Bài 2: Thanh tra Sở “tính công” trăm triệu bảo kê công trình tiền tỷ
ThienNhien.Net – Lần theo những tiết lộ động trời của các chủ lò về cách thức hợp thức hóa cho hoạt động của những chiếc lò gạch “ma,” nhóm phóng viên đã tiếp cận được những nhân vật cỡ “khủng” đã tham gia vào đường dây bảo kê này. Những người này, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã dung túng và làm ngơ sự tồn tại trái phép của các lò dạng vung và lò vòng trong một thời gian dài.
Quan trọng là ăn giơ với nhau…
Trong suốt thời gian tiếp cận chủ lò Đào Văn Thanh tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, chúng tôi đã đi hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi được ông này tiết lộ những thủ thuật để các lò không phép hoạt động trong nhiều năm.
Sau khi khoe việc Bí thư xã Bắc Phú có tham gia cổ phần vào lò của mình, ông Thanh cho hay: “Mặc dù vậy, bí thư nó cũng ẩn khuất chứ ai dám ra mặt.”
Chính vì vậy mới có chuyện trong suốt thời gian thi công lò vòng, ông Thanh liên tục phải tiếp các cán bộ thanh tra xây dựng từ xã xuống kiểm tra và lập biên bản sai phạm.
Nói đến vấn đề này, ông chủ lò Bắc Phú cười bảo: “Về nguyên tắc, khi anh em mình làm thì bao giờ xã cũng phải thế.” Tuy nhiên, việc lập biên bản này theo ông chỉ là cho có.
“Anh làm ở đây xã xuống liên tục, xã vẫn phải kiểm tra theo thủ tục,” ông Thanh nói.
Thậm chí, theo ông, có đợt ông còn ký sẵn 6,7 biên bản, để cán bộ kiểm tra “thích ghi thế nào thì ghi, thích viết gì thì viết” vì “đằng nào cũng sai rồi.”
“Điều quan trọng nhất là về phía xã phải ăn giơ với nhau trong việc làm hồ sơ ban đầu,” ông Thanh nhấn mạnh.
Trong thời gian có mặt tại lò của ông chủ này, chúng tôi cũng xác nhận một cán bộ thanh tra xây dựng xuống kiểm tra, lập biên bản công trình xây dựng… rồi lại ra về.
Thực tế, ngay khi công trình xây dựng lò vòng của ông Đào Văn Thanh đã chính thức được khởi công, cán bộ thanh tra xã cũng xuất hiện. Tuy nhiên, cho tới tận thời điểm này, hàng chục công nhân cùng máy móc vẫn hối hả làm việc, bất chấp việc công trình “khuyết giấy phép.” Toàn bộ mặt bằng rộng lớn đã được san gạt, hệ thống ống dẫn nhiệt cũng được đặt xong. Thậm chí, một ống khói cỡ lớn cũng đang gấp rút được hoàn thiện.
Tính đến thời điểm đầu tháng 3/2016, chủ lò đã đổ vào đây số tiền lên tới hơn chục tỷ đồng. Theo tính toán của ông Thanh, nếu hoạt động suôn sẻ, lò vòng này sẽ có thể “lách được đến năm 2020 và sau 3 năm sẽ thu hồi toàn bộ vốn.” Như vậy tính ra, nếu phi vụ thành công trót lọt, trong 2 năm “thu lãi”, các chủ lò sẽ bỏ túi tầm 50 tỷ với công suất trung bình ước tính 7 vạn một ngày và giá gạch tại lò rơi vào mức 1.300 đồng/viên.
Điều đáng nói, vị trí xây lò này hoàn toàn không nằm trong vùng quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng của huyện Sóc Sơn.
Cũng qua đầu mối của Đào Văn Thanh, chúng tôi được gặp ông Đ., một cán bộ thuộc Đội Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn. Tại buổi nói chuyện tối 9/3 tại thị trấn Sóc Sơn, ông Đ. cũng khẳng định ông Thanh xây lò không có bất cứ một giấy tờ hay xin phép gì và “đang bị xử lý.” Tuy nhiên, khi chủ lò hỏi cách tháo gỡ, vị cán bộ này gợi ý: “Nếu muốn bổ sung [quy hoạch –PV] thì làm cái văn bản xin bổ sung. Hai ba ông gom lại… Cái vị trí này nó nằm ngoài quy hoạch, cho nên bây giờ ông làm ở địa điểm này phối hợp với 1,2 người nữa để cái vai của mình gánh nó không nặng rồi xin bổ sung thêm một góc, một địa điểm.”
Riêng trên địa bàn xã Bắc Phú, ngoài hệ thống lò vòng đang được xây dựng của ông Thanh còn hai công trình tương tự khác đã thành hình và đang vận hành. Như vậy, rõ ràng, các cơ quan chức năng của xã Bắc Phú và cả của huyện Sóc Sơn đều đã nắm được thực trạng kể trên, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các công trình “khuyết khai sinh” này vẫn tồn tại sừng sững…
“Một đập ăn quan luôn!”
Trong nhiều lần tiếp xúc với các chủ lò “máu mặt” tại hai xã Bắc Phú và Bắc Sơn, chúng tôi liên tục được nghe danh của một nhân vật tên Minh, được cho là cán bộ thanh tra thuộc Sở Xây dựng Hà Nội. Theo các chủ lò, Minh là người trực tiếp đứng ra “lo liệu” cho các lò gạch không phép hoạt động.
