ThienNhien.Net – Myanmar vừa công bố báo cáo Sáng kiến Minh bạch trong Ngành công nghiệp khai thác (EITI) cho năm tài chính 2013 – 2014. Đây là báo cáo EITI đầu tiên của Myanmar, trong đó cung cấp dữ liệu giao dịch tài chính giữa 57 công ty khai khoáng và chính phủ Myanmar, danh sách các giấy phép khai khoáng và thông tin cơ bản về các doanh nghiệp dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản và đá quý của nước này.
Theo bà Moe Moe Tun, Tổng Thư ký Tổ chức Green Trust (trụ sở tại Myanmar) và cũng là thành viên nhóm các bên liên quan EITI của Myanmar, Báo cáo này là bước tiến quan trọng về mức độ minh bạch thông tin, điều được coi là chuyện không tưởng ở Myanmar bốn năm trước. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh một số thách thức nghiêm trọng mà chính phủ Myanmar phải đối mặt nếu muốn phát huy hết tiềm năng của EITI. Dưới đây là những bình luận của bà Moe Moe Tun về báo cáo này.
Điểm sáng…
Việc Myanmar trở thành ứng viên tham gia EITI đã tạo ra bầu không khí cởi mở để công dân không ngại bày tỏ quan điểm và tham gia vào các cuộc tranh luận liên quan đến việc sử dụng nguồn tài nguyên của quốc gia. Kể từ khi bắt đầu tham gia EITI năm 2012, mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức xã hội dân sự, chính phủ Myanmar (đặc biệt là Bộ Khai khoáng) và Quốc hội đã được cải thiện đáng kể. Bằng chứng là các cuộc tham vấn các tổ chức xã hội dân sự đã được tổ chức song song với quá trình thảo luận của Quốc hội về chính sách quản lý các giếng dầu, cho phép những người bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi chính sách bày tỏ quan điểm với các nhà lập pháp.
Một tiến bộ tích cực khác là việc thành lập các đơn vị thực hiện EITI ở địa phương theo phân cấp hành chính. Tiến độ thực hiện hoạt động này có chút chậm trễ nhưng đến nay đã ghi nhận một số thành tích, giúp cung cấp diễn đàn cho các cuộc đối thoại tại địa phương – việc làm hết sức cần thiết cho quá trình tiếp cận, thực hiện EITI ở Myanmar.
… và khoảng tối
Chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Thein Sein đã cam kết khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng, nhưng thực tế là yếu tố bình đẳng giữa các công dân, quan chức chính phủ và doanh nghiệp bên ngoài cuộc họp chính thức không thay đổi là mấy. Dẫn chứng là khi quá trình EITI mới bắt đầu thực hiện, các nhóm xã hội dân sự tham gia giám sát tác động của các dự án khai khoáng với người dân địa phương từng bị đe dọa hoặc bắt giữ. Hành vi này trái với Nghị định thư về Xã hội dân sự quốc tế của EITI, trong đó đưa ra những tiêu chuẩn Myanmar cần đáp ứng về các quyền tự do làm việc và thẳng thắn bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan tới quản lý tài nguyên thiên nhiên. Nỗ lực nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng bị hạn chế do những xung đột về đất đai, tác động bất lợi lên môi trường và sức khỏe, thậm chí là vi phạm nhân quyền.
Một trong những điểm yếu lớn của báo cáo EITI của Myanmar là không đưa ra các phân tích vấn đề cởi mở và tự do biểu đạt, cũng như không đưa ra các khuyến nghị làm thế nào để giải quyết tình trạng này trong giai đoạn tiếp theo. Các tổ chức xã hội dân sự Myanmar vẫn cam kết hợp tác nhiều hơn với nhà nước về môi trường và các vấn đề xã hội liên quan đến ngành công nghiệp khai thác nhưng họ cần phải nhận được những nỗ lực đáp lại từ phía chính phủ về vấn đề tự do tranh luận công khai trong những chủ đề EITI yêu cầu.
