Sẽ có khoảng hơn 2.000 hộ dân nằm ngoài bãi sông phải di dời

ThienNhien.Net – Theo Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ có khoảng hơn 2.000 hộ dân tại các khu dân cư tập trung nằm ngoài bãi sông tại Hà Nội và Phú Thọ cần di dời.

Rất nhiều hộ dân phía hữu sông Hồng (đoạn Hà Nội) sẽ phải di dời trong quy hoạch hành lang thoát lũ (Ảnh: Chí Cường/giadinh.net.vn)
Rất nhiều hộ dân phía hữu sông Hồng (đoạn Hà Nội) sẽ phải di dời trong quy hoạch hành lang thoát lũ (Ảnh: Chí Cường/giadinh.net.vn)

Quy hoạch cũ đã lỗi thời

Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do Bộ NN-PTNT lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, tại Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg. Đây là một quy hoạch toàn diện, trong đó đề xuất được các tiêu chuẩn phòng chống lũ cho hệ thống.

Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay đã có nhiều thay đổi về điều kiện khí hậu, thủy văn, yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội trên lưu vực. Vì vậy, cần thiết phải rà soát lại quy hoạch để đáp ứng các vấn đề mới nảy sinh.

Cụ thể, tại Nghị định 04/2011/NĐ-CP, Chính phủ bãi bỏ các khu phân chậm lũ đã làm giảm dung tích cắt lũ, chậm lũ của hệ thống, tạo ra những rủi ro cho hệ thống đê vùng hạ du.

Nhiều công trình thủy điện trên lưu vực thuộc địa phận Trung Quốc đã được xây dựng trên cả 3 tuyến chính sông Đà, sông Thao, sông Lô không có đầy đủ thông số, quy trình vận hành, đặc biệt là thông tin về xả lũ ảnh hưởng đến công tác phòng chống lũ của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Việc thay đổi dòng chảy và biến đổi lòng dẫn các sông hạ du đã làm tăng tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng sang các sông ở khu vực hạ lưu sông Thái Bình, gây áp lực lớn lên hệ thống đê ở khu vực này.

Hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La từ khi đưa vào vận hành cắt lũ đã phát huy tác dụng rõ rệt. Tuy nhiên, các cửa sông lại có xu thế bồi lấp. Trước những nguyên do trên, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 257/2016/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thay thế Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2007. Đây là cơ sở để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Sau quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, hầu hết quy hoạch phòng, chống lũ của các địa phương đều đề xuất sử dụng bãi sông cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, xây dựng công trình nhà ở.

Tổng hợp nhu cầu sử dụng bãi sông của các địa phương, tính toán cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê, do làm gia tăng lớn mực nước lũ trên các tuyến sông.

Trên các bãi sông đã tồn tại các làng xóm lâu đời, nhiều khu dân cư tập trung đông đúc, việc di dời một bộ phận dân cư theo quy hoạch phòng chống lũ của các địa phương trong thời gian qua chưa thực hiện được, ảnh hưởng đời sống của người dân ngoài bãi sông.

Vì vậy, việc xác định giải pháp để ổn định hoặc di dời các khu dân cư ở các vùng ngoài đê là một yêu cầu cấp thiết.

Sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn TP Hà Nội (Ảnh minh họa)
Sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn TP Hà Nội (Ảnh minh họa)

Một số giải pháp mới

Các giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, bao gồm: Điều tiết lũ tại các hồ chứa thượng lưu; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; củng cố và nâng cấp hệ thống đê điều; cải tạo lòng dẫn tăng khả năng thoát lũ; thực hiện phân lũ, chậm lũ; tràn qua các đường tràn cứu hộ và có giải pháp bảo đảm an toàn đê trong trường hợp tràn toàn tuyến; tổ chức hộ đê và cứu hộ đê điều.

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của quy hoạch đó là vấn đề quản lý, sử dụng bãi sông tại khu vực dân cư tập trung hiện có nằm ngoài bãi sông. Theo đó, phải rà soát, di dời đối với những khu vực đang bị sạt lở, trong phạm vi bảo vệ đê điều, vi phạm pháp luật về đê điều;

Một số khu vực dân cư nằm ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn, phải xây dựng kế hoạch từng bước di dời với tổng số hộ cần di dời khoảng 2.023 hộ tại các khu dân cư Thạch Đồng (Phú Thọ); Võng La – Hải Bối, Đông Ngạc – Nhật Tảo, Bắc Cầu, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh, Ngọc Thụy, Bồ Đề, Bát Tràng (Hà Nội).

Các khu vực còn lại kiến nghị cho phép tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Bộ NN-PTNT xây dựng nguyên tắc cụ thể về sử dụng bãi sông. Có thể được phép nghiên cứu lập dự án cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới tại một số khu vực bãi sông, nơi có chiều rộng từ chân đê đến mép bờ của sông lớn hơn 500m, dòng chảy tương ứng với lũ thiết kế nhỏ hơn 0,2 m/s, với diện tích xây dựng không vượt quá 5% diện tích bãi sông.

Quy hoạch cũng cho phép sử dụng 2 bãi sông thuộc khu vực đô thị trung tâm thành phố Hà Nội (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội) để xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, với diện tích xây dựng mới không vượt quá 15% diện tích bãi sông (bãi Tàm Xá – Xuân Canh và Long Biên – Cự Khối).

Nguồn: