ThienNhien.Net – Tổng thống Mỹ Obama bác bỏ dự án đường ống Keystone, hạn hán và hỏa hoạn lịch sử tàn phá miền Tây nước Mỹ và Canada. Thế giới cam kết hành động vì khí hậu tại Paris. Đông Nam Á sẽ còn phải chịu tác động từ đám cháy tồi tệ nhất tại Indonesia trong nhiều năm nữa. Shell bác bỏ kế hoạch khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực…Đó là một vài trong số những câu chuyện môi trường điển hình trong năm 2015 được trang web Mongabay tổng hợp và giới thiệu.
1. Thế giới cam kết hành động vì khí hậu tại Paris
Sự kiện lớn nhất trong năm, nơi tập trung các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia – COP 21 tại Paris – đã đạt được thỏa thuận lịch sử đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Từ các nước giàu như Mỹ, Trung Quốc cho đến các nước nghèo đang đấu tranh chống lại tác động của nước biển dâng và nhiệt độ tăng, tất cả đã cùng thông qua Thỏa thuận Paris, cam kết cắt giảm khí nhà kính với mục tiêu duy trì nhiệt độ tăng toàn cầu dưới mức 2oC so với thời kì tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần kết hợp nhiều hành động bao gồm hướng tới tiêu thụ năng lượng hiệu quả, giảm phá rừng và suy thoái rừng, đồng thời hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch.
Một vài điều khoản trong thỏa thuận mang tính chất ràng buộc về pháp lý, nhưng hầu hết các phần liên quan đến giảm phát thải đều mang tính chất tự nguyện, mặc dù 2015 đã trở thành năm nóng nhất trong lịch sử và dự kiến 2016 thậm chí còn nóng hơn. Tổ chức Khí tượng Quốc tế đã cảnh báo nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng tới 6oC hoặc hơn nếu không kịp thời hành động.
2. Khói bụi tồi tệ và kéo dài nhất trong lịch sử tại Indonesia.
Nạn khói mù do cháy rừng tại Indonesia xảy ra hàng năm, nhưng đặc biệt tồi tệ vào năm 2015 do El Nino khiến mùa mưa đến chậm, kéo dài tình trạng khô hạn tại hầu hết các tỉnh thành. Đây là trận khói bụi tồi tệ nhất trong lịch sử khiến 19 người chết và hơn nửa triệu người dân phải hứng chịu các căn bệnh liên quan đến hô hấp, chỉ tính riêng tại Indonesia.
Các đám cháy rừng và khói mù không chỉ gây hại tới sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài động thực vật hoang dã, khả năng tái sinh và quang hợp của cây cối. Theo Hệ thống Dữ liệu Phát thải do Cháy rừng toàn cầu, đám cháy đã phát sinh khoảng 600 triệu tấn carbon vào khí quyển, khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu càng trở nên trầm trọng và các đám cháy rừng trong tương lai sẽ nghiêm trọng hơn.
Chính phủ Indonesia đã ra quyết định phạt và thu hồi giấy phép sử dụng đất của 23 công ty chịu trách nhiệm với các đám cháy. Indonesia không phải là nước duy nhất chịu ảnh hưởng. Hình ảnh vệ tinh từ NASA cho thấy đám cháy lan tới hầu hết khu vực Đông Nam Á.
3. Công ty Shell bác bỏ kế hoạch khai thác dầu mỏ tại Bắc Cực
Con tàu phá băng Fennica đã gặp phải cuộc biểu tình gay gắt khi rời Thành phố Portland tới Biển Chukchi tại Bắc cực. 13 nhà hoạt động xã hội Greenpeace đã chặn cây cầu St. John với một đội tầu nhỏ trong vòng 2 ngày trước khi các lực lượng có thể dọn đường cho con tầu Fennica. Hai tháng sau đó, Shell công bố chính thức thất bại với kế hoạch tại Bắc cực mặc dù những lần khoan thử nghiệm cho kết quả tốt.
