Phải cải cách để phát triển

ThienNhien.Net – TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng đội ngũ lãnh đạo đầy năng lượng cùng rất nhiều điểm mới trong Nghị quyết của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, kết hợp tiến trình hội nhập sẽ thúc đẩy thay đổi thể chế, tạo ra vận hội mới cho đất nước.

Phóng viên: Ông cảm nhận như thế nào về không khí thay đổi thể chế sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng?

150216_kinhte
TS Nguyễn Đình Cung

Có thể nhìn thấy sự thay đổi từ đội ngũ lãnh đạo mới của Đảng gồm 19 Ủy viên Bộ Chính trị. Trong đó, chỉ 7 ủy viên tái cử và có đến 12 ủy viên mới. Phần lớn những người mới đều rất trẻ, rất năng động và thực tiễn. Còn những người tái cử lại rất tâm huyết, kinh nghiệm, có thành tựu trong các lĩnh vực. Ở đội ngũ lãnh đạo khóa XII đều có một điểm chung là mong muốn và quyết liệt đổi mới

Phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước (Ảnh: Tấn Thạnh)
Phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Hiệp Phước (Ảnh: Tấn Thạnh)

Thêm nữa, nghị quyết của đại hội lần này cũng có nhiều điểm mới, thực sự khác biệt. Trong đó, theo tôi, quan trọng nhất là định hướng “Xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế (…) vận hành đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch”. Quan điểm lớn thứ hai cũng mang tính định hướng rõ nét: “Tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường”. Thực chất, những điểm mới này thể hiện sự đổi mới tư duy và nó hoàn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của cải cách thể chế đặt ra trong thời điểm này. Chỉ có cải cách thể chế mới thúc đẩy được sự phát triển của kinh tế – xã hội.

Chúng ta đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào ngày 4-2. Nhà nước và doanh nghiệp (doanh nghiệp) đã chạy đà trên đường đua mới thế nào, thưa ông?

– TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nó là cơ hội nhưng cũng là áp lực, thách thức lớn cho cải cách. Bởi vì chỉ có cải cách mới hiện thực hóa được những cơ hội mà hiệp định mới này mang đến cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, kết hợp cả 3 yếu tố là năng lượng mới của đội ngũ lãnh đạo, nghị quyết mới với nhiều điểm khác biệt và áp lực mới của tiến trình hội nhập sẽ mang lại động lực để cải cách, tận dụng cơ hội, đẩy lùi thách thức.

Còn thực tế hiện nay, chúng ta chưa chạy đà gì cả. TPP như một dòng thác. Chúng ta không thể không cải cách và sử dụng năng lượng của dòng thác ấy phục vụ cho sự phát triển, cho lợi ích của mình. Còn nếu như không chuẩn bị, đi ngược dòng, không có thay đổi… thì sẽ bị nó cuốn đi.

Vậy “sức khỏe” doanh nghiệp của chúng ta ra sao trước dòng thác hội nhập mạnh mẽ này?

– Tôi cho rằng có lẽ thời điểm này không phải là lúc nói đến “sức khỏe” của doanh nghiệp nữa. Nếu làm được điều như trên đã phân tích thì “sức khỏe” của doanh nghiệp đương nhiên sẽ được cải thiện. Mọi thứ phải được hiện thực hóa. Bởi lẽ, cái quan trọng với doanh nghiệp là niềm tin, là sự hứng khởi, là động lực mới và nếu như họ tìm được những điều đó trong một người lãnh đạo biết hiện thực hóa thì tự nhiên họ sẽ bừng nở, phát triển.

Kinh tế từ hết năm 2015 đã qua giai đoạn phục hồi và ổn định để chuyển sang cải cách và phát triển. Điều này thôi thúc chúng ta cần có bước làm tiếp theo ra sao, thưa ông?

– Chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác chính là tất yếu khách quan của sự vận động. Cần phải tạo đà cho sự cải cách, phát triển bởi đến thời điểm không thể đi tuần tự mà cần có một bước nhảy đủ mạnh. Những thứ cần phải cải cách hiện giờ là thể chế, nguồn lực… Trong đó, đặc biệt là thể chế.

Quan trọng nhiều khi không phải là một hành động cụ thể mà ở tinh thần đổi mới. Tinh thần của đổi mới phải thể hiện ngay trong thông điệp phát biểu của những nhà lãnh đạo mới trong nhiệm kỳ này; thể hiện qua sự chuyển giao 2 nhiệm kỳ; thể hiện qua sự lạc quan, quyết tâm cải cách và cải cách hơn nữa.

