ThienNhien.Net – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 hộ đồng bào các dân tộc thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung ở các huyện Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Púk, Krông Năng, Cư M’gar.
Phần lớn các hộ thiếu nước sinh hoạt đều sử dụng giếng đào, nước suối, sống ở vùng khan hiếm về nguồn nước. Một số giếng khoan, công trình cấp nước tập trung cũng đã cạn kiệt do mực nước ngầm xuống thấp.
Thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất là huyện Buôn Đôn với gần 1.000 hộ, thuộc các xã (Tân Hòa, Ewen, Ea Nuôl, Krông Na).
Nhằm có nước sinh hoạt, người dân trong vùng phải đi xa hàng km để tìm kiếm nguồn nước suối, một số hộ dân phải mua nước đóng bình với giá đắt đỏ.
Ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn cho biết: Trước mắt, huyện đã lên kế hoạch khảo sát, xây dựng 7 giếng khoan tại các xã bị khô hạn nặng, tìm kiếm nguồn nước cho người dân sinh hoạt, đồng thời chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân sử dụng nước tiết kiệm, chia sẻ nguồn nước để duy trì trong mùa khô hạn.
Tương tự, tại huyện Cư M’gar do mạch nước ngầm giảm mạnh khiến giếng đào của hơn 400 hộ dân các xã vùng sâu Ea Kuêh, Quảng Hiệp khô kiệt. Thiếu nguồn nước khiến việc sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.
Tại các điểm trường Ea M’droh, Ea Kuêh, các thầy cô giáo phải đi xin nước ở các hộ dân xung quanh cho học sinh sinh hoạt.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng khô hạn, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương sử dụng nước tiết kiệm; kiểm tra, tu bổ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu dân cư; nạo vét giếng đào, vận động người dân có giếng khoan chia sẻ nguồn nước đối với những hộ gia đình sử dụng nguồn giếng đào bị khô kiệt.
Đối với địa bàn các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa bị hạn nặng, các địa phương cần chủ động cấp nước bổ sung vận chuyển bằng xe bồn đến các điểm sinh hoạt tập trung để hỗ trợ người dân.