Qua sự giới thiệu của Dũng “bộ đội”, chủ lò Dũng Trang tại xã Bắc Phú, chúng tôi đã liên lạc thành công với ông Minh. Sau khi cẩn thận xác minh lại thông tin, Minh cho chúng tôi lịch hẹn gặp tại quán café T. ngay đối diện trụ sở Sở Xây dựng Hà Nội.
Đúng 2 giờ chiều ngày 2/3, nhóm phóng viên có mặt tại địa điểm hẹn. Lúc này, ông Minh đi ra từ cổng trụ sở Sở Xây dựng Hà Nội. Sau khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn được xây một lò vòng tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, vị cán bộ thanh tra thủng thẳng nói: “Về chỉ tiêu trên xã Bắc Sơn thì hiện chỉ có 9 cặp lò được cấp phép thôi, nhưng hiện nay trên đấy có tới hơn 60 cái, rất là nhiều.”
Chính vì lý do đó, ông Minh gợi ý: “Bây giờ mình có làm thì chỉ làm tắt thôi chứ xin cấp thì không ai cấp cho cả. Xây lò nào đi chăng nữa thì chỉ tiêu cũng chỉ có thế.”
Để chúng tôi có thể nắm cặn kẽ hơn, Minh vừa phì phèo điếu thuốc, vừa giải thích: “Bây giờ thế này nhé, thứ nhất mình vẫn phải làm việc với huyện để họ tạo điều kiện cho mình. Mình làm cái đơn xin cải tạo sửa chữa lò gạch với lý do nào đấy. Tóm lại là mình vẽ ra xin cải tạo sửa chữa, gọi là ‘làm phép’ thôi chứ ai cũng hiểu hết. Sau khi được xã huyện OK rồi thì trên này [Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội-PV] cũng OK.”
Theo Minh, việc xin chính tắc để có thể xây lò là không thể có.
Để tạo thêm niềm tin cho “nhóm nhà đầu tư”, ông Minh tự hào khoe: “Riêng mảng này tôi đã làm bao năm nay rồi. Cứ hỏi bất cứ chủ lò gạch nào cũng biết hết, chả có ai không biết cả.”.
Vị chuyên viên của Sở Xây dựng Hà Nội cũng bật mí “bí quyết” để chúng tôi có thể thực hiện trót lọt phi vụ dựng lò “ma” là phải dứt khoát khi làm việc với huyện, xã, phải “một đập ăn quan luôn, trọn gói là trọn gói, không có lằng nhằng.”
Về mức giá để “chạy” trên cấp Sở, ông Minh đưa ra con số 250 triệu đồng kèm theo lời “tâm sự”: “Anh em thì cũng không khó khăn gì, chỉ mong các anh chị làm ăn được thì anh em cũng được nhờ. Việc cũng là việc chung.”
Khoản tiền này sẽ được đưa trực tiếp cho ông Minh để vị này “phân bổ” cho hợp lý. Sau này, nếu lò đi vào hoạt động, thì chúng tôi sẽ chỉ phải lo các khoản quà cáp lễ Tết mà thôi.
Kết thúc buổi nói chuyện ngày 2/3, ông Minh thậm chí còn gợi ý chúng tôi nên “chào hỏi” ông Vương Tiến Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội là người phụ trách trực tiếp lĩnh vực này.
Chiều 4/3, ông Minh tiếp tục gọi điện thoại hẹn gặp chúng tôi tại quán café T. để lên gặp “sếp” Trung. Khác với lần gặp gỡ đầu tiên, Minh nhanh chóng vào thẳng vấn đề khi cho hay đã nói với “sếp” về chủ trương và dặn khi gặp, chúng tôi chỉ cần đề đạt nguyện vọng.
“Kể cả anh nói thẳng mọi vấn đề về tiền cũng chả sao. Em với anh Trung là một,” ông Minh nhấn mạnh.
Chúng tôi hỏi tiếp: “Nhỡ anh ấy hỏi giấy phép thì sao?
Ngay lập tức, Minh cười khẩy nói: “Tôi là cái người đã nói giúp rồi thì cứ thế mà làm thôi. Ông ấy nắm được hết rồi,…, chỉ lên là để hai bên biết nhau thôi, tinh thần không có việc gì vướng mắc cả.”
Đoạn, Minh quầy quả giục và đưa phóng viên nhanh chóng lên gặp “sếp” Trung ngay tại phòng làm việc của vị này sâu bên trong trụ sở Sở Xây dựng Hà Nội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Minh hiện đang là chuyên viên bộ phận Thanh tra chuyên ngành số 2 – đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng Hà Nội. Đây là lực lượng chuyên đi thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông, nông nghiệp và nông thôn; chịu trách nhiệm việc thực hiện các quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn Hà Nội.
Câu chuyện với Sở Xây dựng Hà Nội còn tiếp, nhưng trước tiên, xin bạn đọc theo chân chúng tôi trở lại xã Bắc Phú, để gặp các “quan xã”. Mặc dù là những người trực tiếp đứng đầu địa phương, thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, họ khăng khăng phủ nhận sạch trơn sự tồn tại của hệ thống lò vòng trên chính địa bàn mình quản lý.
Bài 3: “Quan xã” Bắc Phú chối bay về hệ thống lò vòng trên địa bàn