ThienNhien.Net – Không gian yên tĩnh nơi cửa khẩu Quốc tế Miền Trung xuất hiện những chiếc xe “cá mập”, khoang chứa rộng thoắt ẩn thoắt hiện khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Trong mường tượng của chúng tôi, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình) và Lao Bảo (Quảng Trị) là những vùng đất hoang sơ, nằm heo hút giữa núi rừng, quanh năm mây khói bao phủ. Thế nhưng, khi đặt chân đến đây, cảm giác của chúng tôi lại bị thay đổi. Sơn nữ vắng bóng, cũng chẳng có những tiếng gió thổi du dương. Chỉ có xe chở hàng lậu tấp lập hoành hành, tiếng cưa máy rền vang núi rừng, lâm tặc ngày đêm “xẻ thịt” rừng xanh, rồi mại dâm thỏa sức hoạt động…
Trên dãy núi Giăng Màn, thuộc rừng phòng hộ đặc dụng Minh Hóa, nằm ngay sát cửa khẩu Quốc tế Cha Lo xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình – nơi có đông đảo các lực lượng, ban ngành đóng chốt như: Kiểm lâm, hải quan, bộ đội Biên phòng…, vài tháng trở lại đây bắt đầu hắt ra tiếng cưa rền vang.
Lâm tặc “cắm trại uống bia”(?!)
Vào là một ngày đầu tháng 3/2016, chúng tôi tỉnh giấc sau một đêm ngủ vùi vì lặn lội cả trăm km đường đồi núi. Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Quốc tế Cha Lo vẫn chìm trong sương núi. Cái se se lạnh đủ để mỗi người vội tìm chiếc áo khoác che lên cơ thể tìm hơi ấm. Phố núi đang mơ màng, trời bắt đầu sáng, không gian tĩnh lặng buổi sớm bỗng nhiên bị xé toang bởi tiếng cưa máy ầm ầm, tiếng gỗ đổ răng rắc từ trên núi vọng xuống.
Cố nghiêng tai tìm âm thanh lạ qua các ô cửa sổ của phòng trọ, cả nhóm chúng tôi đều hướng về phía cánh rừng nguyên sinh nằm bên phải QL12A, cách KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo chừng 500 mét đường chim bay. Cố lướt tầm mắt về hướng đó hy vọng tìm thấy một điều gì đó bất thường, nhưng cả khu rừng vẫn trầm mặc, nằm bất động. Chỉ có tiếng cưa lúc trầm lúc bổng, ngày một rõ hơn.
Mặc vội chiếc quần dài, phi ra đường đợi hỏi một người dân bản địa nơi đây mới biết, tiếng cưa máy do đâu phát ra. Anh chàng người bản địa chỉ tay về dãy núi Giăng Màn nói: “Tiếng cưa gỗ của các đối tượng lâm tặc đấy. Ngày nào cũng cưa, rừng sắp tan hoang rồi”. Trước vẻ thản nhiên của anh chàng dân bản địa, tôi hỏi thêm: “Vì sao gần kiểm lâm, bộ đội biên phòng mà các đối tượng liều lĩnh phá rừng thế?” Người này hồn nhiên cười trả lời: “Có ai thèm để ý đâu mà bắt, họ cưa ngang nhiên như thế lâu nay rồi”.
Trước sự việc “khó hiểu” này, tôi quay lại phòng, tốc chăn từng người dậy, chuẩn bị lên đường đi tìm bí mật ẩn kín nơi tiếng cưa phát ra. Cả nhóm vác ba lô tức tốc lên đường. Ghé một quán ăn sáng ngay đường vào KKT cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, anh em mỗi thằng và vội bát mì tôm “không người lái”, rồi ngồi bàn tính. Nếu theo lối mòn của các đối tượng để lên, chắc chắn sẽ bị phát hiện bởi “chim lợn” giăng khắp nơi, chỉ còn cách trèo đèo lội suối, đi đường tắt.
Thế nhưng, đi được một lúc, khi đến mép dãy núi, ai nấy đều ngao ngán. Núi Giăng Màn còn rất hoang sơ, cây cối tốt um tùm, có những cây cao hàng chục mét với đường kính lên đến bốn, năm người ôm. Nhìn phía ngoài có thể nhận định, đây là cánh rừng nguyên sinh, chưa có bàn tay chặt phá, tác động của con người. Thế nhưng, chúng tôi vẫn quyết tâm lên đường, dù chưa biết điều gì đang chờ đón phía trước, bên trong cánh rừng âm u này.
