ThienNhien.Net – Các nhà bảo tồn, nhà khoa học cũng như chính trị gia đã và đang bắt đầu nhận thức được rằng sẽ không thể quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên nếu coi nó như một thực thể tách biệt với con người. Dấu chân con người gần như có ở khắp mọi nơi trên trái đất, vì vậy để có một phương trình cân bằng, yếu tố con người cần được tính đến trong các kế hoạch quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đáp án thỏa mãn bài toán này chính là du lịch sinh thái, mô hình đang được nhân rộng trong những năm gần đây.
Một mô hình du lịch sinh thái tích cực mang tới cho mọi người cơ hội khám phá những vùng đất nguyên sơ nhất của tự nhiên, thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã và cải thiện đời sống người dân địa phương. Ngược lại, nếu thực hiện không tốt, du lịch sinh thái sẽ đem một lượng lớn khách du lịch tới những khu vực hoang dã quan trọng, tàn phá thiên nhiên và làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những người dân địa phương nghèo khó. Do vậy, phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.
Mới đây, Tiến sĩ Adam Barnett (Đại học Deakin, Australia), Giám đốc Sáng kiến Đại dương IQ, Quản lý dự án du lịch sinh thái của Save Our Seas Foundation và đồng nghiệp đã xây dựng bộ Hướng dẫn thực hành tốt mô hình du lịch sinh thái cho các nước đang phát triển – dựa trên những kinh nghiệm từ mô hình du lịch thăm quan san hô và cá mập. Trong Hướng dẫn này, Barnett xác định ba trụ cột chính cần thiết cho du lịch sinh thái bền vững là văn hóa xã hội, môi trường sinh thái và lợi ích kinh tế.
Về khía cạnh văn hóa xã hội, các dự án du lịch và hoạt động liên quan cần nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương. Yếu tố này phải được xem xét trước khi tiến hành bất cứ hành động nào, vì nếu không có sự ủng hộ của người dân, mọi hoạt động đều không mang lại hiệu quả. Việc áp dụng các ý tưởng và thực tế ở xã hội phương Tây vào các nước đang phát triển khá khó khăn và cần tiến hành một cách thận trọng. Do vậy, cần nghiên cứu đầy đủ, sâu rộng về văn hóa và các chuẩn mực địa phương trước khi cố gắng áp dụng văn hóa của các nước phát triển vào các quốc gia đang phát triển.
Chẳng hạn, ở một số nước đang phát triển, câu/bắt cá bị cấm ở một số khu vực được người dân coi là thiêng liêng; còn theo xã hội phương Tây câu cá chỉ là một hoạt động giải trí phổ biến. Hành động du khách Tây câu cá ở nơi mà người dân cho là thiêng liêng là hành động khiếm nhã. Hiểu về quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên thiên nhiên để tránh các xung đột cũng là một yếu tố quan trọng. Ngoài ra, để người dân địa phương thích nghi với du lịch, vốn kéo theo một loạt các chuẩn mực văn hóa và xã hội mới mà người dân có thể phản đối, thì điều cần làm là lắng nghe người dân và giúp họ trở thành người cung cấp các dịch vụ cho hoạt động du lịch này.
Thứ hai là yếu tố môi trường, một vấn đề chỉ được giải quyết khi người dân địa phương đã đồng thuận, tham gia vào kế hoạch xây dựng mô hình du lịch. Việc xây dựng các kế hoạch quản lý tài nguyên tại chỗ, đồng thời thu thập kiến thức cần thiết về sinh học và hệ sinh thái là vô cùng cần thiết. Yêu cầu cơ bản của du lịch sinh thái là phải có một sản phẩm cung cấp liên tục để thu hút khách du lịch, chẳng hạn như hoạt động câu cá. Điều này có nghĩa là phải duy trì một số lượng cá khỏe mạnh nhất định, đồng thời bảo tồn môi trường sống cho chúng. Để làm được như vậy cần có các nghiên cứu chi tiết nhằm nâng cao kiến thức cơ bản về các nguồn tài nguyên có thể sử dụng và cách quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này. Lấy ví dụ từ mô hình du lịch săn cá mập thì những thông tin cần thu thập sẽ là tỷ lệ cá bị đánh bắt, cách xử lý sau khi đánh bắt, quy cách phóng sinh/tái thả, chất lượng quần thể cá còn lại…
Ngoài ra, khi phát triển một mô hình du lịch sinh thái, một điều hết sức quan trọng là người dân địa phương phải được tham gia hỗ trợ và hưởng lợi từ nó. Như vậy, người dân sẽ có lý do để chấp hành các quy định bảo tồn và duy trì các hệ sinh thái. Hơn nữa, nếu du lịch sinh thái có thể thúc đẩy, duy trì các lợi ích lâu dài cho người dân thì các tư tưởng về xung đột lợi ích, nguyên nhân chính của các hành động phá hoại, sẽ không còn hiện hữu.
Cuối cùng, chỉ nên tính đến đến lợi ích kinh tế khi hai yếu tố văn hóa xã hội và môi trường sinh thái được đảm bảo. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, một kế hoạch kinh doanh du lịch sinh thái thường được triển khai trước khi có các bước chuẩn bị cần thiết và với mục đích chính là tạo ra thu nhập càng nhanh càng tốt. Điều này gây nhiều tác động bất lợi tới hệ sinh thái và các loài bị đe dọa. Nếu được thực hiện đúng cách, du lịch sinh thái sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho các quốc gia đang phát triển. Và để đạt được điều này cần tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia càng nhiều vào hoạt động kinh doanh du lịch càng tốt, cung cấp cho họ các lựa chọn việc làm như hướng dẫn viên, nhân viên chăm sóc động vật và tạo cơ hội học tập cho những người chưa đáp ứng được những yêu cầu cần thiết. Nếu không trực tiếp làm việc cho các doanh nghiệp du lịch, người dân cũng có thể bán các loại hàng hóa và các dịch vụ địa phương cho du khách thăm quan.
Mặc dù vậy, phát triển kinh tế thường kèm theo những hệ lụy không thể tránh khỏi. Để giảm thiểu những tác động này, quyền tiếp cận lợi ích cần được đàm phán rõ ràng, xây dựng các quy ước về văn hóa xã hội và thiết lập các biện pháp bảo vệ môi trường.
Du lịch sinh thái sẽ thành công nếu ba trụ cột của phát triển bền vững nói trên được đảm bảo. Chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh trong suốt quá trình hoạt động, vận hành một mô hình du lịch sinh thái. Điều quan trọng là phải vận dụng linh hoạt các biện pháp theo từng địa phương và từng giai đoạn. Các mô hình du lịch sinh thái nên có các cơ chế ứng phó trong ngắn hạn cũng như xây dựng năng lực cho dài hạn. Làm được tất cả những điều này, du lịch sinh thái sẽ mang lại lợi ích cho cả khách du lịch, người dân địa phương và cả môi trường sinh thái.