Đại diện công ty tuyên bố lý do từ bỏ tham vọng Bắc cực là vì một tương lai “có thể nhìn thấy trước”, trước thực tế giá dầu giảm lịch sử và thế giới cuối cùng đã chung tay cam kết hành động vì khí hậu. Theo tờ Guardian, Shell cũng thừa nhận quyết định bất ngờ này cũng do những phản đối kịch liệt mà công ty gặp phải.
4. Mặc dù mức độ phá rừng tại Brazil năm 2015 có dấu hiệu tăng nhưng tổng mức độ phá rừng trên toàn khu vực Amazon giảm
Tình trạng phá rừng tại Brazil giảm mạnh trong vòng 1 thế kỉ qua, được cho là có thể đã cứu sống 1.700 sinh vật trong một năm. Đây là một tin vui đối với các loài động thực vật hoang dã, những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và khí hậu toàn cầu.
Nhưng một phân tích từ dữ liệu vệ tinh hồi đầu năm 2015 chỉ ra rằng tỷ lệ phá rừng tại khu vực Amazon trên lãnh thổ Brazil đã duy trì ở mức cao trong vòng 7 năm, và thậm chí chính quyền quốc gia này cũng đã xác nhận tốc độ phá rừng tăng khá cao trong năm 2015 so với những năm trước đó. Mặc dù vậy, tổng mức phá rừng trên toàn Amazon có xu hướng giảm.
5. Cuộc đại tuyệt chủng toàn cầu thứ 6 đang diễn ra, nguyên nhân chính là do con người
Đầu năm nay, một nghiên cứu đã xác nhận điều mà các nhà khoa học đã bàn luận trong nhiều thập kỷ qua: con người đang gây ra cuộc đại tuyệt chủng toàn cầu lần thứ 6 với mức độ trầm trọng sánh ngang với các cuộc đại tuyệt chủng trong quá khứ gây ra bởi những biến cố lớn như thiên thạch, sao chổi lớn va chạm vào trái đất và núi lửa hoạt động trở lại. Trên thực tế, con người đã xóa sổ các loài vật nhanh gấp 100 lần mức từng có trong lịch sử.
Các nhà khoa học khẳng định vẫn có thể đảo ngược được tình thế, nhưng để làm được điều đó, cần có các nỗ lực bảo tồn triệt để đối với các loài vốn đã bị đe dọa và giảm bớt áp lực đối với quần thể hoang dã, đặc biệt là áp lực từ các hoạt động phá hủy môi trường sống, khai thác tận diệt vì lợi ích kinh tế và biến đổi khí hậu.
6. Biến động giá dầu cũng như các mặt hàng khác trong nhiều năm qua
Giá dầu tiếp tục giảm vào đầu tháng cuối năm 2015, thấp hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, không phải do nhu cầu giảm mà do khai thác bùng nổ tại Nam Mỹ khiến lượng cung tăng đột biến. Không chỉ riêng dầu mỏ, nhiều loại hàng hóa khác cũng bị giảm giá trên toàn cầu từ đầu năm 2014. Giá dầu cọ giảm 40%, đậu tương giảm một phần ba, thịt bò giảm 10%. Điều này phần nào cứu các khu rừng nhiệt đới, những nơi bị phá hủy để nhường chỗ sản xuất các mặt hàng này, bởi nguồn vốn đầu tư cho các công ty sản xuất nông nghiệp và khai thác tài nguyên đã dần cạn kiệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tế còn phức tạp hơn nhiều. Giá cả hàng hóa thấp khiến các chính phủ giảm chi tiêu cho các chương trình bảo tồn, tăng nhu cầu thay đổi mục đích sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp phục vụ sinh kế, và gia tăng tình trạng các công ty tạo áp lực chính trị để giảm bảo vệ rừng.
