ThienNhien.Net – Mặc dù đề án bảo vệ môi trường chưa được phê duyệt nhưng cơ sở nhuộm màn tuyn của ông Đặng Đức Đãm (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, Hải Dương) vẫn hoạt động công khai và xả thải gây ô nhiễm môi trường. Quá bức xúc, người dân địa phương đã kiến nghị sự việc đến cơ quan chức năng nhưng đến nay tình hình không mấy cải thiện.
Theo phản ánh của người dân tại thôn Tè và thôn La Đôi (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách), từ ngày cơ sở nhuộm màn tuyn của ông Đặng Đức Đãm đi vào hoạt động thì môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Bà Nguyễn Thị Kinh (thôn Tè) bức xúc cho biết: “Hầu như ngày nào cơ sở nhuộm này cũng nhả khói đen và tỏa ra mùi khét lẹt. Nhà tôi cách xưởng vài mét nên hôm nào trở trời, làn khói đen ấy tạt thẳng vào nhà, bốc mùi nồng nặc. Ai ở nhà cũng khó chịu, buồn nôn”.
Một người dân cho biết, ngoài việc thải khói khét, cơ sở này còn xả trộm nước thải ra kênh mương chung dẫn nước tới cánh đồng thôn Tè và thôn La Đôi làm ảnh hưởng đến chất lượng hoa màu của người dân. Bà Nguyễn Thị Tuyết, đại diện một trong những gia đình có ruộng canh tác cận kề cơ sở nhuộm cho biết: “Nước thải có màu đen, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mới đây, dù đã chăm sóc rất kỹ lưỡng nhưng những ruộng mạ của gia đình tôi và nhiều hộ xung quanh không thể phát triển được, cây nào cũng héo rồi chết dần. Bể chứa nước thải của cơ sở thì bị lún, nứt khiến nước thải tràn ra cả rãnh nước xung quanh. Chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng ông Đãm vẫn không khắc phục. Chính quyền địa phương thì không thấy xử lý”.
Trao đổi với phóng viên về những phản ánh trên, ông Nguyễn Tiến Hoan – Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Sách cho biết, sự việc nhân dân phản ánh là có thật. Hiện tượng khói thải phát sinh ra từ khu vực lò đốt để cung cấp nhiệt cho việc giặt, tẩy hoặc nhuộm. Khoảng tháng 1, tháng 2 năm 2015, cơ sở này dùng củi làm nguyên liệu đốt nên gây ra khói. Nhưng sau đó, cơ sở đã khắc phục bằng cách sử dụng nguyên liệu đốt là than đá và khói thải được xử lý bằng công nghệ xyclon có sục nước.
Trong quá trình hoạt động, vào tháng 4/2015, bể chứa nước thải bị lún đáy gây rạn nứt, làm tràn nước thải ra mương nước phía Đông. Đến tháng 6/2015, UBND xã Hợp Tiến và Phòng TN&MT huyện Nam Sách đã tiến hành lập biên bản, thu giữ ống nước khi nhiều lần phát hiện cơ sở bơm nước thải ra mương nước bên ngoài. Tại thời điểm này, hệ thống xử lý nước thải của cơ sở chưa hoàn thiện.
Để khắc phục tình trạng trên, cơ sở này tạm thời đào thêm 2 ao lớn trong khuôn viên để đựng nước thải từ hoạt động tẩy, nhuộm màn tuyn. Cùng với đó, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách yêu cầu đến ngày 10/7/2015, cơ sở này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng hết công suất hệ thống xử lý nước thải; đến hết tháng 8/2015, cơ sở phải xử lý xong nước thải chứa tại 2 ao nói trên, tiến hành san lấp 2 ao; đồng thời phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
“Hộ ông Đãm đã nộp hồ sơ thẩm định, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết gửi Sở TN&MT Hải Dương, tuy nhiên chưa nhận được kết quả phê duyệt”, ông Hoan nói.
Một chuyên gia về môi trường cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì tất cả các dự án chỉ được vận hành sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Đây cũng là quan điểm của ông Hoan khi ông này khẳng định: “Cơ sở nhuộm của ông Đãm hoạt động như vậy chưa đúng quy định của pháp luật về bảo vệ vệ sinh môi trường”.
Vậy thì tại sao hơn 1 năm nay, cơ sở nhuộm này “hoạt động chưa đúng quy định của pháp luật” mà vẫn chưa lần nào bị xử phạt và tạm đình chỉ hoạt động? Liệu trong câu chuyện này có sự thiếu kiên quyết hoặc làm ngơ của cơ quan quản lý về môi trường và chính quyền địa phương?
Liên quan đến sự việc xả trộm nước thải nêu trên, theo những tài liệu được cung cấp thì vào tháng 6/2015, ông Đặng Đức Đãm – Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Hưng Thịnh đã ký quyết định về việc xử lý vi phạm vận hành và xả nước thải đối với 2 nhân viên của mình là ông Nguyễn Văn Đãng và ông Nguyễn Văn Dũng. UBND huyện Nam Sách cho hộ kinh doanh cá thể ông Đặng Đức Đãm thuê hơn 19.000m2 đất từ năm 2014 với thời hạn là 25 năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Hoan thì cho hay, hộ kinh doanh cá thể của ông Đặng Đức Đãm được UBND huyện Nam Sách cho thuê hơn 19.000m2 đất từ năm 2014, với thời hạn là 25 năm. Vậy cơ sở nhuộm gây ô nhiễm này hoạt động dưới hình thức “hộ kinh doanh cá thể” hay “công ty cổ phần”?