ThienNhien.Net – Hiện không có cơ quan nào giám sát thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, chính quyền lúng túng khi được giao quyền điều hành xả nước.
Từ đầu tháng 2 đến nay, dù chưa tới mùa khô mà tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn đã trở nên gay gắt. Nhiều năm qua, việc tranh chấp nguồn nước giữa 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện trên bậc thang hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn vẫn chưa có hồi kết.
Tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nhằm giải quyết sự căng thẳng trong việc tranh chấp nguồn nước. Tuy nhiên, một số thủy điện không thực hiện nghiêm quy trình này, khiến lượng nước về hạ du không ổn định, độ mặn xâm nhập sâu.
Cố tình không thực hiện theo Quy trình
Từ đầu tháng 2 đến nay, Nhà máy nước Đà Nẵng phải bơm nước từ trạm bơm dự phòng, chi phí vận hành đội lên vài tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam phải đầu tư 1,3 tỷ đồng để đắp đập bổi ngăn mặn cho các trạm bơm Tứ Câu, Vĩnh Điện.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng: thủy điện Đăk My 4 không xả nước trả lại cho dòng cho sông Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 9/2015. Ông Hoàng Thanh Hòa đề nghị thủy điện Đăk My 4 trả nước về sông Vu Gia theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa.
“Thứ nhất là việc xả nước về hạ du của thủy điện Đăk My4 qua cống xả sâu sai quy trình. Từ tháng 12 đến nay, gần như tháng nào cũng sai đến 20 ngày. Toàn xả dưới 3m3/s, trong khi đó camera giám sát cũng chưa được các thủy điện lắp đặt, xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố đề nghị các thủy điện lắp đặt để chúng tôi thực hiện giám sát này” – ông Hoàng Thanh Hòa nói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp buộc Thủy điện Đăk My 4 tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa, công khai tín hiệu, báo cáo vận hành đúng quy định. Đây cũng là nội dung kiến nghị của Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam.
Mặt khác, đại diện ngành chức năng 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng cũng đề nghị Thủy điện Đăk My4 phải lắp đặt camera để giám sát việc vận hành, truyền tín hiệu thông tin về các cơ quan chức năng để theo dõi giám sát việc thực hiện quy trình vận hành của các bên liên quan. Quy định này ghi rõ trong Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nhưng đến nay Đắk My4 vẫn cố tình không thực hiện.
Điều đáng lưu ý là Quy trình vận hành liên hồ chứa cũng quy định rất rõ, khi mực nước ở trạm thủy văn Ái Nghĩa xuống mức nào thì Thủy điện Đăk My 4 buộc phải xả với lưu lượng tương ứng. Quy trình là vậy, nhưng việc thực hiện có nghiêm túc hay không thì cũng chưa có ai giám sát, kết luận. Vì thế, ông Nguyễn Hữu Ba, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng mới đặt nghi vấn, vì sao trong mấy ngày Đoàn công tác của Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra thì lượng nước về hạ du sông Vu Gia dồi dào, nước sinh hoạt hết nhiễm mặn?
Ông Nguyễn Hữu Ba cho biết: “Đọc báo cáo của Đăk My4 tôi thấy Đăk My 4 vẫn xả về hạ du qua cống xả sâu là 3m3/s về hạ du. Với lượng nước xả như vậy tại sao trước đây vẫn nhiễm mặn kéo dài? Còn mấy ngày vừa rồi khi có đoàn kiểm tra vô kiểm tra thì lượng nước về quá nhiều. Khi có quy trình vận hành liên hồ chứa rồi, tôi đề nghị các cấp các ngành làm thế nào để duy trì lượng xả về hạ du đều đặn”.
Trong khi thành phố Đà Nẵng yêu cầu các Thủy điện Đăk My 4, Sông Bung 4 phải xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, thì tỉnh Quảng Nam lại đề nghị tích nước để giữ nguồn nước cho sản xuất hè thu. Các chủ hồ thủy điện lúng túng trong công tác điều hành.
Tranh cãi nảy lửa vẫn chưa đến hồi kết
Ông Nguyễn Sơn, Phó Giám Công ty Thủy điện Sông Bung 4 cho biết, thời gian qua, thủy điện Sông Bung 4 đã gồng mình xả nước đẩy mặn theo yêu cầu của chính quyền thành phố Đà Nẵng. Trong lúc đó, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam lại không thống nhất trong công tác điều hành.
Theo ông Nguyễn Sơn: “Một bên cấp trên bảo là phải tích lại để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cho thời gian mùa kiệt hơn vào tháng 5, tháng 6; một bên là Sở – đơn vị trực tiếp bảo phải xả 42m3/s đối với thủy điện Sông Bung 4. Nhà máy thì vận hành theo thị trường, chúng tôi còn phải chịu sự điều động của hệ thống là phải phát lúc nào. Một phần nước không đủ về để tích lên cao trình 222,5m theo yêu cầu của tỉnh. Một mặt khác chúng tôi phải xả để đảm bảo cho sử dụng ở hạ lưu nên không đảm bảo đủ nước”.
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Thực tế cho biết, các bên liên quan chưa tuân thủ nghiêm quy trình này, công tác chống hạn còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các Nhà thủy điện cũng không ít trở ngại. Ông Lê Hữu Thuần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đề nghị các địa phương thông cảm, chia sẻ khó khăn về nguồn nước trước bối cảnh tác động mạnh của biến đổi khí hậu, lượng mưa ít.
Ông Lê Hữu Thuần đề nghị: “Đăk My trong thời gian tới sẽ phải vận hành xả nước về sông Vu Gia từ khoảng 3 đến 12,5m3/s. Còn đối với Sông Bung 4, căn cứ mực nước trên trạm thủy văn Ái Nghĩa phải xả nước ít nhất 12 giờ một ngày, phải trên 40m3/s. Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 thì lượng nước về bao nhiêu đề nghị các xả về hạ du bấy nhiêu. Khuyến cáo chuyển tải các thông tin qua camera theo đúng các quy định của quy trình vận hành”.
Những tưởng sau nhiều tranh cãi nảy lửa, những mâu thuẫn trong việc tranh chấp nguồn nước ở hạ du Vu Gia – Thu Bồn sẽ được giải quyết sau khi có Quy trình vận hành liên hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 9 năm ngoái. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, Quy trình này đã bộc lộ những điều bất ổn.
Thực tế hiện nay không có cơ quan nào giám sát việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa; không có chế tài xử phạt nếu các chủ thủy điện không chấp hành nghiêm các quy định. Thậm chí, khi kiểm tra phát hiện các thủy điện có sai phạm thì Cục Quản lý tài nguyên nước cũng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở. Chính quyền địa phương ngày càng lúng túng khi được giao quyền điều hành xả nước.
Xem ra cuộc chiến giành nước ở các tỉnh miền Trung chưa có hồi kết, vùng hạ du chưa biết đến bao giờ mới hết khát.