ThienNhien.Net – Trên thực tế, các nhà máy thủy điện trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đang phối hợp với chính quyền địa phương vùng hạ du sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các hồ chứa, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị là cấp nước sinh hoạt và nước phục vụ chống hạn cho ngành nông nghiệp trong mùa khô.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Chống hạn là biện pháp cấp bách
Thời gian tới vẫn là những tháng cao điểm mùa khô; trong đó, khu vực Tây Nguyên có thể kéo dài tới tháng 6, khu vực Nam Trung Bộ tới tháng 9/2016. Hạn hán tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng và kéo dài, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất vụ đông xuân, hè thu và ngay cả nước cho sinh hoạt của người dân tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Do vậy, trong tình hình hiện nay, việc triển khai các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán ngay tại địa phương là nhiệm vụ hết sức cấp bách.
Ông Đặng Văn Tuần, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ: Chủ động thời gian bơm cấp nước
Chúng tôi thường xuyên làm việc với UBND tỉnh Phú Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Sơn Hòa, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện để tận dụng, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước. Ngay trong vụ đông xuân này và sắp tới là vụ hè thu, trước khi vận hành chạy máy phát điện cấp nước, công ty thông báo với các trạm bơm ở huyện Sơn Hòa để chủ động thời gian bơm cấp nước cho đồng ruộng hiệu quả, tiết kiệm tận dụng tối đa nguồn nước, tránh lãng phí.
Công ty cũng thường xuyên liên lạc và làm việc với các hợp tác xã ở hạ du sông Ba để tìm hiểu rõ từng giai đoạn quá trình phát triển của cây lúa từ đó có lịch cấp tưới tiêu phù hợp, đồng thời cung cấp nước đảm bảo kịp thời khi cây lúa sinh trưởng, đặc biệt là giai đoạn đầu trỗ bông cần nước nhiều để tăng năng suất của lúa. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ còn tăng cường phối hợp với NMTĐ Sông Hinh để việc cung cấp nước được thuận lợi và tăng hiệu quả chống hạn.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông): Chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Bên cạnh việc nâng cao độ che phủ rừng đầu nguồn thì các địa phương cần tính tới việc chủ động chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, mặc dù các ban chỉ đạo sản xuất của tỉnh, huyện chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, triển khai mùa vụ sớm hơn mọi năm từ 10-15 ngày, sử dụng bao đất nâng cao ngưỡng tràn các hồ đập để tích nước, thì những vùng xa, nguồn nước không đảm bảo đều được chuyển đổi diện tích từ trồng lúa nước sang trồng ngô lai và khoai lang. Đến nay, diện tích cây trồng chuyển đổi trên địa bàn huyện đã lên đến 250 ha.
Dự báo, thông thường tháng 5-6 sẽ có những trận mưa đầu mùa nên huyện sẽ điều hành lịch sản xuất vụ hè thu chậm lại.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam: Phối hợp điều tiết nước
Đại Lộc là huyện hạ du của Quảng Nam có 10/18 xã sử dụng nước ở hệ thống sông Vu Gia, còn 8 xã còn lại sử dụng nước của hồ chứa thủy lợi Khe Tăng. Từ khi có sự phối hợp giữa tỉnh và NMTĐ A Vương, việc cung cấp và sử dụng nước trên địa bàn huyện được đảm bảo. Công ty thực hiện chế độ dự báo thông số hồ 10 ngày/lần, từ đó hiệu chỉnh lưu lượng xả phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn cụ thể, nhằm khai thác hiệu quả các nguồn nước từ các hồ chứa. Do vậy các NMTĐ trên hệ thống sông Vũ Gia hiện cung cấp nước ổn định cho vụ đông xuân này.
Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp: Kế hoạch tưới tiêu phù hợp
Từ đầu tháng 12 hàng năm, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã làm việc với các địa phương liên quan, đại diện là các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để xác định về nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp trong các tháng mùa kiệt. Sau đó, Công ty trình kế hoạch khai thác hồ chứa vào các tháng mùa kiệt đến UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện/thành phố thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để theo dõi chỉ đạo và phối hợp thực hiện nhằm khai thác các hồ sao cho hiệu quả cao nhất.
Trong quá trình vận hành hàng ngày, khi trên lưới điện Quốc gia có những thay đổi ảnh hưởng đến chế độ vận hành của các nhà máy, làm lượng xả ra hạ du từ các hồ không đạt theo quy định, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thông báo kịp thời đến các bên liên quan để sớm có kế hoạch phù hợp trong việc tưới tiêu, canh tác nông nghiệp. Nhờ vậy, từ năm 2009 đến nay, các hồ thủy điện do công ty quản lý luôn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tiêu nông nghiệp vào các tháng mùa kiệt cho các vùng hạ du hồ.
Công ty đã chế tạo và lắp đặt Hệ thống cảnh báo xa dọc hạ lưu hồ để thông báo thời gian xả nước, để nhân dân trong vùng và các trạm bơm thủy lợi chủ động trong việc bơm nước. Bên cạnh đó, công ty thiết lập số điện thoại nóng (05002480412) tại Phòng điều khiển trung tâm NMTĐ Buôn Tua Srah để tiếp nhận 24/24 giờ mọi yêu cầu của nhân dân địa phương.
Ông Trương Cúc, thôn Lâm Xuân, xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô (Đắk Nông): Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nếu mấy năm trước đủ nước thì thu hoạch 1 sào lúa được 1 tấn nhưng năm nay chỉ được 5 tạ thôi. Giá ngô hiện nay cũng chỉ 3.000 đồng/kg trong khi giống đã là 100.000 đồng/kg. Còn trồng cà phê thì với giá bán hiện nay là 30.000 đồng/kg, chúng tôi coi như không lời.
Nguyên nhân chi phí trồng cà phê năm nay cao là do trồng cách xa sông Krông Nô vài cây số thì có đào giếng lấy nước ngầm cũng không đủ nước tưới mặc dù gia đình đã đào đến hơn 100m chi phí cho mỗi mét giếng khoan là 2 triệu đồng. Chỉ những diện tích trồng gần sông mới có đủ nước tưới. Ba năm về trước một héc ta cà phê thu hoạch được ít nhất 4 tấn trở lên nhưng hai năm gần đây chỉ thu hoạch được 2,5 tấn trở lại. Dân giờ không dám đầu tư vào trồng cây cà phê, một héc ta cà phê hiện nay chi phí khoảng 50 – 70 triệu đồng, nếu thu hoạch được hơn 2 tấn, bán chưa được 60 triệu đồng thì chỉ hòa vốn.
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Trưởng Tiểu ban chỉ đạo chống hạn tỉnh Đắk Lắk: Tiết kiệm nước, tăng cường nạo vét giếng, kênh mương
Thành phố Buôn Ma Thuột có đoạn dòng chính sông Srêpôk nên nguồn nước phục vụ chống hạn cho sản xuất trên địa bàn tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, một số tiểu vùng cục bộ có khả năng thiếu nước nên tỉnh khuyến cáo nhân dân sản xuất theo kế hoạch, sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường nạo vét giếng, kênh mương và có giải pháp điều tiết nước từ các hồ thủy lợi có dung tích lớn và các hồ thủy điện dọc sông Srêpốk để phục vụ chống hạn.
Để phát triển sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ đầu tư các dự án hỗ trợ trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên để đảm bảo nguồn sinh thủy và chống bồi lắng lòng hồ. Bên cạnh đó, đầu tư đồng bộ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm; đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm đáp ứng đủ nguồn nước cho nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh. Nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, trước tình hình biến đổi khí hậu, nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng có nguy cơ bị thiếu hụt, vì vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu chính sách đầu tư áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.