Điểm yếu thứ hai liên quan tới tính minh bạch thông tin không chỉ trong các ngành kinh doanh mang tính toàn cầu như dầu khí mà còn cả các ngành nhạy cảm chính trị hơn như khai thác ngọc bích. Số liệu trong Báo cáo EITI cho thấy ngọc bích của Myanmar có giá trị rất nhỏ so với con số do các viện nghiên cứu và các cơ quan hải quan Trung Quốc cung cấp. Ngọc bích được khai thác ở Myanmar chủ yếu phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Trên thực tế, ngọc bích là tài nguyên có giá trị nhất của Myanmar, liên quan mật thiết tới triển vọng hòa bình và ổn định chính trị của nước này. Báo cáo mới của Global Witness cho thấy lợi ích từ nền công nghiệp nhiều tỷ đô-la này là rào cản lớn của cải cách, bởi ngành công nghiệp khai thác ngọc bích cung cấp tài chính cho xung đột vũ trang giữa lực lượng phiến quân Kachin và chính phủ Myanmar trong khi nơi này có nhiều ngọc bích nhất Myanmar. Tất nhiên, chỉ riêng EITI sẽ không giải quyết tất cả nhưng có thể góp phần giải quyết các vấn đề cố hữu của thị trường ngọc bích.
Điểm yếu thứ ba liên quan đến vấn đề ưu thế của các doanh nghiệp nhà nước và các công ty quân sự trong các bộ phận của ngành công nghiệp khai thác, nhất là dầu mỏ, khí đốt và ngọc bích. Báo cáo EITI chỉ ra rằng các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được phép chuyển phần lớn doanh thu từ khai thác khoáng sản sang các “tài khoản khác” nằm ngoài tầm kiểm soát đối với ngân sách bình thường của chính phủ. Dẫn chứng là theo thông tin trong báo cáo của Viện Quản lý Tài nguyên có trụ sở tại Anh, Tập đoàn Dầu khí Myanmar – một doanh nghiệp nhà nước, mắt xích quan trọng của các công ty dầu khí nước ngoài, đã chuyển khoảng 1,4 tỷ USD vào các tài khoản ngoài ngân sách trong năm tài chính 2013-2014 (tính từ 31/3). Tổng số tiền này còn cao hơn khoản chi của chính phủ Myanamar cho giáo dục hoặc y tế nước này trong cùng giai đoạn.
Các khoản lợi nhuận mà các công ty quân sự thu được từ ngọc bích và dự án kinh doanh khác thậm chí vượt xa những gì công chúng biết tới. Chẳng hạn như tại hai sự kiện thương mại đá quý của chính phủ trong năm 2013 và 2014, theo doanh số bán hàng chính thức, các công ty quân quân đội đã thu được trên 280 triệu USD. Tuy nhiên, Báo cáo EITI mới lại không hề đề cập đến con số này và cũng không cung cấp những đầu mối cho biết khoản tiền này đi đâu hay đang được sử dụng như thế nào.
Liên quan đến những khoản chi đáng chú ý không được liệt kê đầy đủ trong Báo cáo EITI còn có các khoản chi cho trách nhiệm xã hội của các công ty. Tất cả đều phản ánh một điểm yếu kinh niên trong quy định và quy trình giám sát ngành khai khoáng và sự lảng tránh kinh niên của các doanh nghiệp cũng như một số quan chức chính phủ đối với trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi đã lên cầm quyền và đang tạo dựng một chính phủ mới. Sự kiện này đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của ngành công nghiệp khai thác của Myanmar. Các nhà lãnh đạo mới của Myanmar có thể phải chịu áp lực đáng kể để nhẹ tay với các doanh nghiệp được bảo vệ bởi các nhóm lợi ích trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chính phủ mới có thể tận dụng EITI để thúc đẩy cải cách, đảm bảo thu được nhiều lợi ích hơn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Myanmar. Mặc dù còn nhiều trở ngại đáng kể, Báo cáo EITI thứ hai của Myanmar được kỳ vọng sẽ có những tiến bộ thực sự.