ThienNhien.Net – Với tổng dân số thế giới vượt quá con số 7 tỷ, từng hành động nhỏ dù là tốt hay xấu của mỗi người sẽ nhân ảnh hưởng lên gấp nhiều lần. Có nghĩa, lựa chọn tiêu dùng của mỗi chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn tác động tới môi trường và đời sống của hàng triệu người khác. Ấn phẩm mới Vital Signs: The Trends That Are Shaping Our Future (Tạm dịch: Những dấu hiệu sống còn: Những xu hướng định hình tương lai) mà Tạp chí World Watch vừa cho ra mắt đã tóm tắt những xu hướng này, đồng thời cảnh báo những hậu quả tiềm tàng và gợi ý giải pháp.
Sản lượng thịt tăng gấp 25 lần so với năm 1800
Kể từ năm 1800, tốc độ gia tăng sản lượng thịt toàn cầu cao gấp 3 lần tốc độ gia tăng dân số. Đến năm 2013, sản lượng thịt đạt mức kỷ lục chưa từng có: 308,5 triệu tấn (tức mức tiêu thụ trung bình là 43 kg thịt/người).
Châu Á đang dẫn đầu xu hướng này với gần 43% tổng sản lượng (năm 2013), bỏ xa Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Công dân ở các nước công nghiệp ngày càng tiêu thụ nhiều thịt hơn (76 kg/người vào năm 2013) so với các nước đang phát triển (34 kg/người).
Xu hướng này gây ảnh hưởng không nhỏ bởi chăn nuôi sử dụng rất nhiều nước, lương thực, đất đai, phân bón và kháng sinh. Thịt bò là loại sản phẩm tốn kém nhất, tiêu thụ 15.000 lít nước/kg thành phẩm. Chăn nuôi bò thịt chiếm 3/5 diện tích đất nông nghiệp trên toàn thế giới, trong khi chỉ cung cấp 5% protein của thế giới và chưa đến 2% năng lượng (calories).
Giải pháp đề xuất bao gồm hỗ trợ chuyển đổi chăn nuôi bằng ngũ cốc sang cỏ hay thực vật khác, giúp giảm áp lực lên các sản phẩm lương thực có thể sử dụng trực tiếp làm thức ăn; sử dụng phân bón tự nhiên thay vì nhân tạo; ngừng chăn nuôi gia súc theo phương pháp công nghiệp có thể giảm tác động đối với môi trường và sức khỏe con người; thay đổi thói quen ăn uống như ăn ít thịt hơn hay chọn mua loại thịt tốn ít tài nguyên hơn sẽ làm nên sự khác biệt trong dài hạn.
Than đang được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử bất chấp sự xuất hiện của công nghệ năng lượng tái tạo
Lượng tiêu thụ than toàn cầu đã tăng gấp gần 4 lần từ hơn 1 tỷ tấn vào năm 1950 lên 3,8 tỷ tấn vào năm 2013. Nhu cầu cao cùng giá thành thấp khiến than ngày càng giảm chất lượng, sản xuất được ít năng lượng hơn, có nghĩa phải đốt nhiều than hơn để thu được cùng một lượng nhiệt.
Theo số liệu năm 2013, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 70% lượng tiêu thụ than toàn cầu, mặc dù các quốc gia trong khu vực đang tích cực đa dạng hóa nguồn năng lượng bằng ứng dụng quang năng và khí tự nhiên. Ngược lại, mặc dù nhu cầu điện năng vẫn tiếp tục tăng, tiêu thụ than đá ở Mỹ đã giảm nhờ khí đá phiến. Tương tự, các nước Châu Âu cũng đang giảm dần lượng tiêu thụ than đá kể từ năm 1990 nhờ hạn chế tiêu thụ năng lượng và phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng tái tạo.
Than đá là nguồn năng lượng ít thân thiện với môi trường nhất vẫn còn được sử dụng. Nếu không giảm lượng tiêu thụ và các loại khí thải liên quan, mục tiêu hạn chế nhiệt độ tăng toàn cầu dưới 2oC sẽ không thể đạt được. Cách duy nhất để giảm sử dụng than đá là ủng hộ các hiệp ước song phương có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu, từ đó giảm tiêu thụ năng lượng và giá thành năng lượng tái tạo để thu hẹp tỷ trọng than đá.
Số lượng ô tô vượt quá 1 tỷ
Số lượng phương tiện hạng nhẹ (như xe chở khách hay xe tải hạng nhẹ) tăng quá nhanh, cứ mỗi 7 người thì sở hữu một ô tô. Cho đến đầu năm 2014, tỷ lệ xe điện chỉ đạt 1/2500, tức khoảng 400.000 xe.
