ThienNhien.Net – Đầu tháng 2 vừa qua, nhóm chuyên gia Viện Pacific (Mỹ) đã công bố báo cáo “Tác động của hạn hán tại California: Thế hệ Thủy điện 2015”. Báo cáo này đã làm dậy sóng giới chuyên môn khi chứa đựng những thông tin sai lệch có thể gây ra những tác động bất lợi cho các dòng sông và làm chậm quá trình chuyển đổi từ thủy điện sang nguồn năng lượng khác tại California. Bài viết dưới đây của tác giả Gary Wockner, một nhà tư vấn, vận động chính sách về môi trường và hệ sinh thái đã vạch ra những sai lầm của báo cáo, đồng thời cũng là những quan điểm sai lầm phổ biến về thủy điện.
Sai sót thứ nhất của báo cáo là cho rằng thủy điện “rẻ hơn” các nguồn năng lượng khác. Điều này càng củng cố niềm tin của những tư duy phi môi trường vốn coi nhẹ những tác động bất lợi mà đập thủy điện gây ra đối với những con sông, chưa kể những cái giá môi trường không hề nhỏ khác. Báo cáo đã bỏ qua những ảnh hưởng khủng khiếp của thủy điện tới nguồn cá, động thực vật hoang dã và vô số những sinh vật khác sống dựa vào dòng chảy tự nhiên. Nếu báo cáo có tính toán đến chi phí môi trường một cách đầy đủ, chắc chắn cái giá mà những người tiêu thụ năng lượng từ thủy điện đang phải trả sẽ là cực kì lớn.
Thứ hai, báo cáo gây ảo tưởng phi khoa học rằng thủy điện là “nguồn năng lượng sạch”, trong khi điều đó hoàn toàn không đúng. Đập thủy điện cùng hồ chứa phát thải ra methan, loại khí nhà kính có hại gấp 20 lần carbon dioxide. Khí methan phát sinh do quá trình phân hủy cây cỏ trôi dạt khi mực nước hồ chứa lên xuống và khi khu vực đồng bằng bị ngập nước mỗi năm. Methan được phát thải từ bề mặt hồ chứa và cánh tuabin dưới con đập. Trên thực tế, trong môi trường nhiệt đới, thủy điện phát thải ra nhiều khí nhà kính hơn cả các nhà máy nhiệt điện đốt than.
Thứ ba, báo cáo cho rằng thủy điện “ít ô nhiễm” và là nguồn năng lượng “sạch” – tất cả những điều đó đã xóa trắng lịch sử phá hoại của ngành công nghiệp này đối với môi trường và văn hóa của Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Thủy điện ảnh hưởng sâu rộng đến những người dân bản địa, những khu rừng và đa dạng sinh học, thậm chí thúc đẩy sự lây lan của nhiều loại virus nguy hại như Zika trên toàn thế giới.
Hàng nghìn công trình thủy điện đang được đề xuất tại Nam Mĩ, Đông Âu, Châu Á và Châu Phi. Hàng trăm con đập đang được xây dựng và hầu hết đều gây tranh cãi mạnh mẽ với những cuộc biểu tình quy mô lớn.
Các dòng sông trên thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro to lớn từ đập thủy điện. Người dân phải di dời, rừng già bị phá hủy, biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề do gia tăng phát thải. Sông ngòi là mạch máu nuôi sống trái đất, nhưng thủy điện lại đang phá vỡ những mạch máu đó. Thủy điện không hề xanh hay sạch!