Hôm đó, trời vừa ngớt mưa, mặc dù tiếng cưa phát ra rất gần nhưng do đi đường tắt, lại trơn trượt, dây leo um tùm, nên chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ vẫn chưa tiếp cận được “mục tiêu”. Càng đi sâu vào trong, ai nấy đều có cảm giác ớn lạnh. Các tầng lá lớp lớp chèn lên nhau, che phủ không còn một ánh sáng xuyên qua. Nước suối chảy róc rách, chim muông hót líu lo, nếu không bị tiếng cưa máy gầm gừ phá ngang thì cảnh vật nơi đây quả thật hoang dã.
Trên đường tiến sâu vào trong, cảnh những cây cổ thụ bị đốn hạ không thương tiếc, xung quanh cây cối đổ rạp, cành, ngọn, các loại ván dác vứt chỏng chơ. Nhìn dấu vết có thể thấy, những cây gỗ quý này bị lâm tặc đốn hạ, mang đi cách đây chưa lâu. Ngoài những gốc cây còn sót lại, xung quanh cũng có những cây gỗ với đường kính vài người ôm nằm lăn lóc dưới suối, trên đường đi. Có thể đây là những loại bị rỗng ruột, sâu mọt hay gỗ kém chất lượng bị lâm tặc bỏ lại.
Nhóm người bí ẩn trong rừng già
Trên đường đi, chúng tôi không khó để bắt gặp những lán trại của lâm tặc làm trước đây, một số đồ dùng cá nhân, chai lọ, bếp nấu nướng vương vãi khắp nơi, trong đó có cả những lon bia. Cả nhóm không tin vào mắt mình, một cánh rừng phòng hộ đặc dụng nằm sát bên nách KKT cửa khẩu quốc tế Cha Lo với đông đảo cán bộ, lực lượng chức năng canh gác nghiêm ngặt mà lâm tặc lại có thể “cắm trại uống bia” và đốn hạ gỗ ngang nhiên đến như vậy (!?)
Sau gần 2 tiếng băng rừng, vượt suối, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được khu vực các đối tượng đang cưa xẻ gỗ. Tránh bị phát hiện, chúng tôi lò dò từng bước chân, đến hơi thở cũng phải nhẹ nhàng. Cả nhóm đều xác định, chỉ cần một chút sơ suất cũng có thể bị chúng tấn công, nguy hiểm hơn là có thể. Không ai bảo ai, tất cả đều nghĩ tới những vụ kiểm lâm, bảo vệ rừng, hay phóng viên thâm nhập điều tra bị lâm tặc hành hung, chém trọng thương.
Lúc đó, mặt trời bắt đầu đứng bóng, rừng già càng trở lên âm u hơn. Cái lạnh thấu xương bỗng từ đâu ập về, nhưng mồ hôi trên trán mọi người ứa ra từng dòng. Sau khi nằm ẩn mình ngụy trang sâu trong các đám rễ cây, thấy an toàn, chúng tôi mới bắt đầu tiếp cận gần hơn. Tất cả cùng tháo giầy đeo lên cổ, đi chân trần để chạm qua những thảm lá mục không gây tiếng động. Cẩn trọng hơn, mỗi khi tiếng cưa cất lên, tất cả mới trườn thân lên phía trước.
Chừng 20 phút lê thân di chuyển, chúng tôi đã tiếp cận khá gần mục tiêu. Thế nhưng, chúng tôi lại gặp một trở ngại trong quá trình ghi hình toàn bộ cảnh “xẻ thịt” rừng xanh không thương tiếc, bởi lá cây rừng quá dày, ống kính máy quay bị che khuất. Chúng tôi đành mạo hiểm tiến gần sát nhóm lâm tặc đang hì hụi cưa xẻ. Và cuối cùng những thước phim cũng được ghi lại. Cứ khoảng 10 phút, những vị khách bí ẩn của rừng già này lại nghỉ giải lao vài phút rồi đổi cho người khác, tiếp tục cưa xẻ. Những kẻ làm nhiệm vụ cảnh giới thì không ngừng ngó nghiêng quan sát các động tĩnh xung quanh.
Theo thông tin tại Trang thông tin điện tử huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), huyện Minh Hoá có 125.467 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng đặc dụng 30.861 ha, đất rừng phòng hộ 39.144ha và 55.462 ha đất rừng sản xuất. Hàng năm, UBND huyện Minh Hóa đã trích ngân sách trên 100 triệu đồng để phục vụ công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, thành lập các tổ liên ngành để tiến hành kiểm tra, truy quét lâm tặc trên địa bàn. |
(Còn nữa)