Mặt khác, giá cả hàng hóa thấp đồng thời cũng là cơ hội cho các đơn vị bảo tồn thành lập các khu bảo tồn tại các khu vực đất thu gom được và thuyết phục chính quyền dành riêng cho khu vực bảo tồn.
7. Điều tra cho thấy Hãng ExxonMobil đã biết đến những mối nguy từ biến đổi khí hậu ít nhất là từ những năm đầu thập niên 80, nhưng vẫn tiếp tục các dự án gây tổn hại tới khí hậu
Điều tra từ hai Tạp chí Inside Climate News và LA Times tiết lộ rằng những quản lý cấp cao tại Công ty ExxonMobil đã từng được các nhà khoa học của chính công ty cảnh báo về những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu từ năm 1981.
Trước cảnh báo đó, công ty đã tổ chức một chiến dịch đại chúng nhằm trì hoãn các hành động ứng phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, tiêu tốn hơn 30 triệu USD cho các nhóm phân tích chính sách và các nhà nghiên cứu có cổ vũ cho việc phủ nhận khoa học khí hậu. Đến nay, từ Ứng cử viên Tổng Thống Mỹ Bernie Sanders cho đến các thượng nghị sĩ Mỹ và các thành viên Nhà trắng đều kêu gọi Exxon chịu trách nhiệm cho hành động trên. Ông Eric Schneiderman, chưởng lý New York cũng đã khởi động điều tra sâu về việc liệu công ty này có cố tình lừa dối các nhà đầu tư và công chúng về biến đổi khí hậu hay không.
8. Các nhà hoạt động môi trường bị ám sát vì bảo vệ hành tinh
Theo báo cáo của tổ chức Phi chính phủ Global Witness tại Luân Đôn công bố đầu năm 2015, “mỗi tuần có ít nhất 2 người chết vì đấu tranh chống lại các hoạt động tàn phá môi trường.”
Báo cáo đưa ra con số 116 nhà hoạt động môi trường đã bị ám sát vào năm 2014. Gần một nửa trong số đó là các nhà hoạt động người bản địa, hầu hết bị giết hại vì phản đối các dự án thủy điện, khai khoáng và kinh doanh nông nghiệp trên vùng đất của mình.
Năm 2015, tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn. Mặc dù không phải tất cả các vụ đều được chứng minh có liên quan đến hành động của nạn nhân, đây là một vài trong số những anh hùng đã đóng góp cuộc đời mình cho trái đất:
Rigoberto Lima Choc bị bắn giữa ban ngày tại một thị trấn trung tâm Sayazché, Guatemala sau vụ kiện yêu cầu một công ty dầu cọ ngưng hoạt động do có liên quan đến sự việc cá chết hàng loạt.
Fernando Salazar Calvo, một thành viên tích cực kiêm người phát ngôn của Hiệp hội khai khoáng thủ công khu Bản địa Cañamomo Lomaprieta, cũng bị bắn chết ngoài nhà riêng của mình.
Jopi Peranginangin, nhà hoạt động người Indonesia 39 tuổi phản đối việc mở rộng trang trại dầu cọ tràn lan và đứng đầu các chiến dịch cho Sawit Watch – một mạng lưới theo dõi và phản đối sản xuất dầu cọ tai, đã bị đâm chết ngoài một câu lạc bộ phía Nam Jakarta.
Telésforo Odilo Pivaral Gonzalez bị bắn chết vì phản đối dự án khai thác quặng bạc gây xung đột Escobal.
Cán bộ sở kiểm lâm Sieng Darong và cảnh sát Sab Yoh bị bắn khi tuần hành trong một khu rừng bảo tồn tại Campuchia.
Và chỉ mới tháng 11/2015, Alfredo Ernesto Vracko Neuenschwander, một thợ mộc dẫn đầu cuộc đấu tranh chống một nhóm khai thác vàng trái phép xâm chiếm rừng của tại khu bảo tồn Tambopata, Peru, bị bắn tại chính ngôi nhà của mình.
