập bị các đối tượng cảnh giới phát hiện, thông báo cho các nậu vàng đang trực tiếp điều hành khai thác.
Từ con suối có màu nước vàng khè trông lên, chúng tôi gặp mấy lán trại lưng chừng núi. Các lán trại cùng máy móc sàng, tuyển đất đá đang nổ vang rừng này chỉ là điểm khởi đầu của một khu khai thác vàng trái phép hoành tráng trên diện tích rộng khoảng 2 ha. Men theo các lối mòn chênh vênh, chúng tôi đếm được tổng cộng 10 vị trí khai thác cùng với máy móc, thiết bị và rất nhiều nhân lực đang đào khoét núi thành miệng hầm hun hút.
Đứng trước miệng hầm chúng tôi không khỏi lạnh người. Chỉ cần sơ xuất nhỏ, các miệng hầm hút dài tưởng như vô tận trong lòng núi kia, sẽ là nơi chôn vùi những con người đang cần mẫn làm công việc mà họ được ông chủ thuê với khoản tiền công rẻ mạt mỗi ngày. Từ lòng núi lại có chiếc xe cút kít chở đất đá do một thiếu niên đẩy ra, đổ vào cỗ máy sàng tuyển. Đất đá sau khi được xay rửa, ào ạo tuôn xuống chân núi, hòa vào các con suối khiến màu nước chỗ thì vàng như nghệ, chỗ thì xanh lét màu hóa chất.
Các thanh – thiếu niên được thuê đánh đổi sinh mạng của mình lấy vàng cho ông chủ giấu mặt, như những cái bóng – lầm lũi biến vào lòng núi rồi lại lầm lũi quay ra cùng chiếc xe cút kít chở đầy đất đá. Thử chui khoảng 10 mét vào trong hầm, chúng tôi phải vội vã quay ra vì thiếu không khí trong khi những nhân công được thuê thì phải chui sâu đến hàng trăm mét.
Khai thác vàng trái phép ở Pa Ka sau một thời gian tạm lắng, lại rộ lên từ sau Tết Nguyên Đán Bính Thân đến nay. Bãi vàng này có lúc quy tụ lực lượng lao động lên đến hàng trăm người.
Ông chủ giấu mặt
Trong số 8 nậu vàng có máu mặt ở Pa Ka hiện nay, nậu vàng Hồ Văn Thanh nổi tiếng nhất. Các nậu vàng cho biết họ đứng ra thuê lao động, vận chuyển máy móc, vật tư, thiết bị, phương tiện khai thác vàng vào A Vao khai thác, thực hiện “ăn chia” theo tỷ lệ 4/6 với ông chủ L.. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông L. mới chỉ có giấy phép thăm dò khoáng sản do tỉnh cấp nhưng đã biến giấy phép này thành “bùa phép” che chắn cho hoạt động khai thác trái phép vàng ở A Vao.
Do ông L. không xuất hiện ở bãi vàng nên không ai nghĩ rằng ông là ông này mới thực sự là chủ của bãi vàng trái phép, đang hoạt động rầm rộ ở A Vao từ cuối năm 2015 đến nay.
Trao đổi với chúng tôi ngày 21/3, lãnh đạo xã A Vao nói rằng, họ biết “vàng tặc” lộng hành tại địa phương nhưng không thể đẩy đuổi. Vàng tặc như “con ma”, đuổi nó thì nó đi nhưng vài ngày sau quay lại. 14 năm nay, năm nào chính quyền xã A Vao cùng các ban, ngành cũng phối hợp tổ chức hàng chục cuộc truy quét tốn kém mà không đạt được kết quả như mong muốn.
Tết Nguyên đán Bính Thân, lực lượng truy quét cũng tổ chức đẩy đuổi, đốt 1 lán trại, tuy nhiên chưa đầy 10 ngày sau, khai thác vàng trái phép tiếp tục diễn ra với quy mô rầm rộ hơn. Một lãnh đạo công an huyện Đakrông cho rằng, chỉ cần lập tổ công tác chặn con đường độc đạo dẫn vào bãi vàng đi qua đồn biên phòng Pa Lin, không cho vận chuyển lương thực, phương tiện vào bãi vàng sẽ ngăn được “vàng tặc”.
Lãnh đạo xã A Vao cũng thừa nhận, “vàng tặc” lộng hành ở bãi vàng Pa Ka 14 năm qua là do các đối tượng khai thác vàng trái phép dễ dàng đưa máy móc, phương tiện vào bãi qua con đường độc đạo này. Việc tưởng như đơn giản nhưng lại khó thực hiện bởi đằng sau việc đưa máy móc, thiết bị vào địa bàn xã A Vao khai thác, đều có sự chuẩn bị kỹ càng từ phía những ông chủ không bao giờ cần đặt chân đến bãi vàng.