ThienNhien.Net – K’Thanh Hoài, một người đàn ông lực lưỡng với dáng người cao to, khuôn mặt rắn rỏi. Anh thuộc rừng như lòng bàn tay, biết được sở thích của các loài thú, đặc biệt là loài khỉ, vượn, culi. Là người dân tộc Châu Mạ, một dân tộc bản địa ít người sống ở khu vực huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, giáp ranh với Vườn quốc gia Cát Tiên, K’Thanh Hoài cùng cộng đồng người Châu Mạ ở xã Tà Lài đã quen với việc săn bắn, sống dựa vào rừng từ khi còn nhỏ.
Những năm 1980, anh được người dân đặt biệt danh là “sát thủ rừng xanh” vì biệt tài săn bắn giỏi. Nhưng, vì duyên cơ với loài khỉ, tình yêu với rừng, từ một “sát thủ”, K’Thanh Hoài đã trở thành người bảo vệ rừng và hiện anh còn là vị “cứu tinh” của họ hàng nhà khỉ.
Từ nỗi ám ảnh…
Cùng với cộng đồng người Châu Mạ ở xã Tà Lài, ngay từ những ngày còn nhỏ K’Thanh Hoài đã theo cha mẹ vào rừng săn bắn, đốn củi và hái lượm sản vật rừng. Tập tục của người Châu Mạ là vừa làm nương rẫy vừa sống dựa vào rừng. Anh K’Thanh Hoài cho biết: “Trước những năm 1980 vùng rừng núi Nam Cát Tiên thú rừng rất nhiều, nai, hoẵng, khỉ, vượn, culi vào nương rẫy của người dân hàng ngày. Thời điểm đó, sau mỗi chuyến đi săn, thịt thú rừng ăn không hết còn phải phơi khô treo lên giàn bếp để dành”. “Ngày đó, khi 14 tuổi tui đã giỏi bắn ná. Ôm ná vào rừng cùng anh em trong nhà đi săn thú, tôi thường được phân công nhắm bắn khi phát hiện thú. Hằng ngày, mỗi chuyến đi rừng lúc nào cũng săn được thú mang về làm thịt, nhiều nhất vẫn là heo rừng, culi, nhím”, anh kể tiếp.
Tuy nhiên, sau hàng trăm chuyến đi săn, một kỷ niệm khiến K’Hoài ám ảnh và đó cũng chính là nguyên do khiến anh quyết định không săn bắn thú rừng nữa. “Hôm đó tui cùng một người anh rể dắt chó vào rừng đi săn. Khi phát hiện một gia đình khỉ đuôi dài gồm khỉ bố, mẹ và hai khỉ con trên cây. Tôi dương ná lên nhắm bắn. Mũi tên găm vào ngực con khỉ mẹ, lúc đó đang cõng con trên lưng.
Khỉ đực rú lên liên hồi đánh tiếng và nhảy qua nhảy lại gần khu vực khỉ cái lúc đó đang cõng con. Sau một hồi cầm cự, khỉ cái lịm dần. Trước khi buông tay rơi xuống đất, con khỉ cái còn kịp ôm con trao lại cho khỉ đực”, giọng K’Thanh Hoài chùng lại, rồi rưng rưng: “Lúc đó tui thấy trên đôi mắt của khỉ cái hai hàng nước mắt chảy dài. Chứng kiến cảnh tượng trên, tui nói với người anh rể “đừng bắn nữa, để khỉ đực ôm con đi đi, vì nếu bắn luôn khỉ đực thì hai con khỉ con kia cũng sẽ chết”. Gương mặt đầy tâm sự, K’Thanh Hoài nói: “Trong cuộc đời đi săn, đó là hình ảnh ám ảnh nhất khiến tôi nhớ mãi đến giờ”.
… trở thành vị “cứu tinh”
Từ những năm 1990, sau khi Nhà nước tuyên truyền về việc cấm săn bắt thú, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, K’Thanh Hoài đã gác kiếm. Anh cho biết: “Một phần vì Nhà nước có chủ trương thì mình cũng phải theo, một phần vì ám ảnh sau những lần đi săn, nên tui đã quyết định không vào rừng săn bắn thú nữa, mà chủ yếu chăm bón nương rẫy, cùng với vợ và gia đình dệt thổ cẩm và hướng dẫn người nước ngoài du lịch cộng đồng.
Đến năm 1996, sau nhiều lần xuất hiện trên các chương trình truyền hình về văn hóa dân tộc bản địa Châu Mạ, lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Tiên đã nhận K’Thanh Hoài vào làm kiểm lâm của Vườn. “Họ biết tôi là người thuộc rừng nên họ kêu tôi vào làm kiểm lâm để đấu tranh với bọn lâm tặc, nhằm bảo vệ rừng, nên tôi nhận lời”. Cùng với công việc mới tại Vườn quốc gia, K’Hoài còn vận động gia đình và người dân trong xã Tà Lài trồng được hơn 100 ha rừng theo hình thức giao khoán.
Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên nằm trên một hòn đảo có diện tích 30 ha tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện trung tâm đang chăm sóc và phục hồi khả năng tái hòa nhập môi trường tự nhiên cho 30 cá thể vượn gồm 1 cá thể vượn đen má vàng và 29 cá thể vượn đen má trắng, 28 cá thể culi, 7 cá thể voọc. Một lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, tất cả những cá thể linh trưởng hiện được chăm sóc tại trung tâm đều được giải cứu và đưa về từ các tỉnh Tây Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận và Đồng Nai. Đây là những cá thể linh trưởng bị săn bắt trái phép hoặc nuôi nhốt bất hợp pháp được các cơ quan chức năng phát hiện, giải cứu trước khi đưa về trung tâm. |
Cơ duyên với rừng, với thú rừng và đặc biệt đối với loài khỉ, lại một lần nữa đưa K’Thanh Hoài trở thành một nhân viên của Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên. Vào đầu năm 2008, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên được Tổ chức Monkey World (Vương quốc Anh) phối hợp với Trường Đại học Pingtung (Đài Loan, Trung Quốc) và Vườn quốc gia Cát Tiên thành lập tại Đảo Tiên ngay Vườn quốc gia, nhằm cứu hộ, chăm sóc cho các loài linh trưởng bị săn bắn, buôn bán và nuôi nhốt trước khi thả về rừng.
Biết K’Thanh Hoài là người thuộc rừng, hiểu tập tục của loài khỉ, vượn, culi, Tiến sĩ Marina Kenyon Ann, người quản lý trung tâm đã đề nghị lãnh đạo vườn cho biệt phái anh sang trung tâm. Tháng 5/2008 K’Thanh Hoài được trung tâm cử sang Đài Loan học gần một năm về công tác cứu hộ, chăm sóc loài linh trưởng.
Năm 2009, sau khi trở về từ Đài Loan, K’Thanh Hoài là người hàng ngày trực tiếp chăm sóc cho hàng chục loài linh trưởng. Anh nói: “Lợi thế là mình hiểu biết được các loại cây trái rừng, vì mình sống ở trong rừng, dân tộc bản địa ở rừng mà, nên những con thú nào ăn cái gì là mình biết rồi, cho nên người ta mới kêu gọi mình tham gia vào công tác bảo tồn loài vật này”. K’Thanh Hoài cho biết, hàng ngày mỗi sáng anh đều phải vào rừng để tìm hái các loài lá cây, trái cây mà loài khỉ, vượn thích để mang về cho chúng ăn. Mục đích của việc làm này là tập cho thú nhớ lại rừng, nhớ lại tập tục của chúng, để khi thả về rừng chúng cũng có thể tự đi tìm lấy những loại lá và trái cây như bầy đàn của chúng.
Chỉ cho chúng tôi một loài cây mà loài khỉ rất thích, anh K’Thanh Hoài cho biết, anh đã lặn lội vào rừng sâu tìm được loài cây này, sau đó mang về trung tâm trồng để hàng ngày hái cho khỉ, vượn và culi ăn. Đặc điểm của những loài linh trưởng này là rất thích ăn lá cây kẹp bứa, cây sung và cây lộc vừng mọc trong rừng.
Chỉ cho chúng tôi con vượn đen má vàng có tên gọi là Nicky, anh K’Thanh Hoài nói: “Nicky được đưa về từ Tây Nguyên. Sau khi bị săn bắn rồi trên đường đưa đi tiêu thụ, Nicky được lực lượng kiểm lâm phát hiện, thu giữ rồi đưa về trung tâm. Tại đây con vượn này được đưa đi chữa trị tại Viện Pastuer TP. Hồ Chí Minh, rồi chuyển lên bệnh viện chấn thương chỉnh hình để phẫu thuật ghép xương và lấy mảnh đạn bi trong người. Đến nay, sau nhiều tháng phục hồi chức năng, Nicky đã dần bình phục và đang thích nghi rất tốt với môi trường bán hoang dã”.
Đã có hàng chục cá thể vượn, voọc, culi được chính tay K’Thanh Hoài chăm sóc, cứu hộ và huấn luyện và đã trở về hòa nhập tốt với bầy đàn ở môi trường tự nhiên. Nhiều cặp khỉ, vượn và vọoc sau khi được ghép đôi ở môi trường bán hoang dã, chúng đã sinh con. Nhiều gia đình linh trưởng đã được thả về môi trường tự nhiên thành công.
Nhân viên của Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên cho biết: “Khi thả về rừng, linh trưởng đều được gắn chíp và có nhân viên kiểm lâm theo dõi trong vòng 2 tháng để xem khả năng hòa nhập đàn và thích ứng với môi trường sống. Nếu những cá thể nào bị đẩy ra khỏi đàn thì kiểm lâm sẽ có phương pháp bắt lại để tìm những khu rừng và đàn khác cho linh trưởng hòa nhập”.
Công việc hàng ngày gắn bó với những cá thể linh trưởng, gắn bó với rừng, dù vất vả, nhưng anh K’Thanh Hoài lấy đó làm niềm vui. Anh nói, giờ mỗi ngày không được nhìn thấy khỉ, vượn, không đùa chơi với Nicky, với Diện, với Ann… là tôi lại nhớ chúng, nhớ từng tiếng hú gọi đàn, nhớ cảnh chúng vui mừng đu nhảy gầm rú khi tôi đưa thức ăn tới và đùa chơi với chúng.