9. Hạn hán và hỏa hoạn chưa từng có tàn phá miền Tây nước Mỹ và Canada
01/04/2015, tuyết trên dãy núi Sierra Nevada thuộc California chỉ còn tương đương 5% mức trung bình trong lịch sử – mức thấp nhất trong vòng 500 năm qua.
Bang Golden, giống như hầu hết các bang khác tại Hoa Kỳ, đang hứng chịu trận hạn hán kéo dài nhiều năm. Gần một phần ba nguồn nước sinh hoạt của người dân California đến từ các tảng băng trên dãy Sierra Nevada đầu năm 2015 đã được kết luận là chỉ còn lại một năm sử dụng. Lệnh hạn chế sử dụng nước trên toàn bang lần đầu tiên được ban bố.
California không phải là khu vực duy nhất phải hứng chịu. Khô hạn đã dẫn đến những đám cháy tồi tệ trên khắp lãnh thổ miền Tây nước Mỹ và Canada. Khoảng 2 triệu hecta bang Alaska, 4 triệu hecta trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ đã bị cháy tính đến tháng 8 năm 2015, khiến 2015 trở thành năm hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, theo tờ Washington Post.
Trong khi đó, hàng ngàn người phải di cư khỏi miền Tây Canada do hỏa hoạn. Nghiên cứu cho thấy các hạt lơ lửng trong không khí do các đám cháy làm gia tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh tim mạch.
10. Tổng thống Mỹ Obama bác bỏ dự án đường ống Keystone XL
Chỉ một tháng trước khi cuộc đàm phán khí hậu quan trọng diễn ra tại Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố bác bỏ dự án đường ống Keystone XL. Nhấn mạnh tác động của dự án đối với khí hậu toàn cầu, Tổng thống Obama khẳng định đường ống dự định dành để vận chuyển cát thô từ Alberta đến các nhà máy luyện kim tại Vịnh duyên hải Hoa Kỳ không mang lại lợi ích quốc gia.
11. Nhân loại vẫn có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu nếu hạn chế được nạn phá rừng nhiệt đới – một mục tiêu trong tầm tay
Một nghiên cứu công bố ngay trước thềm hội nghị Paris chỉ ra rằng nếu nạn phá rừng nhiệt đới có thể giảm một nửa cho đến năm 2020, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể giảm đáng kể.
Hiển nhiên rằng phát thải sẽ được hạn chế khá nhiều nếu giảm được nạn phá rừng: theo các nhà nghiên cứu, phá rừng nhiệt đới gây ra trung bình 2.270 triệu tấn carbon/năm từ 2001 đến 2013 (theo công cụ Global Forest Watch).
Giảm thiểu phá rừng toàn cầu có vẻ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng các tác giả nghiên cứu đã dẫn trường hợp Brazil để chứng minh điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được. Phá rừng tại Brazil đã phát thải ra trung bình 1.006 triệu tấn carbon vào khí quyển trong khoảng 2001-2013 – gần một nửa tổng lượng phát thải toàn cầu. Nhưng quốc gia này đang trên con đường hạn chế phá rừng thành công – từ năm 2004 đến 2009, tổng phát thải carbon tại Brazil chỉ còn 482 triệu mét khối.
Và còn nhiều dấu hiệu khác chứng minh rằng cộng đồng quốc tế cuối cùng cũng bắt đầu xem trọng cuộc chiến chống phá rừng trong cuộc đấu tranh rộng khắp ngăn nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Các nhà đàm phán khí hậu tại Paris đã bổ sung cơ chế giải quyết nạn phá rừng là một trong những công cụ chính để đạt tới mục tiêu giảm phát thải toàn cầu trong Hiệp định khí hậu Paris.
