ThienNhien.Net – “Nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào” nhưng tính lại cho cùng, học thuyết tiến hóa từ khỉ thành người có lẽ phải gọi là thoái hóa!
Theo học thuyết tiến hóa của Darwin, con người sở dĩ có được ngoại hình bắt mắt như hôm nay là do tiến trình thăng hoa từ loài khỉ – lúc đầu lom khom lông lá toàn thân, sau thành con người đứng thẳng trên 2 chân rũ gần sạch lông, chỉ còn giữ lại ở vài vùng làm cảnh. Chỉ có điều nghịch lý là cụm từ tiến hóa, tạm hiểu là biến hóa để tiến bộ, liệu có thực sự chính xác nếu so sánh thẳng thắn vài nét của loài khỉ “lạc hậu” với con người “tiến bộ”?
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín
Nếu thủy tổ của chúng ta là loài khỉ thì con người quả thật man rợ vì con cháu đời nay hãnh diện khoe tài hưởng thụ của người sành điệu khi bổ óc ông bà xơi tươi, chặt tay tiền nhân làm khô nhấm rượu, nấu xương bậc trưởng thượng làm cao! Ngày xưa, ngay cả bạo chúa như Tần Thủy Hoàng của Trung Quốc giết người hàng loạt cũng không ăn thịt ông bà dã man đến thế. Cớ sao con người độc ác như vậy mà lại tự nhận là “nhân” – khi nhân bản, lúc nhân văn, thậm chí củ sâm cũng ráng bắt quàng làm họ gọi là nhân sâm?
Một “bà” khỉ trong thảo cầm viên Munich đã được nhà nước bên Đức tuyên dương với huy chương xã hội “bội tinh hạng nhất” vì anh dũng bảo vệ một đứa trẻ lỡ chân rơi vào chuồng đười ươi xưa nay mang tiếng hung dữ. Ai bảo khỉ không hiểu thế nào là xả thân vì điều phải? Ở Thái Lan có ngôi chùa khỉ nổi tiếng với đàn khỉ sáng nào cũng ngồi ngay ngắn, yên lặng chờ của bố thí của khách tứ phương. Khỉ ở đây qua đường thậm chí còn biết chờ đèn đỏ. Ai bảo phải trông con người làm gương?
Nếu thấy khỉ nhảy nhót lung tung rồi tưởng chúng xô bồ xô bộn thì lầm. Ít ai biết là khỉ đầu đàn mỗi khi triệu tập “thành viên” để chia phần ăn thì cả đàn có mặt rất đúng giờ, rất nghiêm trang. Phần ăn được chia ưu tiên cho khỉ cao tuổi, đang mang bầu hay đau yếu. Trong xã hội loài khỉ làm gì có chuyện đón khách lúc 17 giờ, mãi đến 20 giờ mới nhập tiệc và 20 giờ 30 phút đã tan cuộc, bỏ mặc món tráng miệng. Trong tập thể loài khỉ làm gì có chuyện phát biểu lê thê cho dù chính diễn giả cũng không hiểu muốn nói gì. Cớ sao con người khi cần nhạo báng chuyện gì lại gọi là “trò khỉ”? Thảo nào trong chùa Trấn Quốc có treo tấm gương dưới có câu “Hãy nhìn vào đây, bạn sẽ thấy hình ảnh của con thú ác nhất trần gian”!
Có tác giả nào đó vì quá yêu người nên chê khỉ kém thông minh. Nói nghe có sách nhưng không bằng mách có chứng: Chuyên gia về thần kinh học bên Mỹ đã chứng minh khỉ có chỉ số thông minh IQ hơn xa nhiều bậc học giả. Thế mới đau! Nếu khỉ dại chẳng qua “dại chốn văn chương”, trong khi con người “khôn nghề cờ bạc”. Cứ lấy chuyện chữa bệnh thì hiểu ngay. Trong khi con người hễ đau yếu phải trông mong vào “phước chủ may thầy” nhưng chẳng mấy khi “đúng thầy đúng thuốc”, phải “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng” mà vẫn ngộ độc thuốc như chơi, thì khỉ mỗi khi mắc bệnh là biết vào rừng chọn ngay cây thuốc gãi đúng chỗ ngứa. Chẳng những dạy cho con cách dùng thuốc, khỉ còn dạy cách bắt chí để vừa tỏ tình đoàn kết vừa làm sạch da mà không cần mỹ phẩm hàng hiệu, lại bổ sung chất đạm, thay vì nhẹ dạ vét túi cho quảng cáo đường mật của thực phẩm chức năng bán qua đường đa cấp. Cớ sao lại bảo khỉ khờ?!
