ThienNhien.Net – Năm 2014, Vườn Quốc gia Côn Đảo được công nhận là khu Ramsar (khu đất ngập nước quan trọng của thế giới). Do đó, mọi hoạt động phát triển ở đây phải theo luật Việt Nam và các quy tắc quốc tế
Tuyến đường Tây Bắc nối từ sân bay Cỏ Ống đến cảng Bến Đầm được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Ban Quản lý dự án huyện Côn Đảo lập dự án đầu tư năm 2005. Đường giao thông cấp IV, dài 16,5 km với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỉ đồng, dự kiến phá bỏ gần 70 ha diện tích vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo. Theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, dự án chuyển đổi trên 50 ha rừng đặc dụng phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhưng dự án này chưa được trình Quốc hội. Đến năm 2013, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định điều chỉnh quy mô dự án, rút ngắn chiều dài còn 15 km, vốn đầu tư giảm còn 700 tỉ đồng, diện tích rừng chiếm dụng của VQG Côn Đảo khoảng 40 ha. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, xem xét và có thể điều chỉnh quy mô, hướng tuyến một lần nữa để giảm bớt thiệt hại về rừng.
Không có trong quy hoạch
TS Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước, cho biết từ khi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương làm con đường này, ông đã kịch liệt phản đối. Bởi lẽ, Côn Đảo đã có tuyến đường giao thông từ sân bay Cỏ Ống vào trung tâm nên việc mở một tuyến đường mới là không cần thiết, trong khi dự án sẽ tác động vào VQG Côn Đảo. Rừng ở đây thuộc kiểu thường xanh lá rộng, thảm thực vật nhiệt đới ẩm và ít bị tác động, giữ được nhiều cây lâu năm nên thuộc vào loại quý hiếm còn sót lại trong số ít ỏi diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam. VQG Côn Đảo có tính đa dạng sinh học cao vì tồn tại nhiều loài thú quý hiếm, vừa có hệ sinh thái cạn vừa có hệ sinh thái biển.
“Xây dựng dự án sẽ làm mất diện tích rừng lớn, chưa nói đến việc có thể phát sinh tiêu cực. Động – thực vật bị chia cắt sinh cảnh sống, không chỉ khu vực dự án mà lân cận cũng sẽ bị tác động. Chưa kể, lượng đất đá lớn trong quá trình làm đường có thể đổ xuống biển, hủy hoại các rạn san hô” – TS Thành phân tích.
Từng là phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng miền Nam và là người hỗ trợ Ban Quản lý VQG Côn Đảo thực hiện quy hoạch phát triển rừng, TS Nguyễn Chí Thành khẳng định quy hoạch phát triển rừng bền vững của VQG Côn Đảo từ năm 2010-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có đường Tây Bắc. “Đây là cấp có thẩm quyền cao nhất nên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải tuân thủ đúng quy hoạch này” – TS Thành nhấn mạnh.
Có thể bị thu hồi
GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (thuộc UNESCO), cho rằng nếu mở thêm con đường mới thì cần tính toán những lợi ích đạt được so với khi sử dụng con đường cũ.
“Đánh giá tác động môi trường không chỉ dừng ở việc mất bao nhiêu cây rừng mà phải tính được những tác hại đi kèm sau sự mất mát đó, như: giảm đa dạng sinh học, sạt lở, sự thay đổi của môi trường về sau, quản lý người qua lại trong rừng ra sao, lợi ích thu về có đủ bù đắp được tổn thất không, bù thế nào, rồi mở đường ra có kiểm soát được tình trạng khai thác bất hợp pháp không, giữa làm với không làm, cái nào lợi hơn?” – GS-TS Trí đặt vấn đề.
Theo GS-TS Trí, đối với một khu Ramsar thì cần hết sức thận trọng, không chỉ tuân theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn phải tuân theo các quy tắc trong Công ước Ramsar mà Chính phủ đã ký với quốc tế. Bởi lẽ, để được công nhận là khu Ramsar không hề đơn giản vì ngoài việc đáp ứng các tiêu chí về điều kiện tự nhiên, tầm quan trọng đối với hệ sinh thái toàn cầu còn phải cam kết thực hiện đúng các hoạt động bảo tồn và phát triển khu Ramsar đó. Đơn cử, điều 2 Công ước Ramsar quy định nếu một bên tham gia vì lợi ích quốc gia cấp thiết mà xóa bỏ hoặc hạn chế bớt ranh giới vùng đất ngập nước đã đưa vào danh mục thì bên đó phải đền bù tối đa mọi tổn thất về tài nguyên đất ngập nước, nhất là phải tạo lập các khu dự trữ thiên nhiên bổ sung cho loài chim nước và để giữ được, ở tại vùng đó nay ở nơi khác, một tỉ lệ thỏa đáng của nơi cư trú ban đầu.
“Yêu cầu hàng đầu của Công ước Ramsar là phải sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước và hệ động – thực vật của chúng. Thế thì có đường rồi, làm thêm con đường nữa có khôn khéo không? Vào Ramsar không phải chỉ để đón bằng công nhận, vỗ tay hoan hô là xong mà phải tiếp tục nỗ lực hơn để xứng đáng với công nhận ấy. Không thực hiện đúng các cam kết ấy sẽ bị thu hồi chứng nhận. Khi đó, không chỉ Côn Đảo mà Chính phủ cũng ảnh hưởng vì là đơn vị gửi đề cử VQG Côn Đảo là khu Ramsar lên quốc tế. Ramsar không phải trò chơi!” – GS-TS Trí nhấn mạnh.
Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học – Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho biết theo nguyên tắc, các Ramsar khi có sự thay đổi thì ban quản lý VQG phải có văn bản báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TN-MT. Trên cơ sở đó, Bộ TN-MT sẽ báo cáo lên Ban Thư ký Công ước Ramsar quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ TN-MT chưa nhận được văn bản báo cáo về sự thay đổi này.
Ramsar biển đầu tiên
Theo thống kê sơ bộ, VQG Côn Đảo có khoảng 1.000 loài thực vật, 30 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát. Một số loài và phân loài đặc hữu cho vùng như sóc đen Côn Sơn, bồ câu nicoba, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh, gầm gì trắng… Năm 1995, VQG Côn Đảo đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách Hệ thống các khu vực biển quan trọng cần bảo vệ trên toàn cầu. Năm 2014, Ban Công ước Ramsar quốc tế chứng nhận VQG Côn Đảo là khu Ramsar của thế giới. Đây là khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam và là Ramsar biển đầu tiên. |