Mỹ và Nhật là hai quốc gia sở hữu nhiều ô tô nhất. Trung Quốc đứng thứ ba nhờ tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong thập kỷ vừa qua, với số lượng ô tô tăng gấp 10 lần từ 3,8 triệu xe (năm 2000) lên 43,2 triệu xe (năm 2011). Phần lớn xe chạy điện cũng phân bố ở 3 quốc gia này: 144.000 xe ở Mỹ, 68.000 xe ở Nhật và 45.000 xe ở Trung Quốc.
Thiết bị vận tải hạng nhẹ hiện tiêu thụ trung bình 7,2 lít nhiên liệu/100km, gây ô nhiễm không khí và gia tăng phát thải khí nhà kính. Để hạn chế tác động, cần cải thiện hiệu suất sử dụng nhiên liệu hoặc gia tăng sử dụng xe điện hay các loại xe hybrid (sử dụng song song xăng và điện).
Hàng triệu tấn nhựa “tập kết” dưới biển và các bãi rác mỗi năm
Dù phần lớn các sản phẩm từ nhựa đều có thể tái chế, vẫn còn 22-43% nhựa trên toàn thế giới vẫn đang tích luỹ ở các bãi rác và khoảng 10 – 20 triệu tấn nhựa bị thải xuống đại dương mỗi năm.
Tây Âu và Bắc Mỹ có lượng tiêu thụ nhựa trên đầu người nhiều nhất thế giới, mỗi người sử dụng tới 100 kg/năm. Tỷ lệ này ở Châu Á chỉ là 20 kg/người nhưng đang tăng rất nhanh. Năm 2012, khoảng ¼ nhựa được tái chế và 1/3 được đốt để sản sinh năng lượng tại Châu Âu, 9% nhựa được tái chế tại Mỹ.
Nhựa không được tái chế bị dồn lại thành các bãi rác, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng địa phương. Nhựa thải xuống đại dương có thể khiến nhiều loài chim biển, cá voi, cá heo bị mắc kẹt hoặc đi vào chuỗi thức ăn khi các mảnh nhỏ được tiêu hóa, chuyển chất độc hóa học từ con mồi cho đến kẻ săn mồi. Một số chất phụ gia độc hại có trong các sản phẩm nhựa như chất tạo màu, chất chống lửa và chất tạo nhựa có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Để hạn chế tác động của nhựa đối với môi trường và sức khỏe, bên cạnh việc giảm sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa, có thể chọn sử dụng những sản phẩm được đóng gói thân thiện với môi trường hay cải thiện thiết kế sản phẩm và đóng gói sử dụng ít nhựa hơn. Trên thực tế, rất nhiều vấn đề liên quan tới nhựa có thể được giải quyết thông qua thắt chặt quản lý vật liệu. Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần hợp tác để thúc đẩy bước tái sử dụng.
Mặc dù được quảng bá cho mục đích xóa nạn đói, các sản phẩm biến đổi gene lại đang được sử dụng để chăn nuôi gia súc và sản xuất dầu thay vì trở thành thực phẩm trực tiếp cho con người.
Kể từ khi chính thức được thương mại hóa vào năm 1990, quy mô nuôi trồng các sản phẩm biến đổi gene (Genetic Modified – GM) đã đạt mốc 181 triệu hecta, chủ yếu là các loại đậu nành (dùng trong chăn nuôi và ép dầu), ngô (dùng trong chăn nuôi), bông và canola (một loại họ cải có hạt dùng để ép dầu).
87% diện tích GM trên thế giới nằm ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, với độc quyền gần như chỉ thuộc một số ít doanh nghiệp. Các giống cây GM có thể giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức canh tác, nhưng cũng khiến nhiều nông dân yếu thế mất đất và sinh kế khi bị chèn ép bởi những nhóm có thế lực hơn. Bên cạnh đó, trồng trọt để sản xuất thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc gây ra hàng loạt vấn đề môi trường, từ ô nhiễm tới chặt phá rừng. Thậm chí, các giống mới có khả năng chịu thuốc diệt cỏ có thể phản tác dụng khi cỏ dại cũng phát triển gene kháng thuốc diệt cỏ.
Trong khoảng 5 – 10 năm tới, việc trồng các sản phẩm GM chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng khi 71 giống GM mới gần đây đang được thử nghiệm ngoài môi trường. Người nông dân và môi trường rất cần được bảo vệ bởi một khung điều lệ vững chắc dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng các trường hợp.
Mỗi người tiêu dùng đều có thể gây ảnh hưởng không chỉ tới cảnh quan mà còn tới đời sống của những người đang sinh sống tại nơi khai thác nguyên liệu, chế biến, thải loại những sản phẩm đang được sử dụng hàng ngày. Cần hiểu rằng mỗi người là một phần của vấn đề để từ đó có cái nhìn thấu đáo và lựa chọn tốt hơn trong mua sắm, ăn uống và cả bầu cử.