ThienNhien.Net – Con mương gần cầu Tam Đa (Tây Hồ, Hà Nội) nằm sát sông Tô Lịch, ùn ứ hàng đống loại rác thải, bốc mùi hôi thối, khiến bất cứ ai đi qua đây cũng phải nín thở. Tuy nhiên, mặc cho mùi hôi thối, ô nhiễm của mương người dân vẫn vô tư bày bán hàng quán ăn, uống ngay sát con mương ô nhiễm, nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch chết người.
Mương Thụy Khuê – một nhánh sông Tô Lịch cũ nay là đường thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ. Tuyến mương lộ thiên này chạy dài từ dốc La Pho (gần dốc Ngọc Hà) đến chợ Bưởi trước khi đổ ra sông Tô Lịch.
Với tổng chiều dài gần 3 km, nhiều năm nay rác thải phủ kín mặt nước mương. Nước dưới mương đen kịt, rác thải trôi nổi kín mặt nước.
Khu vực tập trung chợ và một số hộ chế biến thực phẩm… nên chất thải được đẩy xuống lòng mương ngày càng lớn.
Đoạn ô nhiễm nhất phải kể đến khúc từ dốc La Pho đến cống Tam Đa (canh chợ Tam Đa). Do chảy qua khu dân cư đông đúc nên rác liên tục được thả xuống lòng mương.
Chiếc cống qua dốc Tam Đa bóp nhỏ con mương lại, khiến nó dồn ứ rác thải nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Và chỉ ở ngay phía trên, người ta bán đủ loại thức ăn phục vụ cho khu dân cư. Sự mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường trên đoạn mương này chính là mầm mống của bệnh tật, đe dọa sức khỏe của cả nghìn người sinh sống, kiếm ăn và qua lại nơi này
Một người dân cho biết, khi có đợt mưa to, nước bẩn dâng lên chui cả vào nhà. Ngay đến nhà văn hoá của phường cũng phải kê đồ đạc lên cao để phòng những hôm nước tràn vào.
Bà Nguyễn Thị Tâm (khu dân cư số 5, tổ dân phố số 11, phường Thụy Khuê) bức xúc nói: “Chúng tôi ở đây mấy chục năm nay rồi, hàng ngày luôn phải ngửi mùi hôi thối từ mương bốc lên. Ruồi muỗi bay vào kín cả nhà. Càng ngày mức ô nhiễm càng nặng, nhà tôi lúc nào cũng trong tình trạng đóng kín cửa”.
Nguyên nhân quan trọng khiến con mương bị ô nhiễm là do chính sự thiếu ý thức của người dân. Lãnh đạo phường Thụy Khuê cho biết, nhiều hộ dân không có bể phốt, mọi chất thải chưa được xử lý đều được đưa trực tiếp xuống lòng mương. Rác thải ném xuống vô tội vạ gây ra nguyên nhân tắc cống khiến nước bị dồn ứ và dâng lên mỗi khi có mưa to.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều hộ dân “xẻ thịt” , đổ bê tông chiếm dụng… diện tích bề mặt của dòng mương để kinh doanh cũng ảnh hưởng lớn đến việc quản lý.
Để khơi thông phần nào sự tắc nghẽn của dòng chảy, tuần nào lực lượng công nhân môi trường đô thị cũng phải nạo vét lòng sông và vớt rác.
Một công nhân cho biết, đã 4 ngày nay đội ngũ công nhân làm việc gần như hết công suất nhưng cứ dọn được một ngày, hôm sau lượng rác được người dân quăng xuống, dồn ứ quá nhiều dưới lòng mương khiến họ không làm xuể.
Mọi sự cảnh báo của cơ quan chức năng là vô nghĩa trước ý thức của người dân.
Được biết, dự án “Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê” được khởi công từ cuối năm 2012, nhưng đến thời điểm hiện tại, hầu như vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”.
Hơn 10 năm trước UBND TP Hà Nội có Quyết định số 13/QĐ-UB ngày 4.1.2005, phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư cải tạo môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, đoạn từ dốc La Pho đến cống Đõ. Nhưng đến nay người dân vẫn trông ngóng, hàng ngày những em học sinh vẫn miệt mài tới lớp, nô đùa bên dòng mương đen kịt, bốc mùi hôi thối.