ThienNhien.Net – Đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ các nguồn tài nguyên vẫn tiếp tục được các cơ quan chức năng đặt ra trước sự phập phồng lo sợ của dư luận.
Sau làn sóng ồ ạt xây dựng các thủy điện, hồ chứa thủy lợi, hiện các vườn quốc gia (VQG), các khu bảo tồn, rừng phòng hộ… lại tiếp tục bị đe dọa bởi các dự án giao thông.
Bảo tồn rừng phải theo nguyên tắc liền khoảnh
Tại Thừa Thiên – Huế, các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương phá 49 ha rừng trong lõi VQG Bạch Mã để làm đường cao tốc. Một tuyến đường với 4 làn xe từ Thừa Thiên – Huế đến Đà Nẵng sẽ chẻ đôi VQG này.
Cuối năm 2015, dư luận trong nước lại nóng lên khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép xây dựng con đường xuyên VQG Cát Tiên. Dự án sau đó tạm ngưng vì vấp phải sự phản đối của dư luận cũng như thiếu sót nghiêm trọng về mặt chủ trương, thủ tục. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh đang xúc tiến dự án mở đường từ sân bay Cỏ Ống vào cảng Bến Đầm, đi xuyên qua VQG Côn Đảo cùng các hạng mục phụ trợ đi kèm như nhà máy xử lý rác và các resort…
Còn ở phía Tây – Bắc của các tỉnh phía Bắc, nhiều ý kiến cũng đang lo ngại về việc xây dựng tuyến cáp trên đỉnh Fasipan sẽ ảnh hưởng đến “nóc nhà Đông Dương” cũng như VQG Hoàng Liên…
Theo các nhà khoa học, bảo tồn rừng nói chung phải theo nguyên tắc liền khoảnh, các loài động – thực vật chuyên kiếm ăn, sinh sống trong các khoảnh đó. Nếu xây dựng, đưa các phương tiện cơ giới vào sẽ tàn phá thực vật và gây kinh sợ cho thú rừng, chưa nói đến chuyện lợi dụng thực hiện dự án để khai thác rừng trái phép.
Dự án đường giao thông sẽ làm cho khu bảo tồn không liền khoảnh, chia cắt sinh cảnh sống của các loài động – thực vật. Bên cạnh đó, còn làm thay đổi cơ cấu, thành phần các loài sinh vật. Chẳng hạn, các loài động – thực vật quen sống dưới các tán rừng rậm, khi mở đường, các tán rừng bị phá, ánh sáng lọt vào thì một số sinh vật sẽ thay đổi tính chất để thích nghi, sinh vật nào không thay đổi được sẽ chết, kèm theo đó là sự xâm nhập của mầm bệnh, các loài sinh vật ngoại lai gây hại… Về lâu dài, các tác động này sẽ dần dần thay đổi tính đa dạng sinh học hoặc hủy diệt khu vực rừng đó. Riêng ở lõi rừng đặc dụng thì nguyên tắc là “bất khả xâm phạm”, không mang gì vào và không đưa bất cứ thứ gì từ trong ra. Về góc độ quản lý, càng có nhiều người vào rừng, lực lượng kiểm lâm càng khó kiểm soát, ứng phó khi xảy ra sự cố.
Nỗi đau còn đó
Thủy điện Trị An (Đồng Nai) đã được xây dựng cách đây 30 năm nhưng câu chuyện đánh đổi rừng vẫn còn là nỗi đau với những người từng tham gia vào dự án này. Thủy điện chiếm diện tích hơn 2.000 ha rừng nhưng trên thực tế hơn 10.000 ha rừng đặc dụng đã bị tàn phá vì các hoạt động “ăn theo” mất kiểm soát. Một dự án lớn với nhiều nhân lực như thế vẫn không kiểm soát nổi thì các dự án nhỏ, ít nhân lực sẽ ra sao?
Lâm tặc phá rừng luôn là vấn đề nóng và nhức nhối tại các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn. Rừng chảy máu ngày đêm trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng và thiếu trang thiết bị. Thế nhưng, không phải tự nhiên mà người ta nói: “quan” phá còn hơn dân phá. Người dân vào rừng chặt trộm được một cây nhưng các quan chức chỉ cần một chữ ký thì hàng ngàn cây và thú rừng phải đổ xuống! Hơn chục năm qua đã có hàng ngàn hecta rừng đặc dụng bị phá để xây dựng thủy điện và một số công trình khác phục vụ kinh tế nhưng diện tích rừng trồng bù đến nay vô cùng nhỏ nhoi. Tỉ lệ che phủ rừng gần đây có tăng nhưng xét về chất lượng thì lại giảm vì phần lớn là trồng mới, diện tích rừng nguyên sinh ngày càng bị thu hẹp.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích các thảm cỏ biển của Việt Nam giảm từ 40%-70%, ở biển Cửa Đại (Quảng Nam) giảm gần 70%, ở Nam mũi Đá Chồng (Phú Quốc) giảm từ 45%-60%… Nguyên nhân chính là do lấn biển để làm các ao nuôi thủy sản và xây dựng công trình ven biển. Sự suy giảm này đã kéo theo sự suy giảm của các loài và số lượng sinh vật biển ở nước ta.
