ThienNhien.Net – Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đang phải trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử từng ghi nhận. Nhiều địa phương có nguy cơ tái nghèo vì thiếu nước. Trong khi đó, mọi hy vọng hiện chỉ trông chờ vào mưa và nguồn nước xả từ các đập thủy điện của Trung Quốc, nếu không phải chờ tuyết tan ở Trung Quốc để có nước ngọt chảy về Việt Nam.
800.000 tấn lúa đã bị mất
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 17 triệu dân sinh sống, là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam, là vựa lúa, mỗi năm cung cấp khoảng 7-8 triệu tấn gạo xuất khẩu cho Việt Nam, cung cấp hơn một nửa lượng tôm, cá, trái cây và nhiều loại nông sản khác cho cả nước. Tuy nhiên, năm nay, các tỉnh này đang phải gánh chịu khô hạn, mặn xâm nhập mang tính lịch sử. Nước thượng nguồn sông Mê Công chảy về Việt Nam đã giảm 50% so với cùng kỳ nhiều năm.
Trong tháng 1 và tháng 2, thủy triều dâng cao hơn mọi năm đã đẩy xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền tới 70-60km. Dự báo, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. Nguồn nước của các tỉnh đều đã cạn kệt, hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ trữ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhưng đến thời điểm này cũng đã xấp xỉ mực nước chết, không thể có nước cho sông Sài Gòn rửa mặn.
Bộ NN&PTNT thông tin, đến thời điểm hiện tại, đã có 160.000ha lúa bị thiệt hại, phần lớn là mất trắng, tương đương khoảng 800.000 tấn lúa đã bị mất, ảnh hưởng đến gần 300.000 hộ dân. Dự báo, khoảng 500.000ha trong vụ hè thu này không thể gieo cấy vì thiếu nước. Không chỉ lúa, mà cây ăn quả cũng chết, nước cho gia súc, chăn nuôi thủy sản cũng cạn kiệt. Do độ mặn quá cao, một số vùng nuôi tôm, ngao đã chết trắng.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin, khô hạn cạn kiệt đang kéo theo khoảng hơn 200.000 hộ gia đình mất thu nhập, không có nước sinh hoạt. Tại tỉnh Bến Tre, người dân đang phải mua với giá 60.000-80.000 đồng/m3 nước, tỉnh Bến Tre có đến 160/164 xã bị mặn xâm nhập. Còn tại Nam Trung bộ, các tỉnh Ninh Thuận đến Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo các Sở NN&PTNT không gieo cấy, để dành nước cho người và gia súc. Tại Tây Nguyên, hạn cũng đang gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều diện tích cà phê đã bị hỏng, và dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới nếu không có mưa xuống.
Chờ Trung Quốc xả nước
Trước tình hình hạn hán lịch sử, Việt Nam đã phải đề nghị Trung Quốc xả nước tại các đập thủy điện lớn để cứu hạn, nước này cũng đã thông báo, sẽ xả nước để cứu hạn các quốc gia Đông Nam Á. Trong Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ tháng 3 đến tháng 8-2016, trong đó từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi tháng sẽ có 6 đợt xả, mỗi đợt xả liên tục trong 7 ngày, lưu lượng xả đề nghị là 2.300m3/giây.
Ngoài các đợt xả trên, đề nghị vận hành liên tục tối thiểu 40 – 60% số tổ máy. Từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ xả liên tục, đề nghị xả theo khả năng nguồn nước đến, lưu lượng xả từ 1.740 – 2.890m3/giây. Đề nghị của Việt Nam chi tiết và rõ ràng như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, phía Trung Quốc mới chỉ phúc đáp là họ sẵn sàng hỗ trợ xả nước, còn cụ thể lịch xả nước ra sao, mức xả bao nhiêu thì phía bạn chưa có phản hồi cụ thể.
Chiều 16-3, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, phía Trung Quốc đã có phản hồi tích cực và thông báo sẽ xả nước trên đập thủy điện Cảnh Hồng để hỗ trợ. Hiện, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đang bám sát việc này và có phương án xử lý.
Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, nếu phía Trung Quốc xả nước ở thủy điện thì phải mất khoảng 14-19 ngày nước mới chảy về hạ lưu vùng ĐBSCL, tùy theo lưu lượng xả. Như vậy, việc cứu hạn về trước mắt cho các tỉnh đồng băng sông Cửu Long chỉ còn trông chờ vào Trung Quốc xả nước, trời mưa hoặc như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hy vọng, cuối tháng 4, đầu tháng 5 tuyết sẽ tan ở Trung Quốc, nước ngọt chảy về sông Mê Công về Việt Nam thì mới cải thiện được tình hình.
Kêu gọi hợp tác sử dụng nguồn nước
Các chuyên gia đều cho rằng, biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt tới thời tiết toàn cầu, trong đó có Việt Nam và những hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino hoặc La Nina là không thể ngăn chặn được. Do vậy, cần phải có giải pháp lâu dài để ứng phó với tình trạng nguồn nước ngày một cạn kiệt và các nước thượng nguồn gia tăng xây đập thủy điện.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, nhiều giải pháp dài hơi đã được Chính phủ và ngành nông nghiệp đưa ra như các nước vùng sông Mê Công đã cùng nhau bàn về một tầm nhìn dài hạn trong việc ứng xử như thế nào để không làm xấu hơn nữa hệ sinh thái trên dòng Mê Công, đồng thời tránh xảy ra tình trạng “vùng này được lợi sẽ gây hại cho vùng khác”.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo các địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Do khu vực ĐBSCL không thể sử dụng giải pháp xây hồ chứa nước, nên Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, đang làm Đề án cải tạo, nạo vét hệ thống kênh rạch, sông ngòi như một giải pháp về thủy lợi.
Bàn về giải pháp đắp đập ngăn mặn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, do nguồn vốn có hạn nên chưa thể triển khai. “Hiện chúng tôi cũng đã tập hợp báo cáo Chính phủ về việc huy động các nguồn lực để triển khai những giải pháp trung và dài hạn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, Bộ trưởng Cao Đức Phát thông tin.
Nam bộ, Tây Nguyên mưa đến muộn
Theo dự báo, mùa mưa có xu hướng đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) ở hầu hết các khu vực trên toàn quốc, tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 5-2016 phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 15-30% ở Bắc bộ, Bắc và Trung Trung bộ. Đặc biệt khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thiếu hụt phổ biến từ 40-60% so với TBNN cùng thời kỳ. Do vậy, tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng đến đầu tháng 6 và tại Trung và Nam Trung bộ có khả năng đến cuối tháng 8 đầu tháng 9-2016 mới được cải thiện. Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 6-2016, dòng chảy trên các sông Trung bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông và hồ chứa ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên nên trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015. Theo Trung tâm DBKTTV Trung ương, hiện dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công về vùng ĐBSCL trong mùa khô 2016 đang ở mức thấp, ngoài ra dòng chảy thượng lưu sông Mê Công đang diễn biến rất phức tạp do có sự chi phối của các hồ chứa thượng lưu. Do vậy, hạn hán và xâm nhập mặn dự báo cũng sẽ hết sức nghiêm trọng. Khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ, độ mặn cao nhất năm khả năng xuất hiện vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 ở mức lớn hơn TBNN. |