ThienNhien.Net – Đại diện Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết công tác bảo vệ bò tót nói riêng và động vật hoang dã nói chung tại đây đang gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vụ một con bò tót nặng khoảng 200 kg nghi bị những kẻ săn bắt trái phép bắn chết rồi xẻ thịt xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, sáng 29-2, ông Nguyễn Hoàng Hảo (Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) cho biết đến 20 giờ ngày 28-2, các cơ quan chức năng đã hoàn thành việc khám nghiệm hiện trường, lấy mẫu vật để tiến hành điều tra làm rõ sự việc. Các cơ quan chức năng cũng đang tiến hành khoanh vùng một số đối tượng nghi vấn có liên quan đến vụ việc.
Ngày 28-2, đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai gồm công an, VKS, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thú y và đại diện các cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Cửu đã hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm xác chết và hiện tiến hành điều tra vụ con bò tót nghi bị bắn chết tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy phần thân và chân của bò tót đã bị kẻ gian lóc lấy hết thịt. Chỉ còn lại phần đầu và nội tạng đang trong tình trạng phân hủy. Theo ông Hảo, đây là con bò tót khoảng hai tuổi, nặng khoảng 200 kg. Con bò tót này đi ăn cùng đàn khoảng 10 con đã bị những kẻ săn bắt trái phép bắn chết, sau đó xẻo hết thịt.
Trước đó, khoảng 7 giờ 30 ngày 28-2, lực lượng kiểm lâm thuộc Trạm Kiểm lâm Suối Vạn đi tuần tra thì phát hiện con bò tót chết tại bãi đất thuộc khoảnh 4, tiểu khu 105, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (thuộc ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Bò tót thuộc nhóm 1B – loài nguy cấp quý hiếm cần được bảo vệ. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo ông Hảo, đàn bò tót ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phát triển rất tốt. Trong khi môi trường sống hẹp nên đàn bò phải ra gần khu vực người dân sinh sống để kiếm thức ăn. Hiện vẫn còn khoảng 2.000 hộ dân cư đang sống xen kẽ giữa rừng. Dự án di dời những hộ dân này ra khỏi rừng có từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa di dời được hộ nào. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí. Những người dân này không có đất sản xuất và hoàn toàn sống phụ thuộc vào rừng. Trong năm 2015 đã có 180 vụ xâm hại rừng.
Bò tót ở khu bảo tồn đang bị đe dọa nghiêm trọng
Theo ông Hảo, quần thể bò tót ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nói riêng và ở Đồng Nai nói chung được đánh giá là phát triển tốt nhất Việt Nam, tuy nhiên hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Để bảo vệ nghiêm ngặt đàn bò tót nói riêng và quần thể động vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nói chung, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường biện pháp bảo vệ như tăng cường công tác kiểm tra. Cụ thể ban ngày thì đi tuần tra còn ban đêm thì mai phục ở những nơi có động vật sinh sống để bảo vệ. Ngoài ra còn có đội cơ động chốt chặn tại các tuyến đường để kiểm soát xe cộ, người ra vào rừng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai còn thành lập ban chỉ đạo bảo vệ rừng do phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban. Hằng năm, ban này mở từ ba đến bốn đợt truy quét để bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, công cuộc bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng săn bắt ngày càng hoạt động rất tinh vi, có tổ chức nên rất khó xử lý. Chẳng hạn như việc săn bắt được chia thành nhiều công đoạn khác nhau như thường có một lực lượng mang súng vào rừng rồi để lại luôn trong rừng để săn bắt thú. Khi bắt được con thú nào sẽ thui lông và ướp phoóc môn rồi chôn xuống đất. Sau đó, những người này đi tay không về nên lực lượng chức năng không thể xử lý được. Tiếp đó, có một lực lượng khác sẽ vào rừng đào những vị trí đã được đánh dấu trước để lấy và mang toàn bộ động vật đã bị săn bắt ra khỏi rừng. Trong quá trình ra khỏi rừng nếu gặp kiểm lâm thì những đối tượng này ngay lập tức phi tang bằng chứng nên cơ quan chức năng cũng không thể xử lý được.
Khi động vật săn bắt được mang ra khỏi rừng thì tập trung tại một “đầu nậu”. Tại đây, “đầu nậu” sẽ mổ thịt một con heo sống để lấy máu tươi bôi lên thịt của động vật rừng rồi bỏ vào tủ đông và đem đi bỏ mối cho các nhà hàng. Do vậy những sản phẩm từ thịt rừng rất độc hại, ăn thịt rừng chẳng khác nào tiêm thuốc độc vào người. Thế nhưng thực tế này không phải nhiều người biết được. Theo ông Hảo, muốn bảo vệ động vật hoang dã thì cần tuyên truyền để người dân hiểu, không tiêu thụ những sản phẩm này.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra làm rõ.