ThienNhien.Net – Hàng chục lò gạch úp vung, lò vòng… từ nhiều năm nay đã ngang nhiên tồn tại tại nhiều xã của huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bất chấp việc không được cấp phép xây dựng. Những lò gạch “ma” này vẫn ngày đêm xả khói vào môi trường.
Đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về một loạt thủ thuật phù phép để bao che, “bảo kê” cho hệ thống lò “ma” này từ nhiều bên có liên quan. Những cuộc ngã giá trắng trợn giữa chủ lò và những nhân vật có máu mặt, chức quyền; những vụ đổi chác để được cho qua vi phạm,.. đã trở thành câu chuyện diễn ra hàng ngày và hết sức bình thường trong thế giới lò gạch ngầm ấy.
Bài 1: Vào thủ phủ lò gạch “ma” ở Sóc Sơn
Mưa mỗi lúc một mịt mù hơn. Con đường độc đạo chạy vào bãi của chủ lò Đào Văn Thanh (xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn) chốc chốc lại hõm hẳn xuống do ngày thường bị hàng chục xe trọng tải lớn cày ải. Phía trước mặt, những cột khói trắng xóa bị sức nặng của cơn mưa đè xuống, nặng nhọc cuộn lên trời, như báo hiệu đã gần tới thủ phủ lò gạch “ma” ngay giữa lòng Hà Nội.
“Mọi thủ tục, anh lo hết!”
Sau một thời gian dài vào vai một nhóm nhà đầu tư, muốn “rót vốn” để xây hệ thống lò gạch tại huyện Sóc Sơn, chúng tôi đã tiếp cận thành công Thanh, một ông chủ lớn tại xã Bắc Phú. Vào thời điểm trước tháng 1/2016, Thanh vẫn vận hành một cặp lò úp vung theo công nghệ Bách Khoa và rậm rịch xây thêm một lò vòng dã chiến trên diện tích đất gần 5ha.
Ông chủ lò đất Bắc Phú này giải thích, hiện nay đang tồn tại hai loại, một là lò úp vung theo công nghệ Bách khoa và hai là lò vòng dã chiến. Sau thời điểm một loạt lò thủ công bị khai tử, các ông chủ trên địa bàn toàn huyện Sóc Sơn đã nhất loạt chuyển sang lò úp vung với công suất vào/ra khoảng vài chục vạn gạch/mẻ. Tuy nhiên, điểm yếu của lò vung là sau khi nung xong phải đợi từ 5-7 ngày để nguội.
Trong khi đó, hệ thống lò vòng dã chiến mới có thể nâng công suất lên tới 15 vạn gạch/ngày, đồng thời đảm bảo việc sản xuất liên tục, không phải chờ đợi. Vì vậy, mặc dù chi phí xây dựng lò vòng lên tới khoảng 20 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với lò vung, nhưng Thanh vẫn quyết định vung tiền đầu tư để nhanh chóng thu lời.
Cũng theo tiết lộ từ Thanh, toàn bộ cặp lò mới và cũ này này đều được làm “chui” mà hoàn toàn không có giấy phép xây dựng.
Chiều 13/1, dẫn chúng tôi ra bãi đất đang được san lấp để chuẩn bị thi công lò vòng dã chiến, gã chủ lò nhỏ thó đen nhẻm, hồ hởi: “Hiện anh đang cho san gạt để chuẩn bị mặt bằng. Dự kiến chỉ vài hôm nữa sẽ cho khởi công.”
Khi chúng tôi thắc mắc về giấy phép, Thanh cười gọn lỏn: “Làm gì có phép em. Thực ra, để chạy được một giấy phép thì anh em mình phải mất tới 3 năm, qua 27 sở ngành dưới Hà Nội cơ. Nhưng chờ được 3 năm, lại thêm nửa năm mới hoàn thiện lò thì làm sao được.”
Nói đoạn, Thanh chỉ sang cặp lò vung đang phì phò nhả khói ở gần đấy bảo, ngay cả cặp lò Bách khoa ấy cũng là được y cải tạo từ lò thủ công trước đây sau khi mua thêm vung và công nghệ với giá xấp xỉ 800 triệu đồng. Tất cả đều là “làm chui” và không có phép.
“Sau Nghị định của Chính Phủ về xóa bỏ lò gạch thủ công, không ai dám cấp phép cho việc xây lò nữa,” Thanh giải thích thêm.
