ThienNhien.Net – Với lý do không có đất sản xuất, một số người đã ngang nhiên phá rừng, bất chấp sự ngăn cản của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Như VOV đã đề cập, tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tình trạng phá rừng đang diễn biến ở mức báo động. Hàng nghìn hécta rừng đã “không cánh mà bay”. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này? Giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng này là gì?
Mường Nhé là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên, tiếp giáp với 2 nước Trung Quốc và Lào. Khu vực A Pa Chải của huyện được mệnh danh là “ngã ba Đông Dương – 1 con gà gáy 3 nước cùng nghe”. Mường Nhé có 11 xã, 95 bản, chủ yếu dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì sinh sống. Theo thống kê, diện tích đất có rừng của huyện trên 72.000ha, độ che phủ rừng là 45,8%…
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé cho biết: Những năm gần đây, tình hình dân di cư tự do về sinh sống ở huyện diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những cánh rừng Mường Nhé “không cánh mà bay”. Hiện nay trên địa bàn huyện có hàng nghìn hộ di cư tự do đến sinh sống; con số này vẫn chưa dừng lại.
Với mục tiêu bố trí sắp xếp, ổn định đời sống cho các hộ dân trên địa bàn, hạn chế phá rừng làm nương, ngày 31/1/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 141 “Sắp xếp, ổn định dân di cư tự do huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 – 2012”.
Tiếp đó ngày 12/1/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 79 “Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015”. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay huyện mới thực hiện hoàn thành trên 20% kế hoạch của Đề án.
Ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé thừa nhận việc sắp xếp chậm cũng đồng nghĩa với việc rừng tiếp tục bị xâm lấn: “Dân di cư tự do vào kéo theo hệ lụy rất nhiều đến phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhằm giải quyết tình trạng này, huyện đã tập trung thực hiện Đề án số 79 của Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, chúng tôi cũng tổ chức vận động, tuyên truyền cho các hộ dân mới vào sau thời điểm của Đề án. Tuy nhiên, hiệu quả công tác vận động này chưa cao. Một số hộ dân sau khi đã được trả về vẫn quay lại huyện tiếp tục việc di dịch cư tự do trong địa bàn”.
Còn ông Lò Văn Thành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường Nhé, người hàng ngày phải dàn quân ra giữ rừng, hơn ai hết thấy rõ tình trạng di dịch cư tự do là một trong những thủ phạm chính gây ra tình trạng mất rừng. Với lý do không có đất sản xuất, một số người đã ngang nhiên phá rừng, bất chấp sự ngăn cản của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Chỉ tính từ đầu năm nay, lực lượng đã phát hiện 54 điểm vi phạm về phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại gần 60ha rừng. Mặc dù những cán bộ kiểm lâm ở đây có khi quên ăn, quên ngủ và không đơn độc, nhưng xem ra vẫn không thể ngăn được tình trạng phá rừng một khi di dịch cư tự do vẫn còn diễn ra và việc sắp xếp, ổn định đời sống cho họ không sớm được thực hiện hiệu quả.
“Đối với người dân trên này, người ta chỉ cần đất sản xuất chứ không cần bố trí đất ở. Việc sắp xếp dân cư theo Đề án 79 thời gian qua, các chủ đầu tư mới bố trí được đất ở, chưa bố trí được đất sản xuất. Trong khi đó, phương án của Đề án đưa ra là mỗi hộ được bố trí đất sản xuất 2ha. Thời gian qua, các bản đã được sắp xếp ổn định về nơi ở, tuy nhiên họ không có đất sản xuất. Vì vậy, họ đã viện lý do không có đất sản xuất vào phá rừng” – ông Lò Văn Thành nói.
Trả lời phóng viên VOV về giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng ở Mường Nhé, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, việc cần làm lúc này là phải kiểm soát được tình trạng dân di cư tự do đến Mường Nhé. Cùng với tăng cường các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mới phát sinh, tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương và ngành chức năng tổ chức rà soát, thống kê toàn hộ số hộ di cư tự do đến địa bàn; lập danh sách đầy đủ để đưa trả về nơi xuất cư.
Ông Lò Văn Tiến cho biết: “Tỉnh đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số hộ di dịch cư tự do. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, địa phương nào có dân di cư đến Mường Nhé từ 30/11/2011 trở về đây sẽ có trách nhiệm đến đón dân của địa phương mình. Việc này tỉnh đã có đề nghị với Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa thấy Chính phủ chỉ đạo nội dung này. Còn đối với Đề án 79, trong quá trình tổ chức triển khai cũng có những vướng mắc. Nhưng quan điểm của tỉnh thì tỉnh vẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai Đề án này kéo dài đến năm 2020”.
Nỗ lực bao nhiêu của địa phương cũng khó có thể ngăn chặn được nạn phá rừng làm nương, nếu các hộ dân cứ ồ ạt di cư về Mường Nhé như thời gian qua. Và cũng không có đề án sắp xếp, ổn định dân cư nào có thể đáp ứng được chỗ ở, cũng như đất sản xuất cho bà con khi tình trạng di dân vẫn diễn phức tạp. Và như vậy, bài toán giữ rừng sẽ không có lời giải.
Mong muốn lớn nhất của Điện Biên lúc này là các tỉnh, thành phố trong cả nước thắt chặt việc quản lý dân số của địa phương mình, không để di cư tự đến Mường Nhé. Chỉ như vậy, Mường Nhé mới có thể ổn định, phát triển; rừng Mường Nhé mới không bị tàn phá, cạo trọc./.