Làm người phải giữ chữ tín, con người thường tự hào như thế. Thậm chí, Tết đến, có người thuê viết thư pháp chữ “Tín” treo tường, cứ như không đọc là quên ngay! Nếu tưởng khỉ không hiểu điều đó thì lầm. Ở Eberbach – miền Nam nước Đức, có ông già độc thân bầu bạn cùng chú khỉ Chimpanse cho qua kiếp con người. Chú khỉ sáng sớm nào cũng mang chiếc giỏ bỏ sẵn mấy đồng đến tiệm bánh mì quen mặt để tiền trao cháo múc đúng 1 ổ bánh mì. Một hôm, chủ tiệm thử lòng khỉ nên lén bỏ vào giỏ thêm 1 ổ. Trên đường về, khỉ phát hiện liền quay lại trả ổ bánh mì vì xưa nay thuận mua vừa bán chỉ 1 ổ mà thôi. Chủ tiệm khăng khăng không nhận, khỉ cương quyết lắc đầu. Nhìn cảnh đó rồi xem lại video clip quay ở cảnh anh tài xế khóc ròng vì xe gặp nạn đổ bia ra đường và nhiều người áo quần bảnh bao đua nhau hôi của bỗng thấy áy náy làm sao, nhất là tối đó lại xem phim Tarzan với chú khỉ xả thân cứu bạn!
Nên người hay nên… khỉ?
Khỉ rõ ràng không hề đọc Tứ Thư, rõ ràng không có học vị tiến sĩ, giáo sư nhưng dường như thông suốt đạo làm… khỉ, dường như quán triệt lối cư xử có trước có sau nồng ấm tình khỉ! Chắc có lẽ vì thế mà khỉ không cần lo lắng chuyện biến đổi môi trường vì trái đất nóng lên, trong khi lòng người càng lúc càng băng giá.
Loài khỉ rõ ràng không đọc Ngũ Kinh nhưng vậy mà vẫn còn lương tâm loài khỉ nên cha con không đưa nhau ra tòa vì tranh chủ quyền miếng đất, chồng vợ không cần thủ sẵn hợp đồng chia cắt tài sản trước khi ký giấy hôn thú! Họ nhà khỉ rõ ràng không hề đến trường nên không có giờ giáo dục công dân theo kiểu treo biểu ngữ “tiên học lễ, hậu học văn” để rồi “tiên học vô lễ, hậu học… thêm”!
Ngay cả ngoại hình cũng thế, khỉ nếu lom khom chẳng qua vì không thể đứng thẳng quá lâu, khác với nhiều người thừa sức đứng thẳng nhưng lại thích cong lưng luồn cúi vì thời này xương sống càng dẻo hình như càng dễ kiếm ăn. Tính lại cho cùng, học thuyết tiến hóa từ khỉ thành người phải gọi là thoái hóa mới trọn nghĩa “nghe qua ngậm đắng nuốt cay thế nào”!
Ai có dịp ghé qua nước Đức, viếng sở thú Berlin khi thăm chuồng khỉ đột sẽ bắt gặp một hình ảnh khó hiểu. Đó là đại gia đình khỉ đột được nuôi dưỡng trong chuồng lồng kính vừa rộng rãi vừa tiện nghi với ngoại cảnh và nội thất y như trong rừng xanh để du khách trầm trồ với con khỉ ngày nào dọc ngang nào biết trên đầu có ai nhưng nay chịu cảnh lao tù dù là cuộc sống sang trọng, cứ như du lịch trọn gói với khách sạn 5 sao. Vậy mà đại gia đình khỉ đột đều ngồi bất động xoay lưng về phía du khách như tượng đá dưới trăng. Các khỉ mẹ ôm con thật chặt vào lòng, lấy tay che mắt chúng, miệng gầm gừ nho nhỏ gì đó. Không kể chi du khách qua đường mua vui ít phút, ai sống lâu với khỉ mới hiểu ra là khỉ mẹ chẳng qua muốn dạy con qua lời ru khọt khẹt: “Con ơi con à, con ngủ cho ngon, mai này khôn lớn, sống sao cũng được, đừng giống con người, tủi thân loài khỉ”!…
Chắc gì tiến hóa lúc nào cũng hay, chắc gì thoái hóa bao giờ cũng vụng?!
Kỳ tới: Đạo và đời qua hình tượng con khỉ