ThienNhien.Net – Đó là con số mới được công bố trong Bản tin Thủy sản Catch and Culture tập 21 số 3 của Ủy hội sông Mê Công (MRC) đầu năm nay.
Chỉ ra giá trị và đánh giá những đóng góp từ dòng Mê Công cho GDP của các quốc gia mà con sông này chảy qua là lâu nay vẫn là mục tiêu chiến lược mà các nhà chức trách và các tổ chức phi chính phủ sử dụng để bảo vệ dòng sông dài thứ 12 trên thế giới này.
Và MRC cùng các nhà khoa học đã đi được khá xa trong việc tìm câu trả lời cho mục tiêu trên. Trong Bản tin Catch and Culture mới nhất, MRC cho biết chỉ tính riêng giá trị thủy sản, sông Mê Công đã đem lại giá trị 17 tỉ USD/năm, đóng góp 3% cho tổng GDP của Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Tính toán của MRC dựa trên con số sản lượng đánh bắt hàng năm là 4,4 triệu tấn. So sánh với thương mại thủy sản thế giới, con số này khá ấn tượng, chiếm 13% tổng sản lượng thương mại thủy sản toàn cầu năm 2015 (130 tỉ USD).
Những con số MRC công bố gia tăng tính thuyết phục cho các chiến dịch vận động kêu gọi tạm hoãn xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được cho là sẽ đe dọa sinh kế của hơn 60 triệu dân đang sống phụ thuộc vào dòng sông.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu và xâm mặn là những mối đe dọa khác mà khu vực Mê Công đang phải đối mặt giữa lúc MRC có nhiều xáo trộn. Thể chế khu vực này (MRC) đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính trong bối cảnh đồng tiền mất giá và suy giảm lòng tin từ các nhà tài trợ do thiếu công khai trong quản lý tài chính.
Thêm vào đó, sự chi phối từ chính phủ Lào, vốn đang rất cần sự ủng hộ quốc tế cho tham vọng xây dựng thủy điện, có thể dẫn đến việc MRC sẽ chuyển trụ sở hoạt động từ Vientiane sang Phnom Penh, nơi họ cũng đã có một trong hai trụ sở hoạt động.
Có nguồn tin cũng cho biết phe cánh của Lào trong MRC đã cố gắng ém nhẹm báo cáo nói trên. Bởi lẽ, rốt cuộc những con số trong báo cáo đã hỗ trợ đắc lực cho những nhận định về giá trị kinh tế quan trọng của nguồn thủy sản sông Mê Công đối với nền kinh tế của các quốc gia và khu vực. Trong khi đó, nguồn lợi này đang bị đe dọa bởi các con đập thủy điện sẽ ảnh hưởng tới quá trình di cư và sinh sản của các loài cá.
Phương thức đánh bắt truyền thống và nuôi trồng thủy sản trên sông ước tính đóng góp 3 tỷ USD, tương đương 18% tổng GDP (16,71 tỷ USD) của Campuchia trong năm 2015.
Với Lào, đánh bắt thủy sản đem lại 1,51 tỷ USD chiếm 12,8% tổng GDP (11,78 tỷ USD) năm 2015.
Trong khi đó, Việt Nam cũng thu được 5,74 tỷ USD từ nguồn lợi thủy sản Mê Công, tương đương 3,1% GDP (186,21 tỉ USD).
Với nền kinh tế lớn hơn là Thái Lan, nguồn lợi thủy sản từ sông Mê Công chiếm khoảng 6,72 tỷ USD, đóng góp 1,8% cho GDP(373,8 tỉ USD).
Không chỉ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cũng đang đóng góp đáng kể vào các nền kinh tế trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng của hoạt động nuôi trồng thủy sản trong khu vực cao gấp ba lần tốc độ tăng trưởng toàn cầu, đóng góp 5,8 tỷ USD trong năm 2015, cao hơn so với con số 4,8 tỷ USD trong năm 2010 và ít hơn 1 tỷ USD so với năm 2003.
Sản xuất, nuôi trồng thủy sản thế giới cũng được dự báo sẽ vượt qua sản lượng đánh bắt cá truyền thống vào năm 2023. Điều này giúp tái định hướng cho ngành công nghiệp chế biến và cải thiện cuộc sống của hàng triệu ngư dân đang phải giật gấu vá vai sống qua ngày.