Ông chủ Thanh cũng cho biết thêm, riêng trên địa bàn Bắc Phú, ngoài hệ thống lò vung, hiện đã có tới 3 lò vòng dã chiến quy mô lớn được dựng nên, và tất cả đều là lò chui.
Tại xã Bắc Sơn, tình trạng lò “ma” thậm chí còn phổ biến hơn.
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã này đã có khoảng hơn 60 cặp lò vung ngang nhiên tồn tại. Nghiêm trọng nhất, tại thôn Lai Sơn, hàng chục lò thi nhau nhả khói đêm ngày. Toàn bộ con đường liên thôn bị cày nát bởi các xe trọng tải lớn chở vật liệu chạy rầm rập. Đứng cách xa cả chục mét, mùi lưu huỳnh, than cháy vẫn nồng nặc xông vào mũi khiến chúng tôi xây xẩm mặt mày. Cả một vùng rộng lớn của Lai Sơn ken đặc những ống khói, vũng, hủm do việc sản xuất gạch nung tạo ra.
Thịnh “cò”, chủ một lò gạch tại thôn Lai Sơn, đồng thời cũng là người môi giới đưa chúng tôi đi tìm mua lại lò khẳng định: “Về giấy phép xây dựng thì chẳng nhà nào có cả, kể cả có xây lò vòng nguyên bản cũng không có. Bây giờ mình cứ làm thôi, chứ xin cũng không được, bảo cấp cũng không dám cấp. Mình cứ làm thôi, ‘màu mè’ cho hết chứ ai dám cấp.”
Thấy chúng tôi tỏ vẻ không tin tưởng, Thịnh “cò” vỗ ngực nói như đinh đóng cột: “Bọn em cứ mua lò, rồi sau đó vào hợp tác xã của anh, mọi vấn đề thủ tục anh lo hết, không phải lo gì.”
Nói đoạn, gã cười hềnh hệch và bắt đầu khoe mánh để các cặp lò “mồ côi” đứng hiên ngang, bất chấp sai phạm.
Xã bật đèn xanh?
Thủng thẳng bập bập điếu thuốc ba số ngoại, Thịnh cho hay: Thực ra việc các lò tồn tại không có giấy phép, chính quyền xã đều biết hết cả, nhưng chẳng qua họ “bật đèn xanh” cho làm mà thôi.
Để tăng thêm niềm tin của chúng tôi, Thịnh khoe: “Nhà anh 5 anh em đều làm lò, riêng anh có 2 lò vung. Hợp tác xã Thống Nhất của anh có tổng cộng 10 vỏ lò. Nếu em mua thì anh cho vào hợp tác xã luôn.”
Theo Thịnh “cò”, sau khi vào hợp tác xã Thống Nhất, mọi thủ tục, giấy tờ để “quan hệ” với các cấp, ngành gã sẽ lo trọn gói cho chúng tôi với giá dao động từ 60-70 triệu đồng.
Thịnh tiết lộ thêm: “Điều quan trọng là phải thông qua xã, xã đồng ý cho mình làm thì cứ thế mà làm.”
Thậm chí, gã còn mạnh dạn cho biết, 70 triệu chi phí trên đã bao gồm cả tiền “chạy” thanh tra xây dựng thành phố mỗi lần họ xuống kiểm tra.
“Em không phải lo, bước vào nhà anh thì em Ok mọi thứ. Anh nói một câu thì em cứ ở, không ai dám động đến, từ xã đến huyện. Có phải một mình làm đâu mà lo,” Thịnh trấn an.
Về các thủ tục liên quan đến vấn đề môi trường, theo Thịnh, nếu cần thì “chạy” thêm giấy quan trắc với giá 7 triệu đồng cho có. Ngay lò của Thịnh cũng không mấy khi vận hành hệ thống xử lý khí thải, “chỉ khi kiểm tra thì mới bật.”
Để làm rõ hơn phương thức phù phép cho những lò gạch “ma” hoạt động, chúng tôi lại tiếp cận với một chủ lò khác tên Nhất tại thôn Trầm Bậu cũng thuộc xã Bắc Sơn. Lò của Nhất khá bề thế, nằm ngay bên đường độc đạo chạy từ nhà văn hóa Lai Sơn lên đê Đầm Khoai. Đây cũng là một trong những lò theo công nghệ Bách Khoa sớm nhất của toàn xã Bắc Sơn, nhưng đến nay vẫn hoạt động mà không hề có giấy phép xây dựng.