Ý KIẾN

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt: “Cởi trói” trong kiểm dịch cho doanh nghiệp

Điều kỳ vọng nhất của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất – kinh doanh trứng gia cầm, thực phẩm năm nay có lẽ là sự thông thoáng trong vấn đề kiểm dịch. Trước đây, khi chưa có Luật Thú y, cơ quan quản lý chỉ thực hiện theo pháp lệnh nên những thủ tục liên quan khá rườm rà, chồng chéo. Phải đến ngày 1-7-2015, Quốc hội thông qua Luật Thú y và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 với các thông tư, nghị định, trong đó có quy định trong khu vực nội tỉnh không cần giấy kiểm dịch. Quy định mới này sẽ cởi trói rất nhiều cho doanh nghiệp. Hiện nay, quy trình kiểm dịch của cơ quan thú y đang siết chặt giống như thời dịch cúm. Một lô trứng xuất từ quận 12 về quận 1 phải có số xe, thông tin thể hiện giờ xuất đi, nơi đến. Rồi cơ quan thú y nơi đi phải niêm phong, cấp giấy xong, cơ quan thú y nơi đến lại tháo niêm phong… Những điều này đang “bó chân” doanh nghiệp.

Bà Lê Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Saigon Food: Dồn lực cho thị trường nội địa

Dù vẫn đang chế biến, gia công hàng thủy hải sản xuất khẩu sang thị trường Nhật khá ổn định nhưng chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới là dồn lực cho thị trường nội địa. Năm 2016 được đánh giá là năm Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, hội nhập là cơ hội để đẩy mạnh thị trường nhưng riêng nội địa lại là thách thức rất lớn. Với những doanh nghiệp sản xuất hàng chế biến như Saigon Food, việc tập đoàn nước ngoài vào mở rộng hệ thống bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp có thêm mạng lưới phân phối nhưng ngược lại cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại. Do đó, trong năm qua, chúng tôi đã có chiến lược mở thêm nhiều kênh phân phối, có biện pháp ứng phó trong hội nhập và đây cũng là bước đi cần thiết để các doanh nghiệp nội địa có thể trụ vững trên sân nhà.

Thái Phương ghi

GÓC NHÌN

Mong ước đầu năm

Những ngày đầu Xuân Bính Thân 2016 đã qua, dẫu không thật trọn vẹn nhưng khá đẹp. Đẹp từ cảnh trí thiên nhiên đến thời tiết và cả sự cố gắng của các cơ quan chức năng, địa phương.

Xuân về, ai nấy đều hằng mong vạn điều tốt đẹp sẽ đến, trọn vẹn, đong đầy trong suốt vòng quay 365 ngày của vũ trụ. Cảm xúc đong đầy ấy có thể nhìn thấy từ những tấm lòng thơm thảo, tinh thần lá lành đùm lá rách của bà con ta đã được phát huy ở mức độ cao. Giáp Tết năm nay, không ít người còn vương nợ áo cơm, một tỉ lệ không nhỏ công nhân thất nghiệp, thiếu tiền, không thể về quê, phải đón Tết tha hương… đã được các ngành, các cấp, các tổ chức từ thiện hỗ trợ đón Xuân – dẫu chưa thật đầy đủ nhưng ít ra cũng vơi nỗi ngậm ngùi.

Và rồi, trước thềm năm mới, chúng ta lại trăn trở. Bởi lẽ, liệu rằng những “hạt mưa nhuần tình cảm” ấy có đủ tưới cho những mảnh đời trên cả nước? Và liệu rằng trong những mùa xuân tới, số bà con nghèo có thể giảm thiểu được bao nhiêu để có những ngày Tết ấm áp, an lành, không phải lo toan, chật vật?

Vậy nên, điều căn cơ nhất là nhà nước cần có sự chỉnh sửa, đổi mới những chính sách an sinh xã hội quan trọng, trong đó vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là hết sức cấp bách. Công cuộc chống tham nhũng và lãng phí phải có sự chuyển biến thật sự về chất lượng. Theo ông  Phạm Trọng Đạt  – Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đã có trên 300 tin báo liên quan đến tiêu cực, tham những trong những ngày trước Tết vừa qua, trong số đó có nhiều thông tin cần làm rõ. Lẽ đương nhiên, những kẻ làm nghèo đất nước, sống xa hoa trên công sức, xương máu của dân phải bị nghiêm trị chứ không thể nương tay.

Một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh sẽ giúp mỗi người có được cái Tết đàng hoàng, ấm cúng từ những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi, chất xám chân chính của mình. Và cũng sẽ không còn ai mang mặc cảm vì phải ngửa tay đón nhận sự cưu mang, đùm bọc của người khác, dù đó là đồng bào.

Lê Trường