ThienNhien.Net – Không chỉ góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cũng như tình trạng khan hiếm tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học, các sáng kiến đổi mới sinh thái (Eco-innovation) thuộc Chương trình doanh nhân và đổi mới (EIP) của Cộng đồng châu Âu (EU) còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hy vọng những sáng kiến được giới thiệu dưới đây có thể là bài học mà Việt Nam tham khảo trong quá trình thực hiện và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Theo EU, đổi mới sinh thái là bất kì sự thay đổi nào hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; giảm tác động môi trường; nâng cao khả năng phục hồi, đạt hiệu quả cao hơn hoặc thể hiện được trách nhiệm trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thông qua việc hỗ trợ đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất và dịch vụ kinh doanh theo hướng xanh hơn, đổi mới sinh thái giúp EU tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng, đồng thời giúp doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực tế cho thấy mỗi euro đầu tư vào đổi mới sinh thái mang lại 10 euro thu nhập.
Thống kê từ năm 2008 đến 2013 cho hay, EU dành tới 200 triệu euro để hỗ trợ các sáng kiến đổi mới sinh thái với hơn 65% được cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống; xây dựng đô thị; tái chế; nước và kinh doanh xanh hơn.
Cụ thể, trong lĩnh vực thực phẩm, Dự án liên lạc ENBED đã sử dụng cảm biến không dây để duy trì điều kiện tối ưu trong chuỗi bảo quản lạnh nhằm giảm thiểu tổn thất trong quá trình vận chuyển, bảo quản lương thực, thực phẩm (thế giới mất hơn 25 tỷ euro/năm do tổn thất trong quá trình vận chuyển, bảo quản thực phẩm). Thiết bị quan trắc này cho phép giám sát chất lượng hàng hóa cả trong quá trình sản xuất lẫn lưu giữ trên kệ tại các điểm bán hàng với ưu điểm ít tốn điện, dễ sử dụng và giám sát liên tục chất lượng thực phẩm (Yael Leshem 2015).
Trong hoạt động sản xuất đồ uống, EU triển khai một số dự án thu hồi khí CO2 cho nhà máy bia cỡ tiêu chuẩn (FICOB) nhờ giải pháp tinh chỉnh công nghệ. Phương pháp này cho phép thu hồi lượng lớn CO2, đồng thời giúp tiếp kiệm 40.000 kWh/năm cho một nhà máy bia tiêu chuẩn; giảm chi phí bảo trì và tiết kiệm trên 4 triệu lít nước/năm cho một nhà máy bia do không sử dụng nước trong việc lọc CO2. Đáng chú ý là hiện EU đang xem xét sử dụng CO2 nhằm phát triển tảo giàu chất dinh dưỡng trong các lò phản ứng quang sinh học
Đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, EU hình thành thị trường tiêu thụ tái chế gạch nung (REBRICK), trong đó, một số dự án REBRICK sẽ thu thập gạch thải bỏ rồi phân loại, làm sạch và tái chế. Mỗi mỗi viên gạch được dùng lại giảm được 0,5kg khí thải CO2 (Claus Nielsen 2015). Các tập đoàn thuộc EU hy vọng trong vòng 5 năm sẽ mở rộng dự án tại nhiều địa điểm thuộc Đan Mạch và tập trung mạnh mẽ ở Ba Lan, Đức – là những nước còn tồn tại nhiều cơ sở phá dỡ lớn. Nếu đạt được yêu cầu đề ra, REBRICK góp phần giảm lãng phí 24.000 tấn phế thải ngay trong năm thứ hai. Riêng cơ sở đầu tiên ở Đan Mạch sẽ giảm 6.000 tấn khí CO2.
Về tái chế vật liệu nhựa xây dựng, Dự án sản xuất bê tông nhẹ từ chất thải đô thị tái chế (NUMIX) không chỉ góp phần xử lý chất thải mà còn giúp tiết kiệm 10 – 15% lượng nước trong quá trình sản xuất. Dự án phấn đấu tới cuối kỳ sẽ có khoảng 6.000 tấn vật liệu chất thải tái chế được sản xuất thành bê tông nhẹ thay vì phải dùng đất sét nở như xưa. Riêng tại Ý, lượng bê tông nhẹ được sản xuất đã lên đến 400.000 tấn/năm. Song song với việc sản xuất bê tông nhẹ từ chất thải tái chế, EU cũng xúc tiến hỗ trợ hoạt động sưu tập phân loại, tái chế và sử dụng thủy tinh sau tái chế nhằm tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và giảm lượng khí thải CO2.
Với lĩnh vực kinh doanh các công trình xanh, EU tập trung vào việc giảm chi phí thiết kế và xây dựng theo hướng ưu tiên những công trình thân thiện vì chúng vừa giúp tiết kiệm năng lượng, nước, chi phí bảo trì, vừa thu hút khách và có thể bán với giá cao hơn.
Về vấn đề xử lý nước thải, Dự án nâng cao hiệu quả quản lý nhà máy xử lý nước thải quy mô nhỏ và vừa (OptimEDAR) đã phát triển giải pháp quản lý mới dựa trên giám sát trực tuyến thông số hóa chất và điều chỉnh hiệu quả chức năng các phản ứng sinh học, giúp giảm 15 đến 25% năng lượng tiêu thụ, tiết kiệm 10% tổng chi phí hoạt động và nâng cao chất lượng nước thải. Quy trình của Dự án đã được đưa vào hệ thống quản lý nhà máy xử lý nước ở Romania và Tây Ban Nha để sớm nhân rộng ra toàn Châu Âu (Jordi Cros 2015). Liên quan tới lĩnh vực nước, EU còn thực hiện Dự án “Gia tăng hiệu quả lọc nước nhờ công nghệ màng gốm” (IWEC) giúp giảm 5 đến 10% tình trạng căng thẳng trên các tầng chứa nước ngầm. EU hy vọng, năm 2017, công nghệ này có thể giảm 30% năng lượng tiêu thụ cho xử lý nước (Andre Reigersman 2015). Song song với đó, EU cũng áp dụng phương pháp chữa rò rỉ hệ thống nước sạch đô thị tự động mang tên Trenchless mà không cần đào vỉa hè hoặc lòng đường giao thông.
Có thể nói các sáng kiến đổi mới sinh thái đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế châu Âu trở nên cạnh tranh và năng động hơn. Sau thời gian triển khai thí điểm các dự án sinh thái, EU tiết kiệm được hàng trăm triệu mét khối nước, giảm đáng kể lượng chất thải nguy hại và giảm phát thải hàng triệu tấn khí CO2 với tổng giá trị môi trường tiết kiệm hàng năm lên đến nhiều chục triệu euro.
Lê Thành Ý