ThienNhien.Net – Vườn Quốc gia Bạch Mã níu kéo bước chân du khách không chỉ vì vẻ đẹp hoang sơ mà chính là kho báu đa dạng sinh học. Vì thế, nơi đây luôn nằm trong tầm ngắm của “lâm tặc”
Thành lập năm 1991 nhưng mãi đến năm 2008, Vườn Quốc gia Bạch Mã mới được mở rộng diện tích vùng lõi lên 37.487 ha. Bạch Mã nằm lọt giữa một bên là tỉnh Quảng Nam, một bên là tỉnh Thừa Thiên – Huế, với khoảng 60.000 dân thuộc 4 cộng đồng dân tộc Kinh, Katu, Vân Kiều, Mường. Đời sống vốn rất khó khăn là lý do khiến không ít người dân trong vùng từng phải mưu sinh bằng việc nhắm vào khai thác gỗ, săn bắn thú rừng.
Cướp lại gỗ bị thu giữ
Trước ngày chúng tôi đến, kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã đã bắt quả tang Đoàn Kim Quốc (ngụ tỉnh Quảng Nam) và Hồ Văn Nghiếu (ngụ tỉnh Thừa Thiên – Huế) vận chuyển trái phép một số lượng lớn gỗ lim và gỗ kiền. Không chỉ bị tịch thu lâm sản, Quốc còn bị phạt 12 triệu đồng và Nghiếu bị phạt 3 triệu đồng về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.
Công an huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tiếp nhận từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bạch Mã để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự vụ 4 đối tượng khai thác một cây gỗ chò 11,720 m3 và vụ 2 đối tượng sử dụng súng để săn bắn động vật hoang dã. TAND huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên – Huế) cũng đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Quân (ngụ huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế) 25 triệu đồng và 12 tháng tù treo do xẻ cây gỗ đào trên 14 m3 trong rừng Bạch Mã.
Những kiểm lâm viên ở đây cho biết lợi dụng địa hình Bạch Mã nhiều khe suối nên “lâm tặc” ở đây hoạt động rất liều lĩnh, gây ra nhiều vụ khai thác trái phép để chiếm đoạt các loại gỗ quý như kiền kiền, lim, gõ, đào, chò… Sau khi đốn hạ cây, chúng xẻ thành phách, kết bè thả theo dòng suối rồi dùng xe máy tự chế để chở gỗ về điểm tập kết. Gặp lực lượng kiểm lâm tuần tra, các đối tượng bỏ bè, lẩn trốn vào rừng rồi tìm cách tấn công lại để cướp gỗ.
Nhật ký bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã ghi nhận trong năm 2015, nơi đây tổ chức 179 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng, thụ lý và xử lý 63 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 1 vụ chuyển hồ sơ để truy cứu trách nhiệm hình sự 6 đối tượng. Vài thông tin như thế để thấy đại ngàn Bạch Mã không hề yên tĩnh như chúng tôi thấy, cũng để hiểu vì sao một trong những việc mà Vườn Quốc gia Bạch Mã phải nỗ lực không ngừng là hỗ trợ kế sinh nhai cho dân cư vùng đệm. Bây giờ, rất nhiều người dân từng dựa vào rừng để mưu sinh thì nay thông qua các chương trình giữ rừng đã trở thành những người giữ rừng cho dù có lúc thậm chí phải đổ máu.
Bên chén trà bốc khói giữa ngàn ngàn mây phủ trên đỉnh Bạch Mã, một kiểm lâm viên kể cuối năm 2014, nhóm 16 người dân của tỉnh Quảng Nam tuần tra 3 tiểu khu rừng của vườn mà họ nhận quản lý. Đang lúc chuẩn bị bữa cơm tối thì “lâm tặc” ập đến, dùng rựa kề cổ khống chế, trói 4 người. Ông Pơ Loong Nai bị treo ngược lên cây, chém dao, rựa vào mặt; một người nữa là ông Cơ Lâu Crơi cũng bị trói treo lên cây rồi chịu một trận đòn gậy. Dù 6 phụ nữ trong nhóm quỳ lạy, van xin nhưng các nạn nhân vẫn bị hành hung cho đến bất tỉnh.
