ThienNhien,Net – Chiều 1-3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm TP, UBND Q. Sơn Trà đã đi kiểm tra thực tế hiện trường tại Tiểu khu 62, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà- nơi đã xảy ra vụ xâm hại rừng nghiêm trọng trong một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm không hề hay biết.
Chặt cây, mở đường như “xé” rừng!
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, khu vực rừng bị tàn phá thuộc Tiểu khu 62, 64, rừng Sơn Trà được Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn bàn giao cho UBND P. Thọ Quang (Q. Sơn Trà), bên nhận khoán là các hộ ông Nguyễn Văn Tâm, ông Lê Việt Hồng, ông Hoàng Văn Mạnh và ông Đỗ Văn Hởi. Sau đó, ông Tâm làm hợp đồng ủy quyền sử dụng phần đất rừng giao khoán của mình cho các ông Hồng, Mạnh, Hởi. Sau khi phát hiện ông Lê Việt Hồng huy động nhân công phá rừng, làm đường, dựng lán trái phép tại đây, ngày 25-2, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường xử lý đồng thời yêu cầu ông Hồng dừng việc cải tạo, tháo dỡ lán trại đồng thời có phương án trồng thay thế diện tích rừng đã bị xâm hại.
Từ con đường bê-tông dẫn vào một khu du lịch nằm ở mé Bắc của bán đảo Sơn Trà, xuôi về phía tay trái là một con đường mòn rộng do các hộ nhận giao khoán rừng tự mở bằng việc chặt hết cây cối nguyên sinh ở đây. Hai bên đường, cây chết nằm la liệt do bị đốn hạ. Điều mà đoàn kiểm tra lấy làm lạ là lối dẫn vào Tiểu khu 62 bắt đầu từ một con đường du lịch, các đối tượng nhận giao khoán rừng hoạt động hàng ngày, có lán trại, đồ nấu ăn, ống dẫn nước nhưng kiểm lâm địa bàn cũng như chính quyền địa phương không hề hay biết. Ngạc nhiên hơn, sau cuộc kiểm tra vào ngày 25-2, Sở NN&PTNT TP đã yêu cầu các đối tượng tháo dỡ lán trại, giữ nguyên hiện trạng để chờ cơ quan chức năng xác minh, xử lý trách nhiệm nhưng cho đến chiều 1-3, rất nhiều cây mít, xoài lại được trồng mới dọc đường đi. Ngay phía cuối con đường, lán trại vẫn chưa được tháo dỡ hoàn toàn, vòi nước dùng cho sinh hoạt vẫn chảy, nồi niêu và nhiều dụng cụ sinh hoạt khác vẫn y nguyên trong lán.
Khi bị Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết truy trách nhiệm thì đại diện Chi cục Kiểm lâm cho rằng lỗi phần lớn là do Hạt Kiểm lâm Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn và chính quyền P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà thiếu sâu sát nên mới dẫn đến tình trạng phá rừng trong thời gian dài. Trong khi đó, ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND P. Thọ Quang, lại cho rằng, chính quyền nhận một phần trách nhiệm nhưng vụ việc xảy ra không thể không nhắc đến vai trò của Hạt Kiểm lâm. Đại diện Hạt Kiểm lâm Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn lại giải thích là đất rừng đã được giao cho UBND P. Thọ Quang nên việc kiểm tra, quản lý không được thường xuyên.
Khi được lực lượng chức năng hỏi về hiện trạng rừng tại khu vực này, ông Lê Việt Hồng cho biết đã trồng 7.000 cây sưa và 300 cây mít. Còn vì sao lại có rất nhiều cây xoài và cây mít mới được trồng thêm trên con đường tự mở này thì ông Hồng giải thích là “trồng thay thế”. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, trồng rừng thay thế phải có phương án cụ thể, được cơ quan chức năng phê duyệt chứ không phải muốn trồng cây gì là trồng.
Phớt lờ lệnh dừng!
