ThienNhien.Net – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh có trên 10.610 ha rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình, cộng đồng bị phá, bị lấn chiếm; trong đó, huyện Krông Bông có diện tích lớn nhất với trên 6.866 ha, tiếp đến là huyện Ea Súp 2.095 ha, Buôn Đôn 1.000 ha…
Nguyên nhân khiến rừng giao cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng bị phá, lấn chiếm trái phép là do rừng nghèo kiệt đã qua khai thác trước đây của các công ty lâm nghiệp sau đó trả về cho địa phương. Những khu rừng này người dân không thể hưởng lợi ngay trước mắt trong khi đó các hộ nhận rừng là những hộ nghèo, đời sống khó khăn, trong khi chính sách hưởng lợi cho những người nhận rừng vẫn chưa được điều chỉnh, bổ sung nên không tạo động lực cho người nhận rừng có thể sống bằng nghề rừng.
Do vậy, công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra, kiểm tra, tổ chức sản xuất kinh doanh rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến diện tích rừng sau khi được giao không được người nhận rừng thực hiện. Mặt khác, chu kỳ sản xuất của cây lâm nghiệp dài, lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro, tính cạnh tranh của cây rừng rất thấp so với nhiều cây trồng nông nghiệp khác nên người dân sẵn sàng phá rừng để lấy đất trồng loài cây khác hoặc sang nhượng đất đai trái pháp luật…
Nhằm khắc phục tình trạng này, tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất chấm dứt triển khai mới thí điểm về giao rừng trên địa bàn. Với diện tích rừng còn lại, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung những hạn chế bất cập trong chính sách giao rừng và quyền hưởng lợi của các hộ gia đình, cộng đồng nhận rừng để quản lý bảo vệ.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh cơ chế liên doanh liên kết, hỗ trợ đầu tư với các thành phần kinh tế nhằm hỗ trợ cho người nhận đất, nhận rừng có điều kiện thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và hưởng lợi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao.
Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng để góp phần tạo điều kiện cho người nhận đất, nhận rừng yên tâm đầu tư phát triển rừng…