Đêm, chúng tôi ngủ lại trên một đỉnh cao và đẹp nhất của non ngàn Bạch Mã. TS Huỳnh Văn Kéo phóng xe máy đến thăm. Anh hiền lành và thô mộc, không như suy nghĩ ban đầu của chúng tôi về vị giám đốc của ban quản lý đại ngàn Bạch Mã này. Anh Kéo và nhiều kiểm lâm viên nữa đã có hàng chục năm gắn với Bạch Mã, có thể nhớ tường tận từng góc rừng, vách đá.
Với kiểm lâm Bạch Mã, mỗi lần tuần tra rừng là ít cũng phải mất 4-5 ngày để vượt hàng chục km đèo dốc, suối sâu với ba lô nặng trĩu trên vai; đấy là chưa kể phải đương đầu với thú dữ, muỗi vắt và rắn độc. Trong chuyện kể của họ luôn có những đêm thâu ẩn mình trong bụi rậm hay mép suối, giữa sương lạnh ngắt, những trận mưa ướt đẫm người trong cơn đau do côn trùng cắn.
Nguy hiểm nhất là khi đối mặt với “lâm tặc” có lúc đến hàng chục tên, hung hăng dùng dao, gậy truy đuổi, đe dọa đến nỗi các kiểm lâm viên phải tạm thời trốn chạy để bảo toàn tính mạng, sau đó mới liên lạc với lực lượng ứng cứu. Có những lần lâm tặc vây kín, không thể liên lạc được với bên ngoài, thế là các kiểm lâm phải chịu đói rét mấy ngày liền mới tìm được cách trở về đơn vị.
Ông Nguyễn Văn Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hương Lộc (Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã), cho biết trước đây, “lâm tặc” thường tấn công kiểm lâm theo kiểu lén lút như ném đá từ xa hoặc bỏ vật nhọn, bàn chông dưới suối để kiểm lâm viên đi tuần đạp phải… Gần đây, chúng công khai tấn công và có tổ chức. Điển hình là ngày 30-10-2015, tổ tuần tra của Trạm Kiểm lâm Hương Lộc phát hiện một nhóm người vận chuyển gỗ trái phép nên tịch thu tang vật và đưa các đối tượng về trạm để xử lý. Trên đường đi, nhóm “lâm tặc” huy động lực lượng, chặn xe kiểm lâm, giải thoát đồng bọn. Ngày hôm sau, chúng vào tận trạm để gây sự, chửi bới kiểm lâm.
Tiếp đó, 8 giờ ngày 18-11-2015, anh Trung trên đường từ nhà tới trạm đã bị Đoàn Văn Thành cùng 3 đối tượng khác trong nhóm người nói trên tấn công dã man cho đến khi gục ngã. Cùng hôm đó, tổ công tác thuộc Trạm Kiểm lâm Thượng Lộ cũng bị khoảng 30 đối tượng chặn đường ném đá trong khi tuần tra. 17 giờ ngày 20-11-2015, anh Nguyễn Tất Vinh, Phó Trạm Kiểm lâm Hương Lộc, trên đường từ chốt trực về trạm cũng bị các đối tượng chặn xe hành hung.
Luôn là điều thiêng liêng
Những ngày ở Bạch Mã, chúng tôi không gặp được anh Trương Cảm, trưởng một trạm kiểm lâm ở đây, vì anh đang trong một chuyến dẫn quân đi tuần. Anh là dân của vùng quê ngay dưới chân Bạch Mã. Quen vào rừng làm rẫy nên rất yêu cuộc sống hoang dã, đặc biệt sau khi hoàn thành chương trình cử nhân lâm nghiệp, hiểu hơn về ý nghĩa của việc bảo tồn đa dạng sinh học, anh Cảm xin vào làm kiểm lâm viên Bạch Mã.
