Kỳ 2: Phớt lờ quy định của tỉnh
ThienNhien.Net – Mặc dù UBND tỉnh đã có Quyết định 288, các đơn vị của huyện như Hạt Kiểm lâm, Công ty TNHH MTV LN Quảng Đức đã nêu rõ không xác định được thời điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng của người dân, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Krông Nô vẫn chỉ đạo Đoàn Kiểm tra thực hiện Chỉ thị 12 của huyện lập biên bản kiểm tra về việc lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái luật để xử lý vi phạm và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp.
Theo Quyết định số 05/2010/QĐ- UBND ngày 23/2/2010 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành quy định hướng dẫn cụ thể một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông quy định: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn sống chính từ sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng mà thời điểm sử dụng trước ngày 1/7/2004 nhưng không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 197/2004/NĐ CP và Điều 44, Điều 45 và Điều 46 của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ tiền bằng 50% giá đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tại thời điểm có quyết định phê duyệt phương án.
Tại Khoản 2, Điều 6: “Nhà, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp trước ngày 1/7/2004, khi xây dụng chưa có quy hoạch sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ bằng 80% giá trị nhà theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 24 của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP”.
Thế nhưng, tại biên bản ngày 15/10/2014 do Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Krông Nô, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô, Công ty TNHH MTV LN Quảng Đức và Tập đoàn Đức Long-Gia Lai cùng tham gia kiểm tra, xác minh thì Hạt Kiểm lâm huyện và Công ty TNHH MTV LN Quảng Đức đều khẳng định “không xác định được thời gian người dân xâm canh là năm nào” mà chỉ nêu chung chung.
Cụ thể như: Hạt Kiểm lâm huyện xác nhận khu vực khảo sát lập dự án chủ yếu là đất xâm canh trồng cây công nghiệp và cây nông nghiệp, thời điểm bị phá và xâm canh “từ lâu”, do đó số liệu thống kê liên quan đến việc lập biên bản và xử lý đối với diện tích trên là chưa đầy đủ. Còn ý kiến của Công ty TNHH MTV LN Quảng Đức nêu rõ khu vực kiểm tra không có rừng tự nhiên mà chủ yếu là diện tích các hộ dân phá rừng và đang xâm canh trồng cây công nghiệp và cây nông nghiệp. Diện tích các hộ dân phá rừng xâm canh diễn ra từ nhiều năm trước và rải rác qua từng năm, do đó số liệu về diện tích rừng bị phá, thời điểm bị phá chưa được thống kê đầy đủ.
Mặc dù UBND tỉnh đã có Quyết định 288, các đơn vị của huyện như Hạt Kiểm lâm, Công ty TNHH MTV LN Quảng Đức đã nêu rõ không xác định được thời điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng của người dân, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Krông Nô vẫn chỉ đạo Đoàn Kiểm tra thực hiện Chỉ thị 12 của huyện lập biên bản kiểm tra về việc lấn chiếm, sử dụng đất lâm nghiệp trái luật để xử lý vi phạm và thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp.
Điều đáng nói ở đây là người dân khẳng định họ khai phá sử dụng đất trước năm 2004 thì UBND huyện Krông Nô lại ghi thời điểm lấn chiếm, phá rừng trái pháp luật của người dân từ năm 2006 đến 2009. Dư luận đang đặt câu hỏi liệu việc UBND huyện Krông Nô cho lập biên bản kiểm tra hộ nào cũng ghi lấn chiếm, phá rừng từ 2006-2009 có phải nhằm mục đích thực hiện việc thu hồi đất của người dân mà doanh nghiệp không phải thực hiện đền bù cho dân?
Bất bình trước sự việc mập mờ của chính quyền huyện xã và Tập đoàn Đức Long Gia Lai, ông Hoàng Thế Hoàn đã làm đơn kiến nghị đòi quyền lợi cho gia đình và các hộ khác. Thế nhưng, thay vì đối thoại, có phương án đền bù thỏa đáng cho người dân thì UBND huyện Krông Nô lại có công văn yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Quảng Phú tổ chức kiểm điểm tư cách đảng viên của ông Hoàng Thế Hoàn vì không chấp hành chủ trương của huyện và xã. Trước bức xúc của người dân, ông Hoàn đã viết đơn xin nghỉ không làm Xã đội trưởng nữa.
Theo ông Huỳnh Long Quốc-Trưởng Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Krông Nô, đất mà các hộ dân này đang canh tác sử dụng là đất lấn chiếm, đất phá rừng mà có. Nhưng sau khi thu hồi giao cho Dự án bò sữa thì huyện đã hết quỹ đất sắp xếp cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Nông khẳng định: Dự án nuôi bò của Tập đoàn Đức Long-Gia Lai hiện mới đang làm thủ tục thu hồi đất, đền bù cho người dân, còn Dự án chưa được triển khai. Còn ông Đỗ Thanh-Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long-Gia Lai cho biết: “Phía Công ty chỉ căn cứ vào các văn bản pháp lý mà UBND huyện Krông Nô và UBND tỉnh Đắk Nông để triển khai Dự án. Còn việc đền bù cho người dân như thế nào, giá bao nhiêu thì do UBND tỉnh Đắk Nông quy định. Công tác tái định canh định cư cho người dân sau khi thu hồi đất làm Dự án là việc của chính quyền địa phương, phía Công ty không có trách nhiệm!”.
Có thể nói, việc các cơ quan chức năng huyện Krông Nô không căn cứ các quyết định của UBND tỉnh Đắk Nông để tiến hành đền bù thỏa đáng, gây thiệt thòi cho dân.