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Nguyễn Phú Ban cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc, đích thân ông đã tới hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý. “Nhưng đáng tiếc là sau 5 ngày, vụ việc vẫn còn tiếp diễn. Không thể chấp nhận được”, ông Ban nói. Giám đốc Sở NN&PTNT cũng cho hay, ngoài việc tăng cường lực lượng để quản lý rừng, ngay trong tuần này, Sở cũng sẽ làm việc với UBND Q. Sơn Trà để xử lý rốt ráo vụ việc, đặc biệt là phân công trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm để bảo vệ, quản lý rừng hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết khẳng định, để xảy ra vụ việc xâm hại nghiêm trọng đến Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thì trách nhiệm trước hết không phải của ai khác ngoài Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn và UBND P. Thọ Quang. Trong đó, với đất rừng đã được giao khoán cho người dân trên địa bàn mà phường không quản lý được việc làm của các hộ nhận khoán là thiếu tinh thần trách nhiệm. “Hàng năm, thành phố cân đối ngân sách, chi tiền để quản lý và bảo vệ rừng rồi, để xảy ra như rứa mà không biết nữa thì nói chi. Quản lý quá hời hợt”, ông Phùng Tấn Viết đánh giá về sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của phường mà đứng đầu là Chủ tịch Võ Đình Công. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhấn mạnh, sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh kỹ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng này.
11 việc cần làm ngay
Ngay sau khi đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, cuối giờ chiều ngày 1-3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và những người được giao khoán trồng rừng trong khu vực bị xâm hại.
Sau khi nghe ý kiến của các bên, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết, kết luận: Khu vực rừng bị phá không phải là rừng đặc dụng, diện tích bị phát khoảng 8,7ha nằm trong các Tiểu khu 62 và 63 đã được giao khoán cho hộ dân quản lý, chăm sóc từ năm 1998 đến nay, hiện đang nằm trong khu vực quy hoạch Khu du lịch sinh thái Bãi Bắc. Nguyên nhân của việc để xảy ra sai phạm là do buông lỏng công tác quản lý.
Để xử lý vụ việc này, ông Phùng Tấn Viết đề nghị các ngành chức năng và địa phương phải tập trung thực hiện 11 đầu việc: Yêu cầu Sở NN&PTNT, kiểm lâm phối hợp chính quyền Q. Sơn Trà và P. Thọ Quang giữ nguyên hiện trạng, quản lý chặt, không để phát sinh thêm vi phạm; phối hợp chỉ đạo các chủ trồng rừng phải thu dọn tất cả trang thiết bị, vật dụng xây dựng trái phép ra khỏi khu vực, chậm nhất là 16 giờ ngày 2-3-2016; xây dựng kế hoạch hoàn trả lại rừng tại các khu vực bị xâm hại; xác định số liệu thiệt hại cụ thể, xác định rõ vi phạm của từng cơ quan, cá nhân và đề xuất xử lý các hình thức kỷ luật nghiêm túc, đúng pháp luật, không loại trừ bất cứ trường hợp nào; yêu cầu Sở NN&PTNT và Q. Sơn Trà công bố lại quy hoạch rừng để những người trồng rừng biết được khu vực nào là rừng đặc dụng, khu vực nào nằm trong dự án đã quy hoạch, không được trồng mới, không được vi phạm; đề nghị Sở NN&PTNT và Q. Sơn Trà phối hợp chỉ đạo sớm bàn giao thực tế đất rừng một cách chi tiết, cụ thể đối với từng dự án, chậm nhất đến hết quý I-2016 phải hoàn thành việc bàn giao; chỉ đạo thu dọn thực bì đã phát dọn và chuyển ra khỏi rừng, không để xảy ra cháy rừng; giao cho Sở NN&PTNT và Q. Sơn Trà tổng hợp, báo cáo cụ thể, chi tiết số lượng thiệt hại, thực trạng vi phạm và đề xuất các hình thức xử lý theo từng cấp và báo cáo cho lãnh đạo thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết khẳng định quan điểm: Có vi phạm thì phải xử lý, không để sót người, sai đến đâu phải khắc phục, sửa chữa đến đó để quản lý tốt hơn.
Con trai Hạt phó Kiểm lâm có liên quan
Ông Trần Văn Lương – Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Trần Văn Thanh – Hạt trưởng, ông Lê Phước Bảy – Hạt phó và 3 cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn để kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, Chi cục đã điều động 4 cán bộ về phụ trách Hạt để sớm ổn định tình hình, tổ chức hoạt động của đơn vị. Về thông tin ông Lê Minh Quân, con trai ông Lê Phước Bảy, Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn, có liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Phú Ban xác nhận là có thật và cho biết đang tiếp tục xác minh, làm rõ mức độ vi phạm. |