12. Một lượng chất thải độc hại từ khai thác quặng tương đương 25.000 bể bơi Olympic chảy tràn 800 km tại Brazil
Sự việc hồ chứa chất thải Fundão tại Bang Minas Gerais, Brazil bị vỡ vào đầu năm 2015 được coi là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Khoảng 62 triệu lít bùn độc hại được hình thành từ chất thải quặng kim loại và silicon từ hoạt động khai khoáng đã chôn vùi thị trấn Bento Rodrigues và chảy tràn khoảng 600 dặm cho đến khi gặp sông Doce và bờ biển Atlantic tại Bang Espírito Santo. Ít nhất 11 người chết, hàng trăm người phải di dời, và nguồn nước sinh hoạt của hơn 250.000 người bị kết luận nhiễm kim loại nặng.
13. Volkswagen bị phát hiện cố ý vi phạm các tiêu chuẩn phát thải
Tháng 9/2015, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ tuyên bố phát hiện hãng ô tô Volkswagen gắn phần mềm trong một số sản phẩm để làm sai lệch kết quả kiểm tra phát thải, và mức độ phát thải thực tế vi phạm tiêu chuẩn của Đạo luật Clean Air (không khí sạch).
Khoảng nửa triệu phương tiện vận tải chạy bằng dầu diesel được bán tại Mỹ có gắn phần mềm gian lận này, tuy nhiên công ty này đã thừa nhận là có tới 11 triệu sản phẩm được bán trên toàn thế giới có cài đặt thiết bị làm sai lệch chỉ số phát thải.
14. Bắc Kinh hứng chịu một năm ô nhiễm môi trường thậm tệ
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, chỉ khoảng 20% thời gian chất lượng không khí của thành phố được đánh giá “tốt” hoặc tốt hơn. Các hạt vật chất lơ lửng trong không khí đạt đến mức nguy hiểm quá thường xuyên đến mức chính phủ Trung Quốc phải yêu cầu hàng nghìn nhà máy cắt giảm sản xuất để giảm khói bụi quanh khu vực thủ đô.
15. Dầu cọ vẫn là mặt hàng gây tranh cãi nhất thế giới
Cơ quan Điều tra Môi trường, một tổ chức phi chính phủ tại Luân Đôn, vừa công bố báo cáo mới cáo buộc tổ chức dầu cọ bền vững lớn nhất thế giới RSPO đã lờ đi những sai sót nghiêm trọng trong quá trình cấp chứng chỉ, tạo điều kiện cho nhiều công ty dầu cọ lớn nhất che dấu những sai phạm nghiêm trọng về tiêu chuẩn bền vững .
RSPO đã nhanh chóng thông qua một nghị quyết thừa nhận các vấn đề gây ảnh hưởng tới quy trình cấp chứng chỉ và đồng thời cam kết thay đổi. Nhưng đó chưa phải là vấn đề tranh cãi duy nhất mà ngành thương mại dầu cọ trên thế giới gặp phải trong năm 2015.
Việc sản xuất dầu cọ dẫn đến một loạt xung đột gay gắt trong năm vừa qua. Tại Indonesia, bộ tộc Dayak khẳng định đường biên giới của họ đã bị thay đổi để hai công ty có thể trồng cọ trên lãnh thổ của họ. Tại Peru, hơn 9.400 hecta rừng mưa Amazon đã bị tàn phá nhường chỗ cho 2 dự án trồng cọ tại vùng Ucayali từ năm 2011. Các nhà hoạt động kêu gọi ngừng phá rừng thì nhận được nhiều lời đe dọa giết hại.
Một nhóm các công ty dầu cọ lớn đã đưa ra bản tuyên ngôn Dầu cọ Bền vững (SPOM) và công bố một nghiên cứu đưa ra phương pháp sản xuất dầu cọ không phát thải carbon. Thế nhưng các nhà phê bình lại cho rằng các ngưỡng carbon được đưa ra trong bản SPOM sẽ cho phép việc trồng cọ phá hoại cả những khu rừng vừa mới tái sinh.