MT&ĐS – Trong số tất cả những lý do vì sao nên ăn uống lành mạnh, có một lý do phụ thuộc vào trách nhiệm của mỗi người: quy trình sản xuất những thực phẩm như hoa quả tươi và rau củ thường phát thải ít khí nhà kính hơn so với những thực phẩm như thịt đỏ. Theo một nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí BMC Public Health, đánh thuế carbon đối với thực phẩm có mức phát thải nhà kính cao có thể thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh, đồng thời giảm mức phát thải trong hệ thống thực phẩm.
Các nhà nghiên cứu Anh Quốc đã nhập dữ liệu về khí nhà kính có liên quan tới các loại thực phẩm, giá thành, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Anh, và ảnh hưởng của thói quen ăn uống lành mạnh đối với tỉ lệ tử vong vào một mô hình trên máy tính nhằm dự báo ảnh hưởng của thuế carbon đối với những thực phẩm có mức phát thải cao hơn mức trung bình. Mô hình đồng thời cũng xác định ảnh hưởng từ việc tăng 20% thuế đối với các loại nước ngọt. Hai loại thuế này đều đã được đề xuất tại Anh và một số nơi khác, trong đó nhiều quốc gia đã triển khai thuế cho nước giải khát.
Kết quả cho thấy, thuế carbon sẽ khiến người dân giảm mua thịt bò, thịt cừu và các loại thịt khác, thay vào đó, thịt gà, thịt lợn, và các loại thực phẩm làm từ hạt sẽ được tiêu thụ nhiều hơn. Thay đổi hành vi như trên sẽ giúp tăng thêm 3 tỷ Bảng cho ngân sách Chính phủ Anh.
Tuy nhiên, loại thuế này có thể sẽ là gánh nặng đối với những người có thu nhập thấp. Do đó, các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra ảnh hưởng của các khoản trợ cấp đối với các loại thực phẩm có mức phát thải thấp, được thiết kế nhằm cân bằng thu nhập cho chính phủ. Mô hình tính toán cho thấy, nếu áp dụng cả thuế carbon và các trợ cấp, người dân sẽ mua nhiều hoa quả tươi, khoai tây thay cho kem, phô mai, trứng.
Một vài nghiên cứu trước đây đã cho thấy việc sử dụng các thực phẩm phát thải ít cũng có ích hơn cho sức khỏe, chủ yếu là giảm thịt và ăn nhiều rau củ quả. Tuy nhiên, một vài thực phẩm lại không thuộc xu hướng này, chẳng hạn như đường có lượng phát thải carbon thấp nhưng lại không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cũng thử tính toán ảnh hưởng của việc kết hợp thuế carbon và thuế nước giải khát. Kết quả, thuế nước ngọt có đường có thể đóng góp cho ngân sách quốc gia tới 400 triệu Bảng.
Tất cả những kịch bản được các nhà nghiên cứu đưa ra đều cho thấy các chính sách có thể giúp giảm tiêu thụ chất béo, chất béo bão hòa, cholesterol và tăng cường tiêu thụ chất sơ. Kết hợp cả 3 chính sách – thuế carbon, trợ cấp và thuế nước giải khát – sẽ mang lại lợi ích sức khỏe lớn nhất, có thể ngăn chặn 2023 ca từ vong hàng năm, chủ yếu là do bệnh về tim mạch và ung thư. Đồng thời, phần lớn các kịch bản cho kết quả giảm phát thải khí nhà kính xuống khoảng 16,5 triệu tấn CO2 nếu kết hợp cả 3 chính sách hoặc 18,9 triệu tấn nếu chỉ tính riêng thuế carbon, tương đương 7,4 – 8,5% lượng phát thải carbon có liên quan tới thực phẩm tại Anh.
Những loại thuế trên có thể là biện pháp hữu ích, tuy chưa phải giải pháp hoàn hảo. Mặc dù nước ngọt từ đường bị đánh thuế, lượng tiêu thụ đường từ các loại bánh ngọt vẫn sẽ tăng. Các nhà nghiên cứu cũng dự đoán lượng muối tiệu thụ cũng sẽ trở thành mối quan ngại không hề nhỏ.