ThienNhien.Net – Đó là nhận định của Bộ NN-PTNT tại hội nghị “Phòng chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL” diễn ra vào sáng 17-2, tại TP Cần Thơ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên mùa mưa đến trễ, kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt từ 20-50% so trung bình nhiều năm. Mùa khô năm 2015-2016, do thiếu nước ngọt, mặn đã xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ hàng năm khoảng 2 tháng và xâm nhập sâu vào nội đồng các tỉnh ĐBSCL.
Cụ thể, vào đầu tháng 2-2016, độ mặn ở khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu cao hơn cùng kỳ từ 5,4- 11,7g/l; ở khu vực các cửa sông Tiền cao hơn cùng kỳ từ 1,7- 9g/l… Từ giữa tháng 2 trở đi, các vùng cách biển từ 25-45km đã bị nước mặn xâm nhập, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Thống kê mới nhất, ở Kiên Giang đã có 57.899ha lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng hạn mặn, trong đó gần 30.000ha bị thiệt hại. Khoảng 32.000ha lúa thu đông muộn ở Cà Mau và Bạc Liêu bị mặn tấn công. Tại Bến Tre cũng có khoảng 4.000ha lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn, mặn; trong khi ở Tiền Giang đã có khoảng 900ha lúa mất trắng, gần 10.000ha khác có nguy cơ thiệt hại trong những ngày tới…
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, đợt xâm nhập mặn lần này ở ĐBSCL là đặc biệt nghiêm trọng trong vòng khoảng 100 năm qua, với ba đặc điểm “sớm, xâm nhập sâu vào đất liền và kéo dài ngày”; có những nơi chưa từng bị xâm nhập mặn như Vĩnh Long thì nay đã bị mặn tấn công.
Ước tính sơ bộ thì đến thời điểm này hạn, mặn đã làm thiệt hại về cây lúa của nông dân vùng ĐBSCL cả ngàn tỷ đồng và nguy cơ lúa chết còn tiếp tục xảy ra. Lo ngại nhất, không chỉ vụ đông xuân hiện tại mà cả vụ hè thu tới cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, Bộ NN-PTNT, các bộ ngành liên quan và các tỉnh ĐBSCL phải quyết liệt vào cuộc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng và hậu quả của nó rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Chính vì thế, các bộ ngành Trung ương, các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng chống hạn mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể, phù hợp và huy động sức mạnh tổng lực để phòng chống hạn, mặn; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về hạn, mặn năm nay để cùng vào cuộc.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL bằng mọi cách phải đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước uống, thiếu ăn và có biện pháp đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra. Việc phòng chống thiên tai cần làm ngay, kịp thời; vì vậy các tỉnh nên giảm bớt các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống hạn, mặn. Ngoài giải pháp trước mắt về bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân, các tỉnh và Bộ NN-PTNT nên tính toán việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới cho phù hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại. Bộ Tài nguyên- Môi trường theo dõi chặt diễn biến thời tiết, hạn mặn… để thông báo kịp thời cho từng địa phương, người dân ứng phó. Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh ĐBSCL chống hạn, mặn; trong đó những nơi cần thiết thì xây dựng ngay trạm cấp nước, khoan giếng… giải quyết nguồn nước cho dân. Về lâu dài, cần nghiên cứu các giải pháp phòng chống hạn mặn căn cơ cho vùng ĐBSCL…