ThienNhien.Net – Những ngày qua, hạn hán đang tiếp tục diễn ra khốc liệt trên nhiều vùng của cả nước, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Các cấp chính quyền, cùng người dân đang gồng mình chống hạn. Trong cơn khát, người ta càng hiểu nước quý như vàng. Và rồi nhiều vấn đề đã và đang đặt ra trong việc bảo vệ tài nguyên nước, khoáng sản nói riêng, tài nguyên nói chung, khi đó đây vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên.
Bảo vệ tài nguyên là một vấn đề lớn. Người ta có thể dẫn ra nào tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên xã hội, nào tài nguyên tái tạo, tài nguyên không tái tạo, những tài nguyên nước, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên năng lượng, tài nguyên khí hậu cảnh quan, di sản văn hóa kiến trúc, tri thức khoa học và thông tin. Lĩnh vực nào cũng có chuyện để bàn, cần phải bảo vệ. Riêng tài nguyên thiên nhiên, có thể nói đất nước ta từng được coi là “rừng vàng, biển bạc”, tài nguyên mọi mặt vô cùng phong phú. Tuy nhiên, cùng với thời gian, sự khai thác còn thiếu tầm nhìn xa, quản lý không chặt đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho hiện tại và tương lai.
Cho đến nay, với yêu cầu của một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hệ thống pháp luật nhìn chung đã được xây dựng khá đồng bộ, đầy đủ. Việc bảo vệ tài nguyên đều đã được pháp luật bảo hộ, điều chỉnh như Luật Đất đai, Luật Biển, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước.v.v..Các vấn đề từ quy hoạch, khai thác, sử dụng…đều đã được quy định rõ. Tuy nhiên, do những hoàn cảnh, điều kiện khách quan, chủ quan mà không ít lĩnh vực, không ít nơi pháp luật đã không được tôn trọng. Tình trạng phá rào, lách luật, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật vẫn diễn ra. Và rồi hậu quả cuối cùng cả người vi phạm cùng người dân vô tội đều phải gánh chung.
Hậu quả từ việc không bảo vệ tài nguyên đã quá rõ ràng. Hệ lụy của việc phá rừng, khai thác khoáng sản, làm thủy điện bừa bãi gây ra hạn hán, lũ lụt đã là chuyện cụ thể đương nhiên. Cũng từ tác nhân gây ra sự biến đổi khí hậu, hệ lụy lâu dài đến nay người ta dần dà cũng thấu. Hạn hán ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên nhiều năm qua diễn ra đã là cái sự bình thường với người dân, nhưng như hạn hán năm nay, đã là sự báo trước với sự kéo dài của hiện tượng El Nino. 23.000 ha lúa đông- xuân của ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận đã dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều gia đình. Nhiều diện tích cà phê, hoa màu của đồng bào ở Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ đang cháy héo vì khô hạn. Chưa nói đến sản xuất, không ít nơi, người dân đang lâm vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng…
Từ việc hạn hán, thiếu nước, vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước cũng đang cấp thiết đặt ra. Với việc đầu tư giếng khoan, sử dụng nước ngầm bơm tưới tràn lan, tự phát như hiện nay cũng đã lãng phí rất lớn nguồn nước ngầm. Nguồn nước ngầm ở miền Trung, Tây Nguyên đã sụt giảm nhiều. Những năm tới đây, nếu với biến đổi khí hậu, hạn hán tiếp tục gay gắt, nước ngầm cạn kiệt thì người dân sẽ sinh hoạt, sản xuất ra sao? Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và mặt trái cũng đã và đang hủy hoại tài nguyên nước.Với 3.450 con sông, gần 1.000 tỷ m3 nước mặt; gần 3.000 hồ chứa nước thủy điện, thủy lợi chứa trên 65 tỷ m3 nước, nước ta có một khối tài nguyên nước vô cùng lớn, nhưng liệu còn bao nhiêu % nước đủ tiêu chuẩn, đủ sạch, đủ dùng để đảm bảo cho con người sinh hoạt, sản xuất; cung cấp cho vật nuôi, cây trồng phát triển, sinh sôi đúng với tự nhiên? Nếu chúng ta không có kế hoạch bảo vệ, quản lý sử dụng đảm bảo bền vững, chẳng kể đến những vùng nắng hạn, việc thiếu nước sẽ diễn ra ngay ở vùng nước tưởng như mênh mông xung quanh mình.
Cùng với tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản lâu nay cũng luôn được cảnh báo, báo động với việc quản lý, khai thác bừa bãi. Không ít mỏ vàng, mỏ sắt, đất hiếm bị khai thác trái phép, thậm chí không phép. Tình trạng lâm tặc, vàng tặc, thiếc tặc, cát tặc…vẫn rất nan giải. Bộ đội Biên phòng TP.Hồ Chí Minh từng đã phải nổ súng để vây bắt ghe hút cát và xà lan chở cát. Công an Hà Nội liên tục phát hiện, bắt giữ hàng trăm vụ khai thác cát trái phép thu giữ hàng trăm phương tiện, hàng ngàn m3 cát…Tuy nhiên, tình trạng cát tặc vẫn phức tạp. Nhiều nơi người dân đã phải cắt phiên nhau canh giữ, dùng đá, gậy gộc đuổi cát tặc. Vấn nạn cát tặc gây hậu quả rất lớn. Không chỉ tình trạng sạt lở làm mất đất đai, nhà cửa của dân mà còn ảnh hưởng đến hệ thống đê kè, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến cả môi trường sinh thái, nhiều làng mạc, thành phố trong tương lai.
Những nỗi lo, dự báo, yêu cầu, pháp luật đều đã có đủ. Luật Bảo vệ môi trường ra đời từ năm 2005, có hiệu lực từ 1/7/2006. Tuy nhiên, có không ít công dân, cơ quan, doanh nghiệp thiếu quan tâm, không chấp hành đúng quy định của Luật. Từ năm 1996 Luật Khoáng sản đã ra đời, năm 2010 Luật Khoáng sản mới tiếp tục ban hành quy định rõ về quy hoạch, khai thác, cấp phép, bảo vệ. Cũng từ năm 1998, Luật Tài nguyên nước đã ra đời, năm 2012 Luật Tài nguyên nước mới tiếp tục được ban hành. Mọi vấn đề từ quy hoạch, khai thác sử dụng đã được quy định rõ.Vậy nhưng việc duy trì pháp luật, hoạt động khai thác theo pháp luật rõ ràng chưa nghiêm.
Về chống hạn, Chính phủ đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, và như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trăn trở, không chỉ giải quyết trước mắt mà phải hướng tới lâu dài. Còn như việc chống vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản nói chung, cát tặc nói riêng, như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân rất quan tâm đến việc tìm nguyên nhân, xử lý tận gốc. Đúng là những vấn đề diễn ra hàng ngày, vấn đề dù trước mắt như vậy nhưng cũng cần phải có tầm nhìn xa, để việc giải quyết triệt để, rốt ráo. Càng yêu cầu tầm nhìn xa hơn cho công cuộc phát triển đất nước một cách bền vững như vấn đề bảo vệ tài nguyên phải được triển khai một cách bài bản, có hệ thống, từ kế hoạch cho đến việc làm cụ thể. Và đặc biệt khi mọi vấn đề đã được luật hóa thì các cơ quan chức năng cũng sớm triển khai thực thi và mọi cơ quan, đơn vị, người dân phải tuân thủ nghiêm pháp luật.