ThienNhien.Net – Sau khi Việt Nam nêu đề nghị, Trung Quốc thông báo xả nước từ nhà máy thủy điện Cảnh Hồng của nước này từ ngày 15/3 tới ngày 10/4 để tăng lượng nước của sông Mekong.
Tại cuộc họp thứ 43 của Ủy hội sông Mekong từ ngày 15 đến 17/3 ở Cần Thơ, ông Trần Đức Cường, phát ngôn viên của Hội đồng Việt Nam trong Ủy hội, cho hay ước tính từ 27 đến 54% lượng nước Trung Quốc xả ra sẽ đến Việt Nam. Song ông nói thêm phải mất 2 đến 3 tuần nước mới đến Việt Nam.
Lúc này, Thái Lan đã bắt đầu bơm nước từ sông Mekong vào các đường dẫn của nước này, khơi ra sự lo ngại từ các nước cuối nguồn Mekong như Việt Nam, nước đang chịu hạn hán tệ nhại hất từ gần một thế kỷ trở lại đây.
Bốn trạm bơm tạm thời đã bắt đầu hút 47 triệu mét khối nước từ sông Mekong bơm vào sông Huai Luang ở tỉnh Nong Khai của Thái Lan.
Tiến sỹ Somkiat Prajamwong thuộc Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan nói: “Các trạm bơm này chỉ là tạm thời để giúp người dân bị khủng hoảng hạn hán”.
Dự án Huai Luang tương đối nhỏ. Tuy nhiên, Ban Tài nguyên Nước Quốc gia Thái Lan đã phê duyệt một trạm bơm lớn hơn nhiều cho khu vực này, có thể bơm 150 mét khối nước một giây từ sông Mekong.
Cục Thủy lợi Thái nói phải 2 năm nữa việc xây trạm bơm lớn mới diễn ra và công trình sẽ tuân thủ các thỏa thuận khu vực về quản lý dòng sông Mekong.
Tại cuộc họp của Ủy hội sông Mekong vừa rồi ở Cần Thơ, đoàn Việt Nam đã đề xuất Thái Lan cung cấp thông tin cụ thể về dự án lấy nước ở Huai Luang phục vụ nông nghiệp. Đoàn Thái nói đang có nghiên cứu về dự án mới và thông tin sẽ sớm được công bố.
Tiến sỹ Somkiat nói: “Chúng tôi nghe nói Việt Nam đã gửi thông điệp đến Thái Lan, song có thể họ đã hiểu nhầm tình hình của chúng tôi… Lượng nước mà chúng tôi lấy không gây tác động lớn”.
Thái Lan cũng như Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác vô cùng cần nước vì lâu nay bị thiếu nghiêm trọng.
Mực nước sông Mekong đã xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Trong khi Thái Lan tiếp tục chặn dòng các phụ lưu đổ vào sông Mekong và chuyển dòng một số nhánh nhỏ, Việt Nam cho hay đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục trên dòng Mekong kể từ năm 1926.
Nước xuống thấp đã làm tăng nhiễm mặn ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Ủy hội sông Mekong đã lập mô hình tính toán và dự báo xâm nhập mặn trên dòng chính sông Mekong ở Việt Nam có thể vào sâu 162 kilomet trong năm nay, tức là đi tới tận gần biên giới với Campuchia. Mức bình thường của các năm khác là 98 kilomet sâu trong đất liền.
Tình trạng thời tiết bất thường do hiện tượng El Nino đã làm đảo lộn mọi dự báo thời tiết, đồng nghĩa với việc gây ra thêm thách thức về nguồn nước cho vùng Đông Nam Á cũng như cho quan hệ giữa họ với nhau.