Đồng nghiệp của anh Cảm kể một lần mọi người đang ăn trưa trong chuyến tuần rừng, chợt nghe tiếng chim bay nháo nhác ở cánh rừng kế bên. Anh em di chuyển đến địa điểm trên thì phát hiện “lâm tặc” đang phá rừng. Sau lần đó, Trương Cảm luôn hỏi đồng đội tại sao không căn cứ vào tiếng của chim, thú để kiểm tra rừng? Vậy rồi chính anh nằm rừng hàng năm trời để học tiếng các loài chim, thú, đến nỗi bây giờ có thể bắt chước tiếng hót của hơn 200 loài chim sống tại vườn.
“Trạm chỉ 10 người nhưng phải canh giữ diện tích rừng rất lớn nên không thể cùng lúc có mặt ở mọi nơi. Việc anh Cảm nhờ chim làm “gián điệp” báo tin đã góp phần giúp chúng tôi luôn kiểm soát được tình hình” – một kiểm lâm viên nói.
Lực lượng kiểm lâm Bạch Mã còn có những người như anh Văn Trèn. Thuở nhỏ, thương cha chật vật nên cứ có ngày nghỉ học nào là Trèn theo cha lên rừng Bạch Mã vác thuê gỗ cho “lâm tặc”. Tốt nghiệp Trường ĐH Nông – Lâm Huế, anh quay lại xin làm kiểm lâm của Bạch Mã và cùng đồng đội tham gia tích cực vào các chương trình hỗ trợ dân vùng đệm tìm kế mưu sinh, đồng thời nhận khoán bảo vệ chính những vùng rừng đã nuôi sống họ hàng đời qua.
“Đọc những tin trên báo, đài viết về kiểm lâm bắt tay “lâm tặc” phá rừng mà lòng chúng tôi không khỏi xót xa. Đó là thành phần tha hóa biến chất, làm lu mờ giá trị hai tiếng kiểm lâm mà chúng tôi đang ra sức giữ gìn. Đối với chúng tôi, nhiệm vụ bảo vệ rừng luôn là điều thiêng liêng cao cả. Mỗi chuyến tuần rừng bắt gặp tiếng đàn vượn gọi nhau, tiếng chim hót là chúng tôi thấy lòng mình không khỏi vui mừng” – một đoạn trích trong nhật ký tuần rừng của anh Nguyễn Thanh Quang, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Hương Lộc.
Các kiểm lâm viên ở đây hay lý giải về tình yêu mãnh liệt của họ với Bạch Mã bằng câu thơ: “Hồn Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm”. Vâng! Chỉ khi nhận thức được sự thiêng liêng cao cả như thế thì họ mới có một tình yêu đặc biệt với công việc giữ rừng thầm lặng và cực kỳ gian khổ này.
Vườn Quốc gia Bạch Mã có 1.715 loài động vật (chiếm 7% tổng số loài trong cả nước), trong đó có 15 loài đặc hữu, 2 loài ong mới được phát hiện lần đầu tiên. Về hệ nấm và thực vật có 2.373 loài (chiếm gần 17% tổng số loài trong cả nước), trong đó có 204 loài đặc hữu và 5 loài mới được phát hiện lần đầu tiên. |
Hỗ trợ để dân an cư
Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong những rừng đặc dụng đầu tiên trên cả nước thí điểm chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chủ trương này, ngoài những hỗ trợ về cơ sở vật chất để dân trong vùng an cư, vườn còn hỗ trợ kinh phí để xây dựng các mô hình nuôi gà, heo, bò; trồng rau sạch và cây ăn quả ở các xã trong vùng. Vườn đã giao khoán quản lý bảo vệ trên 10.000 ha rừng cho các hộ gia đình và nhóm hộ gia đình, chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng diện tích 3.141 ha cho 110 hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ. Cùng với đó là thành lập và duy trì sinh hoạt các mô hình giáo dục tại cộng đồng như CLB Kiểm lâm tí hon, CLB Bảo tồn thiên thiên tại các trường học… |