Từng là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới nhưng Việt Nam đang bị các tổ chức quốc tế đánh giá là một điểm nóng về suy thoái đa dạng sinh học do hoạt động kinh tế.
Liệu có lợi ích nhóm?
TS Đào Trọng Hưng, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng câu chuyện mở đường xuyên VQG Côn Đảo để phục vụ du lịch khiến ông nhớ lại dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Dự án này liên tục điều chỉnh: giảm quy mô, nắn hướng tuyến, chỉnh sửa hồ sơ… cốt để làm cho được. Hiệu quả đầu tư thực sự là phải tính được giá trị môi trường, giá trị bảo tồn, đánh đổi những giá trị này thì mất bao nhiêu và tổn thất này sẽ được bù đắp như thế nào… Còn một dự án mập mờ về chi phí đầu tư, mập mờ về hiệu quả thì không phải vì mục tiêu phát triển kinh tế mà vì lợi ích nhóm, chỉ muốn “đẻ” dự án để cầu lợi riêng sẽ dẫn đến tình trạng tàn phá tài nguyên vô tội vạ. Khi mở các nhà hàng, resort trong rừng thông quanh hồ Tuyền Lâm (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), người ta cũng nói để khai thác cảnh quan phục vụ cho du lịch, hứa hẹn về việc chia sẻ lợi ích với cộng đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ, chăm sóc rừng, tái tạo cảnh quan tự nhiên… Tuy nhiên, những chi phí đó được chi trả ra sao, sử dụng như thế nào chẳng ai biết. Chỉ thấy quanh hồ bây giờ biến thành khu kinh doanh, còn rừng và cảnh quan tự nhiên thì đã bị phá nát. *** TS Nguyễn Chí Thành, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng miền Nam: Không gì đánh đổi được Phát triển kinh tế là phải chấp nhận đánh đổi nhưng cái mang ra đánh đổi đó có bù đắp lại được hay không rất khó tính toán. Hiện nay, giá trị xây dựng, lắp đặt máy móc thì tính được nhưng giá trị của đa dạng sinh học thì rất khó quy đổi thành tiền cũng như suy giảm đa dạng sinh học sẽ gây tác động ra sao vì hậu quả diễn ra từ từ và lâu dài. Vì thế, đưa lên bàn cân đánh đổi, rõ ràng phía bảo tồn đa dạng sinh học luôn yếu thế. Trong câu chuyện thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, VQG Cát Tiên đã rất may mắn khi dư luận, các chuyên gia độc lập và cả chính quyền tỉnh Đồng Nai cùng lên tiếng phản biện. Trường hợp này có đủ tài lực và nhân lực để tính toán, đưa ra con số cụ thể những tác động của môi trường để các bộ và Thủ tướng cân nhắc. Thế nhưng, phần lớn các dự án tác động vào rừng khác thì không được như vậy, khi lãnh đạo đã quyết là thành chủ trương, dự án. PGS-TS Chế Đình Lý, nguyên phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM: Phá thì dễ, khôi phục rất khó Bảo tồn và phát triển luôn có những mâu thuẫn mà một người quản lý khôn ngoan phải biết cách điều phối linh hoạt để hạn chế. Giữa một con đường xuyên qua rừng vài cây số với một con đường chạy bên ngoài, giữ được nguyên hiện trạng rừng, chắc chắn họ sẽ chọn đường bên ngoài. Dự án phát triển trong rừng, trong các khu bảo tồn là những dự án nhạy cảm vì phá thì dễ nhưng khôi phục rất khó và cực kỳ tốn kém, gần như là một đi không trở lại! Thế nhưng, các dự án kiểu này ở nước ta, phần nhiều mang ý chí của nhà lãnh đạo, còn ý kiến của các nhà chuyên môn chưa được quan tâm đúng mức. Cũng có nhiều trường hợp chính các nhà chuyên môn ngại đụng chạm, không dám nói lên sự thật, chưa làm tốt vai trò cố vấn cho các cơ quan chức năng, dẫn đến quyết định sai lầm. Các chuyên gia bảo tồn không phải là những người bảo thủ, “ôm” rừng khư khư không cho phát triển. Ngược lại, họ muốn ủng hộ phát triển vì một đất nước có phát triển, có giàu mạnh thì mới bảo tồn thiên nhiên tốt được. Tuy nhiên, phát triển như thế nào để bền vững thì cần giải quyết được 2 vấn đề. Thứ nhất, dự án có thực sự cần thiết hay không, có giải pháp khác thay thế hay không? Thứ hai, nếu phá rừng để làm dự án phải áp dụng phương pháp thay thế và đền bù. Đây là vấn đề mà tôi thấy phần lớn các dự án chưa thực hiện tốt, dù ban đầu hứa hẹn rất nhiều. Hậu quả là đa dạng sinh học của nước ta ngày càng bị suy thoái. Đó cũng là lý do vì sao cứ nói đến một dự án tác động vào rừng, người dân lại phản đối! Minh Khanh ghi |