Nhấp ngụm trà đặc chát, người đàn ông trung niên vắt chân lên tấm phản kê ngay trước dãy nhà tạm nói: “Ngày trước, tôi thậm chí còn thuê cả người về vẽ bản thiết kế lò, rồi tiến hành quan trắc đủ cả. Nhưng, tận tới nay thì vẫn thiếu giấy phép xây dựng.”
Nói đoạn, ông Nhất vào nhà, mang ra cho chúng tôi xem một tập hồ sơ dày cộp bao gồm các bản thiết kế lò từ năm 2012.
Cũng giống như Thịnh “cò”, ông Nhất liên tục khẳng định: Hiện không ai dám cấp phép cho các lò này hoạt động mà chỉ là “huyện đồng ý thôi.”
Chúng tôi hỏi tiếp: “Bây giờ nếu bọn cháu muốn làm thì cần những thủ tục gì?”
Ông Nhất đáp: “Thì bây giờ phải quan hệ thôi.”
Để dễ hiểu hơn, ông Nhất tiếp tục: “Nếu các cháu làm, ở phần trên [cấp lãnh đạo huyện, thành phố-PV] thì chú không nắm được, còn ở ủy ban xã mình thì cứ các chương trình to bé, các phong trào thì mình là người đứng ra tổ chức đi đầu tiên nên người ta rất tôn trọng, tạo điều kiện giúp đỡ.”
Ngoài các khoản tiền đóng góp cho xã nhân dịp ngày 27/7, 22/12, ông Nhất lưu ý thêm khoản tiền lễ Tết khoảng 10 triệu đồng cho cả xã và huyện hàng năm.
Theo vị chủ lò tại Bắc Sơn này, nếu tính mỗi tháng, cặp lò vòng cho lãi được 100 triệu, sau khi trừ đi tất cả chi phí thì số tiền “lót tay” chiếm chưa đến 10%. Giá trọn gói để “quan hệ” cả năm cũng dao động ở mức 60-70 triệu đồng như Thịnh “cò” đưa ra trước đó.
Để “che chắn” các lò không phép, thậm chí, theo ông Nhất, mỗi khi có đợt kiểm tra, xã đều đánh động trước, trừ những trường hợp quá đột ngột và bất ngờ.
Thậm chí, trong mỗi lần có đoàn kiểm tra, một nhóm các chủ lò máu mặt tại Bắc Sơn đã tập hợp nhau lại, góp tiền của để… chuẩn bị. Những người không chịu tham gia bị ông Nhất gọi là “thành phần thiếu ý thức, cố tình không đóng, khi mình tổ chức quan hệ mà không quan hệ.” Đối với nhóm này, ông Nhất cho hay, đã gọi điện lên cấp… huyện “đề các ông ấy phạt thế nào thì phạt.”
Nói đến đây, ông không quên dẫn chứng trường hợp chủ lò tên C. đã bị phạt số tiền 25 triệu đồng, mà theo ông lý do chính là do “không chịu quan hệ.”
“Xã họ bật đèn xanh rồi thì anh em cứ bảo nhau mà làm thôi,” ông Nhất chốt lại.
Quay trở lại xã Bắc Phú, nơi hệ thống lò vòng dã chiến mới đang dần mọc lên, câu chuyện về những mánh khóe để dựng được lò “ma” cũng tương tự.
Thanh, chủ thứ ba đang xây dựng lò vòng thẳng thắn mách nước, nếu muốn làm lò, trước hết phải “đặt vấn đề với Chủ tịch xã, nếu ông xã lo được trên huyện thì tốt, còn không thì mình tự lo.”
Thậm chí, Thanh còn khoe rằng lò của mình có cổ phần của “thằng bạn chí cốt đang làm bí thư xã(?)”.
Chưa hết choáng váng với lời kể của các chủ lò có máu mặt, chúng tôi đã ngay lập tức “chết đứng” vì những bí mật động trời liên quan đến đường dây “bảo kê”quy mô lớn cho hệ thống lò gạch “ma” này. Từ việc lập các biên bản xử phạt… cho có đến nhận hối lộ để làm lơ vi phạm… một loạt mảng tối dần lộ diện với nhiều nhân vật cỡ bự.
Bài 2: Thanh tra Sở “tính công” trăm triệu để bảo kê công trình tiền tỷ