ThienNhien.Net – 41 nhiếp ảnh gia đã thắng giải ảnh báo chí thế giới lớn nhất trong năm (World Press Photo) vừa được công bố tại Amsterdam, Hà Lan (lễ trao giải vào tháng 4.2016). Làn sóng tị nạn, ô nhiễm môi trường, các cuộc chiến tranh, xung đột ở các điểm nóng trên thế giới đã được phản ánh sâu sắc qua các hình ảnh thắng giải ở ảnh đơn và ảnh bộ.
Cuộc thi đã nhận được 82.951 ảnh dự thi của 5.775 nhiếp ảnh gia từ 128 quốc gia và ban giám khảo đã trao giải cho 41 tay máy từ 21 nước ở 8 thể loại.
Không có gì lạ khi bức ảnh “Hy vọng cho một cuộc sống mới” (Hope for a new life) của nhiếp ảnh gia Warren Richardson (Australia) được chọn là bức ảnh báo chí của năm 2015 (World Press Photo of the Year 2015, giành được giải nhất “Điểm tin” – Spot News) diễn tả người tị nạn băng qua biên giới từ Serbia vào Hungary đêm 28.8.2015, với hình ảnh người đàn ông đưa đứa bé qua hàng rào an ninh vừa được hoàn tất ở biên giới vào Hungary. Làn sóng di cư sang các nước Châu Âu tị nạn chính là điểm nóng nhất của thế giới năm qua. Richardson đã phải ăn chực nằm chờ cùng những người tị nạn hàng tuần lễ và sự tưởng thưởng cho anh là xứng đáng.
Bức ảnh “Hy vọng cho một cuộc sống mới” được các thành viên giám khảo ca ngợi hết lời vì tính biểu tượng của nó, vì bố cục cổ điển, vì cảm xúc mạnh mẽ của nhân vật ông bố trong ảnh đã ám ảnh người xem.
Làn sóng người di cư xin tị nạn cũng xuất hiện ở bộ ảnh thắng giải nhì các vấn đề đương đại (Contemporary Issue) của Francesco Zizola (Italia) mang tên “Trên cùng một con thuyền” với 500 người di cư từ Libya tới Italia trên 1 con thuyền gỗ, thể hiện sự mong manh giữa cái sống và cái chết, nỗi khát khao về một miền đất hứa (ảnh). Bao cảm xúc lẫn lộn mang tính con người được diễn tả sâu sắc. Bộ ảnh giải nhất Cuộc sống hàng ngày mang tựa “Tường thuật về khủng hoảng người tị nạn ở Châu Âu” của Sergey Poromarev (Nga) cũng cùng chủ đề, chụp những người tị nạn đến bằng thuyền gần làng Skala trên Lesbos, Hy Lạp.
Paul Hansen (Thụy Điển) từng đoạt giải Bức ảnh báo chí của năm 2 năm trước đây, lần này giành giải nhì ảnh đơn thể loại Tin tức chung (General News) chụp những người di cư đi qua Châu Âu để tránh các cuộc biểu tình ở Hy Lạp.
Giải nhì ảnh đơn Vấn đề đương đại thuộc về nữ tác giả Mỹ Adriane Ohanesian với bức ảnh có tên gọi “Dãy núi bị lãng quên ở Sudan” với nhân vật là Adam Abdel, 7 tuổi, đã bị bỏng nặng sau khi một quả bom được thả xuống bằng một chiếc máy bay của chính phủ Sudan bên cạnh nhà của mình ở Burgu, Trung Darfur, Sudan.
Các vấn đề đương đại, giải nhất ảnh bộ dành cho “Talibes, nô lệ hiện đại ngày nay” của Mario Cruz (Bồ Đào Nha) chụp về số phận khắc nghiệt của “Talibes” – những cậu bé sống ở trường học Hồi giáo Daaras ở Senegal buộc phải đi ăn xin trên đường phố, bị chính những người bảo vệ tôn giáo của họ lấy đi thu nhập hàng ngày. Họ thường sống trong nghèo khổ, bị lạm dụng và bị đánh đập.
Vấn nạn môi trường ở Trung Quốc được thể hiện trong bức ảnh của Zhang Lei (Trung Quốc) giải nhất Vấn đề đương đại, với góc nhìn toàn cảnh từ trên cao của thành phố Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc bao phủ trong sương mù.
Và đặc biệt là tác phẩm giải nhất ảnh đơn Cuộc sống hàng ngày (Daily Life) của Kevin Frayer (Canada) chớp được hình ảnh một người đàn ông Trung Quốc kéo xe ba bánh tại một khu phố bên cạnh một nhà máy điện chạy bằng than ở Sơn Tây, Trung Quốc. Việc phụ thuộc vào đốt than lấy năng lượng đã làm cho Trung Quốc là nguồn gốc của gần 1/3 tổng số lượng carbon dioxide trên thế giới và các chất gây ô nhiễm độc hại mà các nhà khoa học và môi trường chỉ ra là nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu…
Các bức ảnh thắng giải ở các thể loại khác xoay quanh vấn đề hậu chiến, môi trường, giáo dục… Các nữ tác giả xuất hiện ngày một nhiều, ảnh đen trắng đang trở lại mạnh mẽ là điều đáng lưu tâm.
Một điều thú vị là sau vài ba năm, các bức ảnh đoạt giải báo chí thế giới mang tính ẩn dụ, tính thẩm mỹ, thậm chí cả yếu tố ý niệm cao hơn (do giám khảo có thành phần là nhà phê bình nghệ thuật và curator – giám tuyển) thì năm nay với 18 thành viên giám khảo đều là các biên tập viên, chủ các tập đoàn báo chí, thông tấn uy tín, ảnh báo chí đã trở lại đúng chất tài liệu, phản ánh hiện thực mạnh mẽ của nó.