Càng hội nhập, càng cần bảo vệ rừng

ThienNhien.Net – Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, rừng còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa môi trường sinh thái và vai trò này không thể thay thế bởi bất cứ chủ thể nào khác. Do đó, càng hội nhập, càng cần chú ý bảo vệ rừng.

Tại sao lại nhấn mạnh vai trò của rừng trong bối cảnh hội nhập? Hai câu chuyện tưởng như xa xôi bởi nhắc đến hội nhập dễ thường sẽ liên tưởng đến các hoạt động thương mại, phát triển kinh tế, còn rừng là một chủ thể độc lập, tồn tại tất yếu trong bất cứ bối cảnh, giai đoạn lịch sử nào. Tuy nhiên, trên thực tế, rừng là thành phần cốt lõi của kinh tế lâm nghiệp – một trong những ngành kinh tế đón đợi nhiều cơ hội và thách thức từ việc ký kết các hiệp định thương mại (FTAs) như TPP hay Hiệp định FLEGT nên chủ thể đặc biệt này tất yếu chịu tác động từ xu thế hội nhập.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Có thể nói việc Việt Nam gia nhập TPP hay chuẩn bị ký kết Hiệp định FLEGT mang lại lợi ích nhiều hơn, giúp chúng ta thoát dần cách làm ăn nhỏ từ trước đến nay và làm quen với việc tuân thủ luật lệ, đó là luật về nguồn gốc xuất xứ và sự tham gia của các thành phần kinh tế vào việc thực hiện các hiệp ước, hiệp định. Tuy nhiên, điểm thuận lợi này cũng chính là thách thức lớn nhất bởi việc chuyển từ làm ăn nhỏ sang làm ăn lớn không hề dễ, đặc biệt là với ngành lâm nghiệp – một trong những ngành chưa thực sự nhạy bén với hội nhập, với cạnh tranh, cho dù đã có nhiều nỗ lực.

Có ý kiến cho rằng tác động của hội nhập tới ngành lâm nghiệp chủ yếu liên quan đến gỗ và thị trường gỗ. Tuy nhiên, hội nhập sẽ không chỉ thúc đẩy các hoạt động khai thác lợi ích, giá trị tài nguyên thiên nhiên mang lại mà còn tạo cơ hội cho các chương trình bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cụ thể ở đây là nguồn tài nguyên rừng quý giá. Tại sao? Bởi giá trị kinh tế của rừng trong việc cung cấp gỗ và các lâm sản ngoài gỗ có thể được thay thế dần bằng nhiều nguồn nguyên vật liệu khác nhưng giá trị thứ hai quan trọng hơn nhiều – giá trị điều hòa môi trường sinh thái thì không thể được thay thế bằng bất cứ thứ gì. Chỉ có rừng và cây xanh mới giúp hấp thụ CO2 trong không khí, . Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhân loại đang nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu (REDD+). Do đó, nói đến hội nhập, cần phải hài hòa hai mặt, một là việc hướng đến giá trị gia tăng các sản phẩm rừng, mặt khác cần đặc biệt chú ý bảo vệ rừng không chỉ là bảo vệ tài nguyên mà còn bảo vệ môi trường sống, môi trường phát triển, tăng các giá trị sinh thái, văn hoá, trên quy mô toàn xã hội.

Một số ý kiến lo ngại vế thứ hai chỉ đúng trên lý thuyết bởi hội nhập sẽ cơ bản tác động tới mục tiêu cũng như quy hoạch phát triển các loại rừng kinh tế, rừng sản xuất theo hướng mở rộng hơn, cạnh tranh cao hơn và điều này vô hình trung có thể ảnh hưởng ít nhiều đến các diện tích rừng được bảo vệ còn lại. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ đúng quy định. Thêm nữa, công tác quy hoạch các loại rừng cũng sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo cân bằng yếu tố kinh tế – môi trường, trong đó rừng sản xuất có thể vừa giúp hấp thụ CO2, chống gió bão, hạn hán chứ không chỉ phục vụ mục đích lấy lâm sản.

GS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng

Nguồn: