ThienNhien.Net – “Tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội” là yêu cầu của UBND TP. Hà Nội đối với các đơn vị có liên quan, theo nội dung văn bản 1022/UBND-CT, ban hành ngày 23/2.
Theo yêu cầu của UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương có nhiệm vụ tham mưu UBND Thành phố triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát dự án đầu tư sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội. Đồng thời chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây mới theo quy định tại Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Công Thương Hà Nội cũng được giao kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc ngành công nghiệp đã có quy định về quy mô công suất, công nghệ và tiêu chuẩn môi trường thuộc chức năng quản lý của Sở Công Thương; xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đề xuất nâng cao mức xử lý vi phạm (nếu cần thiết). Thanh tra, kiểm tra, giám sát trên địa bàn Thành phố việc thực hiện dán nhãn đối với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng. Tham mưu UBND Thành phố phối hợp Bộ Công Thương triển khai chương trình khuyến khích chuyển đổi các trang thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng hiệu suất cao.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã liên quan tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo, quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố; rà soát Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng trong xây dựng mới và cải tạo lại các tòa nhà có quy mô lớn, chiếu sáng công cộng; triển khai áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà.
Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới. Tham mưu UBND TP phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét bổ sung những sản phẩm công nghiệp và công nghệ sản xuất lạc hậu cần phải loại bỏ, không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản, việc tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cấp phép hoạt động khoáng sản các dự án phù hợp tiến độ, giai đoạn sản xuất; yêu cầu các đơn vị khại thác mỏ áp dụng, tuân thủ kỹ thuật khai thác tiên tiến, tận thu tài nguyên khoáng sản, an toàn và bảọ vệ môi trường.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn về suất tiêu hao nhiên liệu tối thiểu đối với một số loại phương tiện giao thông vận tải theo điều kiện và khả năng áp dụng từng giai đoạn; nghiên cứu sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế nguyên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.