ThienNhien.Net – Chiều 19.2, hàng trăm người dân thôn Đa Sỹ, Đồng Cao, Đồng Sâm (xã Đông Vinh, TP.Thanh Hoá) đã kéo đến Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông thuộc Công ty CP & TM tổng hợp Cường Phát (đóng tại xã Đông Vinh) căng băng-rôn, biểu ngữ yêu cầu ngừng sản xuất vì gây ô nhiễm môi trường.
Khốn khổ vì công ty phân bón
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 14h ngày 19.2, hàng trăm người dân thôn Đa Sỹ, Đồng Cao, Đồng Sâm tiếp tục kéo đến trước cổng Nhà máy phân bón Sao Nông để căng băng-rôn, biểu ngữ yêu cầu nhà máy ngừng sản xuất. Tìm hiểu được biết, mặc dù Nhà máy phân bón Sao Nông mới đi vào hoạt động được một thời gian ngắn nhưng đã nhiều lần người dân nơi đây tập trung biểu tình vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm khói bụi, nước thải… trong quá trình sản xuất. Đỉnh điểm, sáng 18.2, người dân các thôn trên đã kéo đến cổng nhà máy căng băng rôn biểu tình trong nhiều giờ đồng hồ và chỉ dừng lại khi các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Phòng cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường, Công an thành phố, UBND thành phố, UBND xã Đông Vinh về kiểm tra và có kết luận yêu cầu công ty dừng hoạt động của Nhà máy phân bón Sao Nông trước nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Cường (thôn Đa Sỹ) bức xúc: Kể từ khi nhà máy phân bón đi vào hoạt động, nhân dân thôn Đa Sỹ nói riêng và các thôn lân cận của xã Đông Vinh nói chung phải sống cùng với ô nhiễm khói bụi, đặc biệt là mùi khét lẹt thải ra môi trường của nhà máy gây khó thở, làm ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ nhân dân. Bức xúc hơn khi ngày 18.2, công ty đã cam kết với cơ quan chức năng, với dân làng rồi mà hôm nay (19.2) vẫn tiếp tục sản xuất. Vì vậy, người dân chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung biểu tình phản đối đến khi nào công ty chấp hành nghiêm chỉnh những chỉ đạo của các cơ quan chức năng”.
Trao đổi với ông Ngô Xuân Nhàn – Chủ tịch UBND xã Đông Vinh, điều khó hiểu là đến thời điểm hiện tại chính quyền xã chưa hề nhận được đơn thư phản ánh nào của nhân dân về sự việc trên (!?). Chỉ sau khi nghe phản ánh từ thôn Đa Sỹ về những vấn đề ô nhiễm của nhà máy thì ngày 29.1, UBND xã Đông Vinh mới có buổi làm việc trực tiếp với Công ty Sao Nông. Hội nghị thống nhất, do công ty mới đi vào hoạt động nên việc chuyển giao dây chuyền sản xuất còn chưa hoàn thiện gây khói bụi, mùi khó chịu. Đến ngày 30.1, UBND xã Đông Vinh đã ra thông báo số 17/TB-UBND kết luận với nội dung: Về hồ sơ pháp lí của Công ty cổ phần và thương mại tổng hợp Cường Phát là đầy đủ, song trong quá trình sản xuất gây khói bụi như nhân dân thôn Đa Sỹ phản ánh là có thật. Vì vậy, UBND xã Đông Vinh yêu cầu nhà máy tạm ngừng sản xuất từ ngày 30.1.2016 trở đi; Khắc phục ngay không để khói bụi, mùi phát tán ra môi trường mới được đi vào sản xuất; yêu cầu nhà máy thực hiện đúng tất cả các nội dung trong bản cam kết môi trường được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Do bức xúc, người dân nhiều lần biểu tình yêu cầu nhà máy phân bón ngừng hoạt động, gây mất an ninh trật tự, ngày 28 Tết âm lịch vừa qua, tôi đã phải trực tiếp điện vào đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường phản ánh tình trạng trên. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên về thì phía nhà máy này đã ngừng sản xuất để nghỉ tết. Đến ngày 15.2 (sau Tết), công ty triển khai sản xuất nhưng vẫn còn khói, bụi, mùi nên nhân dân lại tiếp tục biểu tình phản đối. UBND xã Đông Vinh cùng ngày đã có báo cáo số 05/BC-UBND đến Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, đề nghị thành lập đoàn kiểm tra trả lời UBND xã và nhân dân”, ông Nhàn cho biết.
Công ty Sao Nông bất chấp chỉ đạo?
Ông Lê Văn Bình – Chi cục trưởng Chi cục môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá cho biết: Công ty CP & TM tổng hợp Cường Phát được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận chủ trương xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông tại cụm công nghiệp Vức theo văn bản số 5227/UBND-NN ngày 4.6.2015 và đi vào hoạt động từ tháng 11.2015. Chức năng chính là sản xuất phân bón, công suất 9.500 tấn/năm (chủ yếu là phân NPK, phân vi sinh); đơn vị đã lập hồ sơ báo cáo tác động môi trường và được phê duyệt tháng 10.2015…
Sau khi có kiến nghị của UBND xã Đông Vinh theo Báo cáo số 05/BC-BUND, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Phòng cảnh sát môi trường, UBND thành phố, Công an thành phố, UBND xã Đông Vinh về kiểm tra và có kết luận: Đề nghị công ty tạm dừng hoạt động của Nhà máy sản xuất phân bón Sao Nông để khắc phục các vấn đề về xử lí các chất thải phục vụ giai đoạn vận hành của đơn vị: Cải tạo hệ thống xử lí khí thải, lò sấy; công trình xử lí nước thải, nhà ăn, nhà vệ sinh; xây dựng khu vực tập kết rác thải sản xuất và nguy hại tránh dò rỉ ra môi trường… Sau khi hoàn thiện, yêu cầu công ty hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục có liên quan bao gồm: Báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM về việc vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất của Nhà máy phân bón Sao Nông; Hoàn thiện hồ sơ, hoàn thành biện pháp, công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của nhà máy trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; Thực hiện đầy đủ chương trình giám sát môi trường theo nội dung báo cáo ĐTM đã được phê duyệt; Đăng kí chủ nguồn chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường để được cấp sổ chủ nguồn chất thải nguy hại theo quy định.
Như vậy, khi có kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành thì toàn thể người dân đã vui vẻ đồng tình giải tán. Song, chiều 19.2, người dân vẫn bức xúc, tập trung trước cổng nhà máy phân bón vì cho rằng phía nhà máy này vẫn hoạt động sau khi đã có chỉ đạo yêu cầu dừng của Sở tài nguyên và Môi trường ngày hôm trước. Câu hỏi đặt ra, liệu Nhà máy phân bón Sao Nông thuộc Công ty CP & TM tổng hợp Cường Phát có phớt lờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên gây bức xúc trong nhân dân?
Sáng 20.2, Chủ tịch UBND thành phố Đào Trọng Quy đã về làm việc trực tiếp với toàn thể nhân dân thôn Đa Sỹ và lãnh đạo Công ty CP & TM tổng hợp Cường Phát tại nhà văn hoá thôn. Theo đó, Chủ tịch yêu cầu nhà máy tạm ngừng hoạt động, thực hiện đầy đủ yêu cầu mà kết luận trước đó của đoàn kiểm tra liên ngành của Sở tài nguyên – Môi trường cho tới khi được phép hoạt động trở lại. Bà con nhân dân đồng tình với ý kiến của Chủ tịch thành phố và đồng ý sẽ không tập trung biểu tình nếu như nhà máy nghiêm chỉnh chấp hành. |